Trung Quốc giỏi chiếm quyền lực toàn cầu hơn Mỹ?
Trung Quốc đã từ một nước nhận viện trợ thành quốc gia tài trợ có tiềm năng và sức thâu tóm vượt Mỹ.
Nga đã nhận nhiều viện trợ của Trung Quốc
Lâu nay không ít người vẫn nghĩ rằng khu vực nhận nhiều viện trợ nhất của Trung Quốc là châu Phi, nhưng nghiên cứu mới đây của nhóm nghiên cứu liên quốc gia đăng tải trên tạp chí tài chính Foreign Policy đưa ra những con số không biết nói dối rằng, quốc gia nhận nhiều viện trợ của Trung Quốc nhất là Nga.
Theo khoảng 15.000 nguồn tin mà nhóm nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu dữ liệu AidData của Đại học William & Mary (Mỹ), Đại học Harvard (Mỹ) và Heidelberg (Đức) thu thập được, trong giai đoạn từ năm 2000-2014, quốc gia nhận viện trợ nhiều nhất của Trung Quốc là Nga (36,6 tỉ USD) để hỗ trợ dầu khí.
2 dự án lớn nhất do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc cấp cho công ty dầu lửa quốc doanh Nga Rosneft vào năm 2009.
Trong suốt 14 năm đó, Trung Quốc ước tính đã chi 362 tỉ USD cho 4.368 dự án tại 140 quốc gia.
79% số dự án viện trợ của Trung Quốc thực chất là các khoản vay thương mại, theo đó Bắc Kinh kỳ vọng phải được trả bằng lãi suất theo thị trường.
Số này được xếp vào loại Các dòng vốn chính thức khác (OOF), thường không vì mục đích phát triển cho cộng đồng, có thể vì mục đích thương mại, lãi suất có thể thay đổi.
Ví dụ về loại viện trợ này có tín dụng xuất khẩu ưu đãi và trong một số trường hợp còn có thể xóa nợ nếu cần thiết.
Con số 79% dự án viện trợ của Trung Quốc thuộc dạng OOF đã cho thấy Bắc Kinh ưu tiên lựa chọn hình thức cho vay này để nâng con số và số tiền viện trợ.
Trên thực tế, định nghĩa về viện trợ một cách khắt khe nhất là của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thì 79% trong số hơn 4.300 dự án nêu trên của Trung Quốc không được coi là viện trợ.
Nhưng với cách định nghĩa viện trợ mở rộng hơn, với hình thức "xóa nợ nếu cần thiết", OOF vẫn được coi là một hình thức của viện trợ.
Điều này đã mang lại thuận lợi cho Bắc Kinh.
Với các khoản Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) với lãi suất thấp cùng thời hạn thanh toán kéo dài, quốc gia muốn nhận viện trợ phải thực hiện theo các yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế theo “nguyên tắc thị trường” và cải cách dân chủ cùng nhiều yêu cầu khác nhằm đảm bảo tỷ lệ tăng trưởng.
Đối với một số quốc gia, họ không chấp nhận điều kiện này.
Sự xuất hiện của các khoản vay từ Trung Quốc với hình thức OOF đã khiến Bắc Kinh có được lợi thế.
Sự cam kết đến chắc chắn về khoản tiền cho vay khổng lồ, để ngỏ khả năng xóa nợ hoặc đi kèm các điều kiện cho vay dễ dàng đã khiến Trung Quốc có được sự chú ý của nhiều quốc gia.
Sri Lanka phải bán 70% cổ phần cảng chiến lược Hambantota cho Trung Quốc để xóa nợ
Điều này đã được minh chứng bằng "tiền tươi thóc thật", càng làm tăng thêm uy tín của Trung Quốc.
Ví dụ, năm ngoái, Bắc Kinh xóa cho Mozambique một khoản vay không lãi 30 triệu Nhân dân tệ.
Năm 2000, nước này tuyên bố xóa nợ 10 tỷ Nhân dân tệ cho các quốc gia châu Phi, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD vào thời điểm đó.
Các dẫn chứng "nói thật, làm thật", cùng những hạn chế cho vay ODA từ Mỹ, đặc biệt là dưới thời Tổng thống Donald Trump đang khiến Bắc Kinh có được lợi thế và tương lai có thể vượt Mỹ, trở thành nước đứng đầu thế giới về viện trợ.
Khi khoản vay bắt đầu bằng nụ cười và kết thúc bằng sức ép chính trị
Trung Quốc đã tập trung nhiều hơn để viện trợ theo kiểu OOF. Nó cho phép các quốc gia ít có tiềm năng kinh tế tiếp cận được khoản vay khổng lồ để phát triển kinh tế.
Điều này hướng Bắc Kinh vào những quốc gia lạc hậu, cần được hỗ trợ tài chính nhưng không đủ để hưởng khoản vay ODA, nhưng có địa chính trị chiến lược.
Khi quốc gia lâm vào tình trạng không thể trả nợ, Trung Quốc bắt đầu kích hoạt lời hứa hấp dẫn, điều mà các quốc gia viện trợ ODA không làm được: Xóa nợ.
Để xóa được khoản nợ thì phải có điều kiện. Trung Quốc đã chọn cách ra điều kiện "chết người" ở khâu cuối cùng. Khi khoản nợ đã vượt quá khả năng chi trả, quốc gia đó buộc phải nhượng bộ các điều kiện địa chính trị cho Bắc Kinh.
Trung Quốc kết nối các cảng nước sâu tại Campuchia kiểm soát hàng hải bằng xóa nợ
Trung Quốc đã xóa nợ cho nhiều quốc gia. Các quốc gia này đều có vị trí chiến lược trong sáng kiến Vành đai- Con đường nhằm nâng cấp hạ tầng, thiết lập hành lang kinh tế Á- Âu, tạo ra chuỗi dự án khổng lồ về giao thông vận tải mà Bắc Kinh có thể liên tục xoay vòng để thực hiện.
Hồi giữa năm 2017, Sri Lanka đã ký kết thỏa thuận trị giá 1,1 tỉ USD, bán 70% cổ phần cảng chiến lược Hambantota cho Trung Quốc, nhằm trả bớt khoản nợ khổng lồ 8 tỉ USD. Cảng này là một viên ngọc trong chuỗi ngọc trai trên biển của Bắc Kinh cạnh tuyến đường vận chuyển năng lượng nhộn nhịp nhất thế giới.
Con nợ lớn nhất của Trung Quốc là Nga hiện vẫn chưa phải chịu cú sốc nào về chủ quyền lãnh thổ hay chính trị, nhưng kế hoạch phát triển kinh tế thì không thể đứng im.
Trong khi Nga tin tưởng vào hợp tác đôi bên cùng có lợi với Bắc Kinh và bắt tay ngay vào các dự án, Trung Quốc đã không ít lần cho Moscow ăn bánh vẽ.
Theo Tỷ phú Gennady Timchenko - được giao nhiệm vụ thúc đẩy quan hệ thương mại với Bắc Kinh, trong số hàng chục các dự án hợp tác với Trung Quốc chỉ có một ít được thực hiện. Trong đó có khoản ứng trước cho Rosneft trong dự án một đường ống dẫn dầu cỡ vừa và đường ống dẫn độc quyền Transneft, vốn đầu tư 25 tỷ USD.
Dự án Yamal LNG tại Nga với quy mô 27 tỷ USD kết hợp với Total của Pháp và CNPC của Trung Quốc, đang triển khai thì phải đình lại do khó khăn tài chính.
Trung Quốc cho biết sẽ cho vay 20 tỷ USD trong năm 2014 để tiếp tục dự án, nhưng đến tháng 8/2015 vẫn chưa được giải ngân, dù đã bị giảm xuống 15 tỷ USD.
Bắc Kinh cũng hứa sẽ cho Nga vay 55 tỷ USD và chuyển trước 25 tỉ USD để xây dựng đường ống dẫn khí qua Siberia đến Trung Quốc nhưng cũng dần bị lãng quên.
Dự án hàng chục tỉ USD vào năm 2009 khiến Nga thành nước đi xin viện trợ lớn nhất từ Bắc Kinh
Các khoản đầu tư khác của Trung Quốc như nhà máy gỗ 1 tỷ USD tại thành phố Tomsk ở Siberia, một đường giao thông nối Nga với Crimea, một tuyến đường sắt cao tốc nối Moscow với Kazan phục vụ cho World Cup 2018 và cả ý tưởng về một trạm nghiên cứu chung về vụ trụ cũng rất mờ mịt...
Viện trợ của Trung Quốc, cho đến nay, dù được đánh giá là mang lại sự phát triển hơn các khoản vay ODA của phương Tây nhưng thực tế chỉ mang lại những chiếc bánh vẽ, còn quyền lợi chính trị cũng lâm vào nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Không cố gắng viện trợ ODA, tập trung vào kiểu viện trợ OOF, có thể thấy rõ ý đồ của Trung Quốc là nhằm thúc đẩy lợi ích thương mại của họ ở nước ngoài nhiều hơn là mục đích viện trợ.
Rõ ràng không phải cứ có số tiền viện trợ nhiều nhất thì đó mới là hào phóng!
Theo Đông Phong
Báo Đất việt