1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc hành xử xấu xí: Còn nhiều nguy hiểm hơn thế...

Một khi lòng tự trọng, danh dự, uy tín của một quốc gia bị bỏ qua, thì họ có thể làm những chuyện rất nguy hiểm...

TS.Ngô Hữu Phước, Trưởng bộ môn Công pháp quốc tế, ĐH Luật. TP.HCM chia sẻ với báo Đất Việt.

PV: - Thưa ông, sau khi trang bị vũ khí hạng nặng cho tàu tuần tra, biến tàu dân sự thành tàu quân sự...Trung Quốc lại dự định dùng máy bay Boeing-747 cho mục đích quân sự. Ông bình luận như thế nào về những động thái trên? Trung Quốc có ý đồ gì khi tạo nên ấn tượng Trung Quốc lúc nào cũng có thể dùng vũ lực?

TS.Ngô Hữu Phước: - Theo quan điểm của tôi, những hành động nói trên của TQ nhằm hai mục đích. Thứ nhất, TQ đang muốn quân sự hóa các hoạt động dân sự của họ. Thứ hai, TQ muốn cho các nước thấy rằng, về phương diện quân sự chống lại TQ là điều không dễ hay nói cách khác là đặc biệt khó.

Đó là hành vi mang tính đe dọa các quốc gia trong khu vực chứ không đơn thuần chỉ là suy nghĩ nhằm đối phó với Mỹ như nhiều người suy đoán.

Trung Quốc hành xử xấu xí: Còn nhiều nguy hiểm hơn thế...
Hình ảnh Trung Quốc cải tạo bất hợp pháp các đảo, bãi đá Trường Sa mà nước này đã cưỡng chiếm bất hợp pháp của Việt Nam.

Tôi cho rằng, trong một thế giới văn minh thì các quốc gia phải hành xử với nhau một cách văn minh trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Trong thế giới văn minh thì mọi hành động sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực là không thể chấp nhận được và phải bị loại trừ khỏi đời sống quốc tế.

Về phương diện pháp luật quốc tế, một quốc gia sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực để xâm lược, để thôn tính, để chèn ép quốc gia khác, dùng vũ khí thay cho công lý hoặc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết các bất đồng, tranh chấp quốc tế trong đó có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ đều là hành động không văn minh, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, chúng ta phải tỉnh táo, bình tĩnh để bình luận, đáng giá vấn đề này từ nhiều khía cạnh.

Trước tiên, những tuyên bố về việc TQ chủ trương trang bị vũ khí hạng nặng cho tàu tuần tra, biến tàu dân sự thành tàu quân sự... hoặc dự định dùng máy bay Boeing-747 vào mục đích quân sự là tuyên bố của ai, cơ quan nào, nhân danh ai, nhân danh cơ quan có thẩm quyền nào của TQ … hay chỉ là nguồn thông tin báo chí không chính thống?

Nếu đó chỉ là thông tin tuyên truyền trên báo chí không chính thống thì chúng ta chưa cần phải quan tâm. Tuy nhiên, nếu những thông tin trên là chính thống, là tuyên bố của cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền của TQ...thì đó là điều hết sức nguy hiểm, và chúng ta phải nghiên cứu, xem xét, đánh giá một cách hết sức thận trọng để chủ động đối phó với những tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Thứ hai, hành động này của TQ có vi phạm luật pháp quốc tế hay không? Tôi khẳng định là, luật pháp không cấm các quốc gia tăng cường trang thiết bị vũ khí, khí tài quân sự của họ. Bởi lẽ, đây là nhu cầu về quốc phòng, an ninh của mỗi quốc gia. Do vậy, nếu một quốc gia tăng cường các thiết bị vũ khí, khí tài quân sự nhằm mục mục đích đơn thuần là phòng thủ, bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ hòa bình và an ninh của quốc gia và quốc tế là điều hoàn toàn chính đáng, hợp pháp được luật quốc tế công nhận.

Tuy nhiên, nếu một quốc gia chạy đua vũ trang, tăng cường tiềm lực quân sự nhằm mục đích khiêu khích, tấn công quốc gia khác; hoặc đe dọa các quốc gia khác và lấy sức mạnh quân sự để áp đảo quốc gia khác để dành phần thắng về mình trong các tranh chấp về lãnh thổ, biên giới là hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. Cụ thể là trái với Hiến chương Liên Hợp quốc (LHQ) và các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc bình đẳng chủ quyền giữa các quốc gia; nguyên tắc cấm sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế; nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng các biện pháp hòa bình và nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với nhau.

Thứ ba, nếu các thông tin trên là chính thống thì các hành động này của TQ ảnh hưởng thế nào? Tôi cho rằng, một quốc gia muốn trở thành cường quốc của thế giới cả về chính trị, kinh tế, quân sự và văn hóa nhưng TQ lại tiến hành những hoạt động như họ đã và đang làm nhằm hiện thực hóa tham vọng, âm mưu độc chiếm Biển Đông thì rõ ràng TQ đã tạo ra một sự bất ổn, sự hoài nghi lớn đối với các quốc gia trong khu vực. Là nguyên nhân dẫn tới tâm lý bất an, khiến các quốc gia trong khu vực phải đề phòng, cảnh giác cao độ, phải tăng cường sức mạnh quân sự để phòng thủ, chạy đua vũ trang. Đó là điều mà Việt Nam cũng như các quốc gia trong khu vực không bao giờ mong muốn.

Với ý đồ “tàu chiến hóa” “quân sự hóa” cho hơn 172.000 tàu cá, TQ đang muốn tạo thế áp đảo về quân sự trên Biển Đông nếu có xung đột xẩy ra. Điều đó là rất nguy hiểm, đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực cũng như thế giới. Thực trạng này buộc các quốc gia trong khu vực trong đó có Việt Nam phải đánh giá lại khả năng và sức mạnh quân sự của mình.để phòng thủ nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Cuối cùng, nếu các thông tin nói trên là có thật, là chính thống thì các hành động đó của TQ sẽ dẫn tới hệ quả thế nào? Nếu thế giới này mà các quốc gia chỉ sử dụng sức mạnh quân sự, vũ lực thắng chính nghĩa, công lý được thực thi bằng vũ khí thì quá nguy hiểm. Nếu điều đó xẩy ra nó sẽ đồng nghĩa với việc luật pháp quốc tế là vô giá trị và thế giới này sẽ hỗn loạn và thậm chí là sẽ bị diệt vong.

PV:- Cùng với những động thái trên, bất chấp dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn cải tạo đảo ở biển Đông, gây tranh chấp ở biển Hoa Đông, đe dọa lập ADIZ ở biển Đông và biển Hoa Đông... Nhiều quốc gia đã nhận định Trung Quốc ngày càng hung hăng, hiếu chiến, là nguy cơ xung đột và bất ổn trên thế giới. Ông bình luận như thế nào về những nhận định trên? Theo ông, loạt hành động mới đây của Trung Quốc bắt nguồn từ những lợi ích hiện tại hay chúng nằm trong chỗi hành động có chủ đích của quốc gia này? Xin ông phân tích cụ thể? 

Ts. Ngô Hữu Phước: - Nếu xâu chuỗi tất cả những hành động của TQ trong khoảng 10 năm trở lại đây, tôi cho rằng mọi động thái của TQ đều nằm trong một chuỗi hành động có chủ đích, được tính toán bài bản, liên tục, thống nhất. Không đơn giản là ý tưởng ngẫu nhiên, nhất thời. 

Đặc biệt, từ đầu năm 2014 đến nay, các hoạt động của TQ diễn ra mạnh mẽ hơn, nhanh hơn, nguy hiểm hơn. Một mặt TQ ra sức tiến hành bồi đắp, tôn tạo, xây dựng trên các đá Su bi, Gaven, Chữ thập, Gạc Ma, Châu Viên, Tư Nghĩa, Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam mà Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm đóng từ năm 1988 để biến chúng thành các đảo nhân tạo. Mặt khác, TQ lại đưa giàn khoan HD 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, khiến dư luận bị phân tâm, dẫn đến rất khó lường trong việc đối phó với các hoạt động phi pháp này của TQ.

Và từ cuối tháng 6/2015 TQ lại tiếp tục đưa giàn khoan HD 981 vào vùng đặc quyền kinh tế cồng lấn chưa phân định của Việt Nam và TQ. Chủ đích của TQ là gây rối, đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực, biến Biển Đông thành ma trận mà trong đó người điều khiển ma trận này chính là TQ. Tất cả các hoạt động này của TQ đều trái với luật pháp quốc tế, trái với Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982, bị Việt Nam và các nước trong khu vực phản đối kịch liệt và bị thế giới lên án mạnh mẽ.

Về phương diện pháp lý, TQ dùng vũ lực tấn công, chiếm đóng các đảo, đá thuộc chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa rồi tiến hành bồi đắp, tôn tạo, xây dựng nhằm biến chúng thành các đảo nhân tạo là hoàn toàn trái với luật quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982.

Theo của Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982, giả sử các đảo, đá đó thuộc chủ quyền của Trung Quốc đi chăng nữa nhưng nếu chúng nằm trên tuyến đường hàng hải, hàng không quốc tế hoặc nằm trên những vùng biển chồng lấn, có tranh chấp thì TQ cũng không được phép tôn tạo các đảo này để biến chúng thành các đảo nhân tạo mà phải giữ nguyên hiện trạng. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, luật pháp quốc tế không bao giờ công nhận hành vi sử dụng bê tông, đất cát, sắt thép để bồi đắp, tôn tạo, xây dựng bất hợp pháp… để làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ. 

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, luật pháp quốc tế không cấm các hành vi cải tạo, bồi đắp các đảo thuộc chủ quyền của quốc gia nhằm khẳng định, bảo vệ và thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia, làm tăng hiệu quả khai thác kinh tế biển (như khai thác dầu, khí, thủy hải sản, các mỏ kim loại…), nghiên cứu khoa học, tuần tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia, bảo đảm an ninh hàng hải, hàng không và thương mại quốc tế và các hoạt động khác như tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống xói mòn...

Dã tâm quyết làm bằng được của TQ nhằm mục đích gì? với việc bồi đắp các bãi đá trên quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thành các đảo nhân tạo, TQ đang từng bước mở rộng tham vọng, yêu sách phi pháp về chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ trên Biển Đông theo một lộ trình trái pháp luật quốc tế.

Trước hết là tấn công xâm lược (năm 1988), tiếp theo là bồi đắp chúng thành các đảo nhân tạo (họ đã và đang thực hiện từ đầu năm 2014 đến nay), sau đó là yêu sách một vùng biển 12 hải lý xung quanh đảo và cuối cùng là đưa người đến ở và yêu sách các vùng tiếp giáp lãnh hải, đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo nhân tạo đó như những đảo tự nhiên theo quy định của Điều 121 của Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982.

Theo đó, đảo là một vùng đất tự nhiên có nước bao bọc, khi thủy triều lên vùng đất này vẫn ở trên mặt nước. Những đảo thích hợp cho con người đến ở hoặc cho một đời sống kinh tế riêng thì đảo đó sẽ có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa được hoạch định theo đúng các quy định của Công ước áp dụng cho các lãnh thổ đất liền khác. Những đảo, đá nào không thích hợp cho con người đến ở hŏc cho một đời sống kinh tế riêng, thì không có vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa.

Trung Quốc hành xử xấu xí: Còn nhiều nguy hiểm hơn thế...
Các bức ảnh vệ tinh chụp lần lượt vào các ngày 30/3/2014, 7/8/2014 và 30/1/2015 cho thấy Trung Quốc ngang nhiên cải tạo Đá Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Cũng cần lưu ý thềm rằng, theo quy định tại Điều 60 khoản 5 của Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982, một đảo nhân tạo (được xây dựng hợp pháp), thì quốc gia ven biển được quyền ấn định một vùng an toàn xung quanh đảo nhân tạo. Những khu vực an toàn này không thể mở rộng ra một khoảng cách quá 500m xung quanh các đảo nhân tạo tính từ mỗi điểm của mép ngoài cùng của các đảo nhân tạo.

Tuy nhiên bên cạnh việc bồi đắp, xây dựng bất hợp pháp, TQ lại tuyên bố thiết lập một vùng biển rộng 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo nhằm kiểm soát hoàn toàn tàu, thuyền và phương tiện bay qua lại khu vực này. Điều này đã vi phạm nghiêm trọng đến quyền tự do hàng hải, tự do hàng không của các quốc gia trong khu vực và thế giới theo quy định của Công ước của Liên Hợp quốc về luật biển năm 1982.

Thứ hai, trên Biển Đông có 3 điểm chiến lược tiền tiêu đặc biệt quan trọng án ngữ hành lang phía đông nam là đảo Hải Nam của TQ và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Đây là 3 điểm “yết hầu” về vị trí địa chính trị, quân sự, kinh tế, thương mại, hàng hải, hàng không của khu vực và thế giới. Do vậy, có thể nhận thấy rõ, tất cả các hoạt động của TQ trong thời gian gần đây đều nhằm mục đích thôn tính quần đảo Trường Sa để liên kết 3 điểm tiền tiêu chiến lược này và từ đó kiểm soát toàn bộ Biển Đông, hiện thực hóa “đường chữ U chín đoạn” phi pháp hòng “độc chiếm Biển Đông”, là ý đồ có tính toán, bài bản từ lâu của TQ.

PV:- Trong thế giới hội nhập ngày nay, không một quốc gia nào muốn hình ảnh của mình xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế. Nhưng dường như Trung Quốc lại không màng tới điều này (dù vẫn tuyên truyền về sự trỗi dậy hòa bình). Theo ông, có thể lý giải điều này như thế nào? 

Ts. Ngô Hữu Phước: - Tôi cho rằng, một khi lòng tự trọng, danh dự, uy tín của một quốc gia trong thế giới hòa bình, văn minh như hiện nay mà TQ đã bỏ qua thì điều đó chứng tỏ rằng, họ có thể làm những chuyện rất nguy hiểm, thậm chí còn nguy hiểm hơn nhiều so với những gì mà chúng ta đã và đang chứng kiến trong thời gian gần đây. 

Những hành động của TQ đã chứng minh, TQ có thể vì lợi ích quân sự, kinh tế và tham vọng trở thành siêu cường của thế giới mà sẵn sàng bất chấp tất cả, kể cả đạo lý và luật pháp quốc tế. Thậm chí họ sẽ quên đi cả danh dự, uy tín và lòng tự trọng cũng như phẩm giá của quốc gia, dân tộc.

PV:-Phải chăng Trung Quốc đã đủ mạnh để có thể tự tung tự tác mà không phải nhìn trước ngó sau?

TS. Ngô Hữu Phước: - Tôi cho rằng, từ lâu TQ luôn có tư tưởng của một cường quốc. TQ vẫn tự cho mình là trung tâm của vũ trụ, trung tâm của thế giới. Tuy nhiên, trong suốt quá trình tự huyễn hoặc này TQ tự thấy về tiềm lực quân sự, khoa học, kỹ thuật, kinh tế chưa thật sự mạnh và thời cơ chưa chín muồi vì vậy họ đang ẩn mình chờ đợi. Bây giờ là lúc TQ bùng nổ những âm mưu đã được trù định từ lâu và thực hiện bằng mọi giá để đạt được âm mưu đó cho dù họ thừa biết điều đó là trái với luật pháp quốc tế, bị thế giới lên án. 

Nhìn lại cách hành xử của TQ, tôi cho rằng đó là cách hành xử không văn minh, không xứng với một cường quốc thực sự. Một cường quốc thực sự phải tự lao động, sáng tạo, tuân thủ, thượng tôn pháp luật quốc tế, chung sống hòa bình với các quốc gia trong khu vực và thế giới thì sự lớn mạnh đó, cường quốc đó mới tồn tại, mới được thế giới tôn trọng và khâm phục.

Ngược lại, hành trang và thành quả để trở thành một cường quốc của thế giới được “xây dựng” được “vun đắp” bằng sự bấp chấp công lý và lẽ phải, bằng việc sử dụng và đe dọa sử dụng vữ lực để thôn tính, để chèn ép, để xâm lược quốc gia khác mãi mãi sẽ không bao giờ được nhân loại tiến bộ chấp nhận.

PV:- Ông dự đoán, thế giới phải đối mặt với những nguy cơ gì từ cách hành xử của Trung Quốc? 

TS.Ngô Hữu Phước: - Đầu tiên, nếu TQ thực hiện được tham vọng phi pháp này thì rõ ràng đây là mối nguy lớn xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và đẩy Việt Nam vào thế phải đối đầu với TQ. Tất nhiên, đó là những điều mà VN không bao giờ mong muốn chúng sẽ xảy ra.

Sau đó mới nói tới chuyện tự do hàng hải, tự do hàng không, với hòa bình và an ninh của các quốc gia trong khu vực và thế giới. Chắc chắn, toàn bộ các hoạt động giao thương, đi lại của các nước qua khu vực này đều sẽ bị TQ khống chế. Tuy nhiên, tôi khẳng định và tin tưởng rằng, TQ không bao giờ làm được việc đó. Tham vọng của TQ không thể thực hiện được vì bên cạnh VN và các quốc gia trong khu vực còn nhiều quốc gia văn minh, yêu chuộng hòa bình và luật pháp quốc tế.

PV:- Liệu có giải pháp nào để kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc hiệu quả hay không, khi Trung Quốc dường như đang phớt lờ cả luật pháp quốc tế?

TS Ngô Hữu Phước: - Muốn kiềm chế được TQ thì cần phải có sự hợp tác, hợp sức một cách toàn diện và đồng bộ của các quốc gia trong khu vực và các quốc gia trên thế giới ...thông qua các diễn đàn ngoại giao, diễn đàn an ninh, kinh tế thế giới, thông qua các biện pháp đấu tranh chính trị, ngoại giao, pháp lý trên tinh thần thượng tôn pháp luật.

Tất nhiên, bên cạnh đó Việt Nam cần phải có phương án riêng của mình để đấu tranh bài bản, nhất quán, mềm mỏng và kiên quyết kết hợp nhuần nhuyễn các biện pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tôi tin tưởng rằng, cuối cùng phần thắng sẽ thuộc về quốc gia, dân tộc yêu chuộng hòa bình, công lý và thượng tôn pháp luật! 

PV:- Xin cảm ơn ông!

Theo Vũ Lan (thực hiện)
Đất Việt