1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc giăng dây chắn tàu ở Biển Đông

Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho hay, các tàu cá Trung Quốc đã rời bãi cạn Panatag (tên quốc tế là Scarborough) ở Biển Đông, nhưng giăng dây thừng chắn lối vào đầm phá bãi cạn để ngăn chặn các tàu cá khác.

 

Tại một cuộc họp báo, ông Gazmin nói, lực lượng phòng vệ bờ biển đã thông báo cho ông về việc người Trung Quốc để lại chiếc dây thừng dài neo bằng các pháo ở cả hai đầu lối vào đầm phá của bãi cạn hình móng ngựa giữa Biển Đông này.

 

Bãi cạn

Bãi cạn Scarborough. Ảnh: philippineinquirer

 

Theo ông Gazmin, hiện Philippines đang nghiên cứu nên làm gì với chiếc dây thừng này. Thời tiết bất lợi ở Biển Đông đã không cho phép các tàu Philippines tới bãi cạn vài ngày gần đây.

 

Trong bối cảnh tranh chấp căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines về bãi cạn nói trên, ông Gazmin nói, ông và người đồng nhiệm Trung Quốc Lương Quang Liệt đã nhất trí “giữ đường dây liên lạc” khi họ gặp nhau tại Campuchia gần đây. “Chúng tôi cần bàn về một giải pháp an toàn”, ông Gazmin nhấn mạnh. “Các cuộc hội đàm của chúng tôi sẽ tiếp tục”.

 

Không bộ quy tắc, không khai thác vùng tranh chấp

 

Văn phòng tổng thống Philippines cho hay, thiếu bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông, bất kỳ nước tuyên bố chủ quyền nào trong vùng biển đều không thể thăm dò các tài nguyên ở những khu vực tranh chấp.

 

Phụ trách thông tin văn phòng tổng thống Philippines, Ricky Carandang cho rằng, sẽ khó khăn với bất kỳ nước nào tiến vào khu vực mà không có một bộ quy tắc được soạn thảo “trên những nguyên tắc căn bản” cho mọi hoạt động thăm dò của bất kỳ bên tuyên bố chủ quyền nào.

 

“Trong khi chúng ta có thể có một số con đường cùng thăm dò các khu vực, và cùng nhau khai thác những khu vực ấy, thì tôi nghĩ điều đầu tiên cần phải làm là có một bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc”, ông Carandang nói với phóng viên. “Vì vậy, việc thăm dò chung vẫn chỉ là mong muốn cho tới khi các thoả thuận thực sự đạt được với các bên tuyên bố chủ quyền”.

 

Theo ông Carandang, các chuyên gia pháp lý và ngoại giao có thể tìm ra cách để khai thác chung, nhưng sẽ thất bại nếu thiếu bộ quy tắc ứng xử.

 

Các nước Đông Nam Á đang theo đuổi một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông để ngăn chặn căng thẳng leo thang thành xung đột vũ trang. Tuy vào năm 2002, Trung Quốc và ASEAN đã ký kết Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông để giải quyết tranh chấp một cách hoà bình nhưng kể từ đó tới nay có rất ít tiến triển.

 

Giúp ngư dân bất kỳ nước nào

 

Việc các tàu cá Trung Quốc tiếp cận bãi cạn Scarborough đã gây ra vụ đụng độ hàng hải giữa hai nước từ đầu tháng 4 tới giữa tháng 6. Tháng trước, 20 trong 30 tàu cá Trung Quốc đã áp sát đảo Pag-asa và nhận được sự cảnh báo từ Manila không được tiến gần thêm nữa.

 

Philippines đã đề xuất đem chuyện tranh chấp với Trung Quốc ra Toà án Quốc tế về Luật Biển. Tuy nhiên, Bắc Kinh phản đối điều này, và khăng khăng cho rằng, chính sách của họ là đàm phán song phương với từng nước có liên quan.

 

Bắc Kinh nói rằng, họ sẵn sàng tham gia thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử với các nước ASEAN. Nhưng ông Carandang khẳng định, Trung Quốc có rất ít dấu hiệu thể hiện sẽ sớm ngồi vào bàn đàm phán với các nước khác về dự thảo bộ quy tắc.

 

“Chúng tôi hy vọng họ tiếp tục tham gia vào các cuộc thảo luận này”, ông Carandang nói. “Nhưng liệu họ có tham gia và hội đàm cấp cao tiếp theo hay không thì vẫn còn là dấu hỏi”.

 

Carandang khẳng định, Philippines sẽ cung cấp nơi trú ẩn cho các ngư dân nếu bị mắc kẹt ở khu vực thuộc chủ quyền của họ tại Biển Đông cho dù căng thẳng xảy ra ở đây. “Nói chung, về lý do nhân đạo, nếu ngư dân gặp khó khăn và chúng tôi ở vị trí giúp được họ, cứu được họ, chúng tôi sẽ làm, cho dù họ là người Philippines, Việt Nam, hay Trung Quốc”, ông Carandang nhấn mạnh.

 

Theo Thái An

Inquirer/Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm