Trung Quốc dùng nhân dân tệ kỹ thuật số thách thức "sự thống trị của USD"
(Dân trí) - Cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thẳng thắn tuyên bố, đồng nhân dân tệ kỹ thuật số mà Bắc Kinh tính ban hành là nhằm đối phó với sự “thống trị” của USD và thúc đẩy thanh toán bán lẻ.
SCMP dẫn lời ông Chu Tiểu Xuyên - người đứng đầu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc giai đoạn 2002-2018 - ngày 28/10 cho biết, Bắc Kinh đang nỗ lực để cho ra mắt đồng tiền kỹ thuật số cùng hệ thống thanh toán điện tử, nhưng mục tiêu của họ khác với nhóm các nước G7.
Ông Chu nói G7 muốn phát triển tiền kỹ thuật số để đối phó với thách thức từ tiền điện tử bitcoin, Libra hoặc các loại tiền tệ mã hóa khác. Trong khi, mục tiêu chính của nhân dân tệ điện tử nhằm thúc đẩy thanh toán bán lẻ và ngăn chặn “sự thống trị” của đồng USD.
Trong một báo cáo hồi tháng 10, G7 cho rằng các đồng tiền điện tử như Libra của Facebook cần phải được theo dõi một cách hợp lý nhằm tránh mối đe dọa tới sự ổn định của thị trường tài chính quốc tế và đảm bảo nó không trở thành công cụ cho các hoạt động bất hợp pháp hoặc trốn thuế.
Ông Chu nhấn mạnh một trong những mục tiêu chủ yếu của Trung Quốc trong kế hoạch tiền kỹ thuật số là tránh “đô la hóa”, khái niệm ám chỉ đồng USD dược dùng song song hoặc thay thế đồng nhân dân tệ.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang tiến tới gần việc tung ra đồng tiền kỹ thuật số. Ngân hàng này mới công bố một dự thảo luật hồi tuần trước để công nhận tính hợp pháp của hệ thống thanh toán quốc tế, bao gồm việc công nhận đồng nhân dân tệ kỹ thuật số là một phần của hệ thống tiền tệ.
Ông Chu là người ủng hộ kế hoạch tiền kỹ thuật số Trung Quốc và từng giám sát việc tạo ra loại tiền này khi còn tại nhiệm.
Trung Quốc, vốn đã cấm các loại tiền điện tử như bitcoin, đã bắt đầu thử nghiệm tiền kỹ thuật số ở một số địa phương như Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và sẽ thử nghiệm nó trong Thế vận hội Mùa đông năm 2022.
Trung Quốc đã nêu rõ mục tiêu của hệ thống thanh toán điện tử nhằm thay thế tiền mặt, duy trì sự kiểm soát của chính phủ Bắc Kinh với hệ thống tiền tệ và kích thích hoạt động bán lẻ.
Đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sẽ được phân phối thông qua ngân hàng Trung ương Trung Quốc tới các nhà cung cấp cấp 2 được ủy quyền, gồm các ngân hàng quốc doanh lớn, các nhà vận hành mạng viễn thông nhà nước, và các nền tảng thanh toán trực tuyến của tập đoàn Ant và Tencent.
Theo ông Chu, quan hệ giữa các nhà cung cấp cấp 2 không giống mối quan hệ bán buôn - bán lẻ truyền thống. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ đảm bảo giá trị của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số với các biện pháp giám sát bao gồm các yêu cầu về tỷ lệ dự trữ và vốn.
Các nhà cung cấp cấp 2 sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc đảm bảo tính riêng tư của người dùng, mặc dù dữ liệu thanh toán sẽ chỉ được ngân hàng Trung ương Trung Quốc sao lưu.
Ông Chu cho rằng nhiệm vụ của phía nhà nước Trung Quốc là xây dựng cơ sở thanh toán bán lẻ trong nước. Đối với thanh toán xuyên biên giới, ông cho rằng Trung Quốc nên tập trung vào các khoản thanh toán qua tài khoản vãng lai, ví dụ như trong lĩnh vực du lịch.
Mu Changchun, người dẫn đầu bộ phận nghiên cứu tiền tệ kỹ thuật số tại ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho rằng một đồng tiền pháp định kỹ thuật số có thể giúp bảo vệ chủ quyền tiền tệ của ngân hàng Trung ương.