1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Doanh nhân giúp TQ mua tàu sân bay Liêu Ninh hé lộ bí mật chưa từng công bố

(Dân trí) - Doanh nhân đến từ Hồng Kông Xu Zengping, người đã vào vai một ông chủ casino để mua về chiếc tàu sân bay Liêu Ninh cho quân đội Trung Quốc, mới đây đã lần đầu hé lộ "nhiệm vụ bất khả thi", trong đó khẳng định toàn bộ động cơ của tàu còn mới nguyên khi về nước.

Đó là một nhiệm vụ không hề giống những nhiệm vụ trước đây. Ngay sau khi Liên Xô vừa sụp đổ, một doanh nhân nắm trong tay lượng tiền mặt khủng cùng một câu chuyện về mong muốn lập casino làm vỏ bọc, đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng khi mua phần vỏ của một tàu sân bay Ukraine chưa hoàn tất, mà sau này trở thành trọng tâm của hải quân Trung Quốc.

Ông chủ casino tiết lộ hậu trường vụ mua tàu sân bay Liêu Ninh cho Trung Quốc
Ông Xu Zhengping (phải) và phó tư lệnh hải quân Trung Quốc Su Shiliang trên boong tàu Liêu Ninh (Ảnh: SCMP)

Phát biểu với báo giới lần đầu tiên về nhiệm vụ này, doanh nhân người Hồng Kông Xu Zengping đã tiết lộ một loạt chi tiết về thương vụ bí ẩn này, những giàn xếp hậu trường kỳ công để giúp hiện thực hóa giấc mơ sở hữu tàu sân bay bấy lâu của Trung Quốc.

Trong đó chi tiết nhạy cảm về mặt quân sự nhất đó là các động cơ nguyên bản của tàu sân bay vẫn còn nguyên khi Ukraine quyết định bán đi năm 1998. Điều này hoàn toàn khác so với những gì Bắc Kinh tuyên bố vào thời điểm đó.

“4 động cơ còn nguyên đã được bao phủ mỡ một cách hoàn hảo” sau khi việc đóng tàu dừng lại vào năm 1992. Đây là lần đầu tiên một người có liên quan tới thương vụ này công khai xác nhận sự hiện diện của các động cơ tàu sân bay khi nó được mua.

Những thông tin trước đó cho biết hệ thống phát điện của tàu đã bị tháo gỡ tại xưởng đóng tàu Nikolayev Nam của Ukraine trên Biển Đen, cùng với hệ thống điện tử và hệ thống vũ khí trước khi ông Xu mua nó năm 1998 với giá 20 triệu USD.
 

“Khi tôi được kỹ sư trưởng của xưởng đóng tàu đưa vào phòng động cơ, tôi thấy cả 4 động cơ còn mới nguyên và được phủ mỡ cẩn thận, mỗi động cơ này có giá gốc 20 triệu USD”, Xu cho biết, và khẳng định một đợt đại tu hoàn thành năm 2011 đã giúp cả 4 động cơ hoạt động bình thường.

Tàu sân bay có tên Liêu Ninh của Trung Quốc được đóng dựa trên thân vỏ của một tàu sân bay lớp Kuznetsov của Liên Xô, có tên Varyag. Khi tàu này đóng được khoảng 2/3 khối lượng thì phải dừng lại do Liên Xô sụp đổ, và bị bỏ không cho đến khi Xu đưa ra đề nghị, với tư cách môi giới cho hải quân Trung Quốc.

Xu cho biết xưởng đóng tàu trên đã chấp nhận bán Varyag, do bất ổn chính trị khiến cho họ rơi vào cảnh kiệt quệ về tài chính.

“Trung Quốc đã cố ý đưa ra thông tin sai lệnh về việc tháo dỡ các động cơ để giúp Xu và xưởng đóng tàu trên dễ dàng thương thảo”, một nguồn tin của tờ Bưu điện Hoa nam buổi sáng cho biết. Báo giới phương Tây cũng khẳng định Mỹ đã gây sức ép để Ukraine tháo dỡ mọi thứ trên tàu sân bay này, chỉ bán vỏ cho khách hàng Trung Quốc, nguồn tin này cho biết thêm.

Ông Xu và thiết kế trưởng của tàu sân bay Varyag, ông Mykolaiv tại Ukraine tháng 1/1998
Ông Xu và thiết kế trưởng của tàu sân bay Varyag, ông Mykolaiv tại Ukraine tháng 1/1998

Một đại tá về hưu của hải quân Trung Quốc cho biết “rất có khả năng” Liêu Ninh hiện vẫn đang dùng các động cơ nguyên bản của Ukraine. “Công nghệ động cơ của Ukraine tốt hơn Trung Quốc”, vị sỹ quan về hưu nói. “Theo như tôi hiểu, hải quân Trung Quốc sau đó đã nhờ Ukraine giúp đỡ để khiến động cơ của tàu sân bay, vốn bị niêm phong kỹ trong nhiều năm, có thể hoạt động trở lại”.

Việc mua chiếc tàu sân bay chỉ mới là bước khởi đầu. Phải 4 năm sau nó mới được kéo từ Ukraine về tới cảng Đại Liên tại tỉnh Liêu Ninh, và hơn một thập niên nữa để trùng tu nó.

Theo nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong tại Macau, sau nhiều năm thương lượng, xưởng đóng tàu của Ukraine cũng đã chuyển giao công nghệ đông cơ cho công ty tua-bin Hắc Long Giang, một nhà máy chuyên sản xuất các nồi hơi, tua-bin và thiết bị hơi của quân đội.

Có những dấu hiệu cho thấy các động cơ của tàu đã được nâng cấp.

“Hệ thống đẩy nguyên bản được thiết kế cho tàu Liêu Ninh cũng giống như tàu sân bay lớp Kuznetsov của Nga, với tốc độ tối đa 32 hải lý/giờ. Nhưng trọng tải của Liêu Ninh nặng hơn tới 6.000 tấn, do đó, một cách logic thì nó phải chậm hơn”, Wong nói. “Nhưng những đợt chạy thử trên biển gần đây cho thấy tốc độ tối đa của Liêu Ninh tương đương 32 hải lý/giờ, cho thấy hệ thống đẩy đã được nâng cấp”.

Thanh Tùng
Theo SCMP