1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc đón đầu tái thiết Syria

Đại sứ Syria tại Trung Quốc cho biết Damascus đang cố thu hút đầu tư từ Bắc Kinh bằng hình thức đổi dầu mỏ lấy những khoản vay và xem xét cho phép giao dịch bằng nhân dân tệ

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Syria sẽ cần khoảng 200 tỉ USD để tái thiết đất nước. Trung Quốc không giấu giếm ý định vào cuộc dù chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad vẫn đang đối mặt các lệnh trừng phạt từ châu Âu và Mỹ.

Đổi chiến lược

Trong cuộc họp hôm 24-6 với bà Bouthaina Shaaban, cố vấn cấp cao của Tổng thống Syria, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ngỏ lời rằng Bắc Kinh sẽ hỗ trợ kế hoạch tái thiết của quốc gia Trung Đông này.

Mặc dù phụ thuộc vào nguồn cung cấp dầu mỏ của Trung Đông, trong suốt 7 năm chiến sự tại Syria vừa qua, Trung Quốc hiếm khi tỏ ra hăng hái với các hoạt động giải quyết cuộc xung đột này. Không giống các cường quốc khác như Mỹ hay Nga, Bắc Kinh không đưa quân tham chiến, đồng thời cũng "nhường" hầu hết các vấn đề ngoại giao của khu vực cho các thành viên thường trực còn lại của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc như Mỹ, Nga, Anh và Pháp.

Tuy nhiên, Bắc Kinh gần đây đã nỗ lực tham gia nhiều hơn vào vấn đề Syria, bao gồm các động thái cử đại diện tới giúp thúc đẩy giải pháp ngoại giao, cũng như tiếp đón các nhân vật từ chính phủ và phe đối lập tại Syria. Theo bình luận của trang Asia Times, nền kinh tế số 2 thế giới hầu như tránh xa cuộc chiến này. Thế nhưng, khi xung đột dường như sắp đi tới hồi kết, Chính phủ Syria đã giành kiểm soát phần lớn lãnh thổ từ tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, sự tiếp cận - đặc biệt là về kinh tế - của Trung Quốc với Syria đang trở nên ngày càng kiên quyết.

Hồi tháng 7, Bắc Kinh đã thông báo kế hoạch trị giá 2 tỉ USD xây dựng một công viên công nghiệp ở Syria cho 150 doanh nghiệp Trung Quốc song rất ít chi tiết của dự án này được tiết lộ. Tới tháng 8, các công ty Trung Quốc rầm rộ tham gia Hội chợ Quốc tế Damascus lần thứ 59, không lâu sau khi cuộc triển lãm Ngày Syria được Đại sứ quán Syria tổ chức tại Bắc Kinh với sự tham gia của hàng trăm chuyên gia Trung Quốc.


Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đón tiếp bà Bouthaina Shaaban, cố vấn cấp cao của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, tại Bắc Kinh hôm 24-11. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đón tiếp bà Bouthaina Shaaban, cố vấn cấp cao của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, tại Bắc Kinh hôm 24-11. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Chống chọi nhiều thách thức

Theo thông tin mới nhất trên tờ South China Morning Post hôm 25-11, Đại sứ Syria tại Trung Quốc Imad Moustapha cho biết Damascus đang cố thu hút đầu tư từ Bắc Kinh bằng hình thức đổi dầu mỏ lấy những khoản vay và xem xét cho phép giao dịch bằng nhân dân tệ. Ông Moustapha cho biết doanh nghiệp Trung Quốc đã thể hiện "mối quan tâm lớn" trong việc tìm kiếm cơ hội làm ăn ở Syria. Nhà ngoại giao này nói rằng hằng ngày, ông đều tiếp nhận hàng loạt đoàn và doanh nghiệp lớn từ Trung Quốc sang Syria khảo sát.

Ngoài Trung Quốc, Syria cũng nhiều lần mở lời mời gọi các đồng minh khác như Nga, Iran hay Lebanon tham gia công việc tái thiết sau cuộc chiến đã cướp đi sinh mạng 465.000 người tại nước này. Giới chuyên gia cho rằng các dự án phát triển do nước ngoài tài trợ có thể phần nào giải quyết bài toán kinh tế hậu chiến của Syria. Tuy nhiên, những nơi ưu tiên tập trung của các dự án tái thiết như kế hoạch hiện nay rốt cuộc có thể đẩy quốc gia Trung Đông này lún sâu hơn vào rối loạn.

Theo phân tích của học giả Syria gốc Thụy Sĩ Joseph Daher - chuyên nghiên cứu về các cuộc tái thiết, với những kế hoạch lớn dành cho các thành phố Damascus, Homs và Aleppo - Syria có thể sẽ phạm phải sai lầm giống như Lebanon sau nội chiến. Theo đó, tiền đã được dồn nhiều vào thủ đô Beirut của Lebanon khiến khoảng cách giữa thành phố giàu có này với những hàng xóm nghèo nàn xung quanh càng bị nới rộng. "Các vấn đề kinh tế - xã hội đã xuất hiện từ trước chiến tranh sẽ càng gia tăng… và nó sẽ càng nuôi dưỡng các vấn đề cho một thế hệ mới ở Syria" - ông Daher nhận định.

Trong khi đó, ông Raffaello Pantucci, Giám đốc nghiên cứu an ninh quốc tế Viện Nghiên cứu Royal United (Anh), không cho rằng chiến sự sẽ sớm kết thúc ở Syria và sự đầu tư của Bắc Kinh tại đây sẽ phải chống chọi nhiều thách thức. "Lợi ích tài chính tại Syria (của Trung Quốc) tương đối hạn chế" - ông Pantucci nhấn mạnh.

Theo ông Kamal Alam, một thành viên khác của Viện Nghiên cứu Royal United, mối quan tâm của Trung Quốc dành cho Syria chịu sự chi phối của yếu tố an ninh. "Nếu Trung Quốc có thể ổn định Syria, các khoản đầu tư của Bắc Kinh trong khu vực ở các nước khác, như Iraq, cũng sẽ được hưởng lợi" - chuyên gia này nhận định.

Theo Thu Hằng

Người lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm