1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc dùng chiến lược “nghìn vết cắt” ở Biển Đông

Bắc Kinh đang ngày càng lấn tới ở Biển Đông với lực lượng mới, chiến thuật mới, con đường mới.

 
Cùng lúc, họ tăng cường hoạt động ở mọi mặt trận từ dân sự tới quân sự; từ trị sự hành chính tới ngoại giao để “bọc lót” cho những lý lẽ lịch sử mơ hồ mà họ luôn đem ra áp dụng cho các yêu sách chủ quyền ở Biển Đông.

 

Từ tàu cá

 

Một ngày đầu tháng 4, tranh chấp Biển Đông bấy lâu âm ỉ bỗng bùng phát thành một vụ đụng độ kéo dài và bế tắc chưa từng có giữa Trung Quốc và Philippines tại bãi cạn Scarborough. Manila cáo buộc ngư dân Trung Quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines được luật pháp quốc tế công nhận. Tàu hải quân Philippines muốn bắt giữ các ngư dân này nhưng Trung Quốc đã lập tức điều hai tàu hải giám ngăn chặn.

 

Trung Quốc ngay sau đó liên tiếp điều tàu ra bãi cạn để khẳng định sự hiện diện theo kiểu dàn hàng ngang, áp đảo bằng số đông. Philippines phát hiện gần 100 tàu Trung Quốc ở trong và xung quanh bãi cạn, bất chấp lệnh cấm đánh bắt trong khu vực mùa hè này.

 

Khi cả hai bên quyết định rút tàu khỏi bãi cạn (với lý do thời tiết xấu) thì Trung Quốc cũng chỉ thể hiện cái gọi là “lời nói không theo kịp hành động”. Trong khi Philippines rút hết tàu ở bãi cạn, thì gần đây nhất, vào chiều 19/7, một quan chức an ninh Manila cho biết, Trung Quốc tiếp tục củng cố sự hiện diện tại bãi cạn Scarborough khi có tới 30 tàu xuất hiện ở đây. Theo vị quan chức giấu tên, có những dấu hiệu chứng tỏ các tàu Trung Quốc đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ).

 

Cả Trung Quốc và Philippines đều khẳng định chủ quyền với bãi cạn Scarborough. Trung Quốc đưa ra những viện dẫn lịch sử chứng tỏ quyền sở hữu bãi cạn giống như họ vẫn làm với các khu vực tranh chấp khác ở Biển Đông. Manila thì nói bãi cạn nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Philippines được luật pháp quốc tế (Công ước LHQ về Luật biển - UNCLOS) công nhận. Bãi cạn này nằm cách đảo chính Luzon của Philippines hơn 230 km và cách lãnh thổ Trung Quốc hơn 1.200 km.

 

Ảnh: wordpress

Ảnh: wordpress

 

Nếu dùng UNCLOS để giải quyết tranh chấp hai bên, thì Trung Quốc “đuối lý” hơn. Vì thế, dù đã ký kết công ước này, Bắc Kinh không ngại ngần phủ nhận giá trị giải quyết tranh chấp của nó. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói đây không phải là “một hiệp ước quốc tế để giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của các quốc gia, cũng không thể được sử dụng như một tài liệu tham khảo cho việc giải quyết các tranh chấp”.

 

Đến tàu chiến

 

Vụ việc tại Scarborough chưa qua, thì một sự kiện khác lại tới ở một khu vực thậm chí còn gần Philiippines hơn là bãi cạn Scarborough. Một tàu khu trục Trung Quốc mà báo chí nước này đưa tin là đang trên đường tuần tra đã mắc cạn ở bãi cạn chỉ cách tỉnh Palawan của Philippines khoảng 110km. Dĩ nhiên Trung Quốc đã tổ chức một chiến dịch cứu hộ rầm rộ, con tàu hộ vệ tên lửa sớm được giải thoát và lên đường trở về cảng nhưng còn để lại sau nó nhiều nghi vấn.

 

Con tàu này có tên Đông Quan, là một trong số 20 tàu tàu hộ vệ tên lửa thuộc Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc. Nó được trang bị các loại tên lửa mới có tầm bắn 225km (nghĩa là đặt hầu hết các thành phố lớn của Philippines vào tầm ngắm).

 

Quan chức hải quân Philippines nhận diện nó chính là con tàu đã từng quấy nhiễu, doạ nạt một số tàu cá Philippines năm ngoái.

 

Rory Medcalf, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy cho hay, việc Trung Quốc sử dụng tàu hải quân điều tra khu vực tranh chấp là động thái bất ngờ. "Nó đặt ra nhiều câu hỏi. Cơ bản trước đây họ trông chờ vào lực lượng dân sự, bán quân sự”, ông nói. "Điều đó có nghĩa là không sớm thì muộn chúng ta sẽ chứng kiến các vụ đụng độ liên quan tới tàu hải quân thay vì tàu của các cơ quan dân sự”.

 

Điều động một tàu chiến trọng tải hàng nghìn tấn tới hoạt động những vùng nước nông và nguy hiểm vào ban đêm là một vấn đề. Các vùng nước ở tây Philippines thường nông và rất nhiều chướng ngại vật phía dưới. Thậm chí các tàu cá cũng đi lại rất thận trọng và thường hoạt động vào ban ngày.

 

Người ta hiểu, giờ đây Trung Quốc đang cố gắng đe doạ tất cả mọi người tránh xa một khu vực mà Trung Quốc không có tuyên bố chủ quyền hợp pháp nhưng quả quyết muốn nắm giữ nó.

 

Đây là một chiến lược kinh điển của Trung Quốc gọi là “chảy máu tới chết - hay chiến lược chết vì một nghìn vết cắt”. Trung Quốc tránh tuyên chiến nhưng lại gây hấn với đối phương bằng hàng nghìn vụ vi phạm nhỏ kiểu như điều một tàu khu trục (dù già, dù cũ, dù nhỏ) tới tuần tra vùng nước chỉ cách bờ biển của một nước cạnh tranh tuyên bố chủ quyền có vẻn vẹn 111km.

 

Và lập thành phố toan quản lý cả Biển Đông

 

Có vẻ như cách thức thỉnh thoảng tạo sự cố, đưa tàu thuyền tiếp cận một đảo đá hay bãi cạn tranh chấp với nước khác ở Biển Đông, chớp nhoáng dựng cột trụ, thả phao neo đậu của Trung Quốc vài năm trước đã thành xưa cũ. Ngang nhiên và thách thức hơn, vào cuối tháng 6, Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa để quản lý ba nhóm đảo chính ở Biển Đông và vùng nước lân cận.

 

Từ “dò đá qua sông”, từng bước tiến hành các hoạt động nhỏ lẻ để “thử” sức chịu đựng, “đo” mức phản đối của các nước tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông thì nay, Trung Quốc đã không ngần ngại lập một thành phố có bộ máy hành chính quản lý, và dĩ nhiên kéo theo đó là cả lực lượng quân sự với lý do bảo vệ chính quyền ở ngay giữa một vùng biển quốc tế.

 

Philippines phản đối. Việt Nam phản đối. Vậy nhưng, các hoạt động xây dựng cái gọi là “thành phố Tam Sa” vẫn tiếp tục diễn ra. Ngày 20/7, cơ quan quân sự trung ương Trung Quốc đã phê chuẩn việc thành lập và triển khai một đơn vị đồn trú ở Tam Sa. Việc quản lý hàng hải gồm các hoạt động như xây dựng cơ sở hạ tầng, hậu cần, trạm đèn, trạm phát thanh… cũng đã bắt đầu.

 

Thậm chí, cơ quan quản lý Trung Quốc còn đang nghiên cứu các tuyến du lịch biển ra Tam Sa. Hôm 17/7, tại phiên họp lần thứ 32, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân (ĐHĐBND) tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã thông qua quyết định thành lập ủy ban tổ chức hội đồng nhân dân của Tam Sa, nghĩa là chính thức bắt đầu việc thành lập chính quyền tại đây.

 

Chưa hết, ngay sau khi tuyên bố lập Tam Sa và ngay sau khi kết thúc một hội nghị ngoại trưởng khu vực mà tâm điểm nghị sự là tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc đã điều động một đội tàu cá hùng hậu quy mô chưa từng có (30 tàu) ra quần đảo Trường Sa đánh bắt cá. Tàu ngư chính lớn nhất số hiệu 310 được huy động để bảo vệ đội tàu.

 

Để hỗ trợ thêm cho các hoạt động của chính quyền, Trung Quốc còn thúc đẩy mạnh mẽ chiến dịch tuyên truyền trong dân chúng về thứ mà họ nói là chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông. Một quan chức ngư nghiệp Trung Quốc gần đây lên tiếng thúc giục chính phủ cung cấp vũ khí và huấn luyện quân sự cho 100.000 ngư dân, để “Trung Quốc sẽ có một lực lượng quân sự mạnh hơn lực lượng của tất cả các nước khác gộp lại ở Biển Đông và sử dụng lực lượng ấy để giải quyết các vấn đề trong vùng biển".

 

Và, sau khi thông tin về chuyện lập thành phố Tam Sa, tờ Thời báo Hoàn cầu Trung Quốc đã mở một diễn đàn với chủ đề “Nếu là thị trưởng Tam Sa, bạn sẽ làm gì?”. Tờ này nhấn mạnh: “Là một thành phố cấp địa khu lớn nhất ở Trung Quốc, Tam Sa có vị trí địa lý và chiến lược đặc biệt. Do đó, cần các phương pháp quản lý hoàn toàn khác biệt so với các thành phố khác”. Diễn đàn ngay lập tức thu hút được rất nhiều người tham dự.

 

Năm 2002, Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký kết Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông, nhằm giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, không đe dọa hay sử dụng vũ lực. 10 năm sau khi thoả thuận ấy ra đời, Trung Quốc đang muốn thay đổi nó và giờ đây thực hiện mọi nỗ lực có thể để độc chiếm toàn bộ Biển Đông.

 

Theo Thái An

Vietnamnet

Dòng sự kiện: Căng thẳng Biển Đông