Tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông và Hoa Đông:
Trung Quốc đang bị ai bao vây, kìm hãm?
Những quốc gia đang có tranh chấp biển đảo với Trung Quốc tại Biển Đông và biển Hoa Đông thực sự quan ngại trước động thái mới của Bắc Kinh sau khi tàu hải giám và ngư chính được khoác bộ áo mới khi thực hiện cái gọi là “tuần tra chấp pháp” - Cảnh sát biển Trung Quốc.
Điều đáng nói là việc này diễn ra khi Trung Quốc đang ra sức tuyên truyền về khả năng bị “bao vây, kìm hãm” từ các nước hữu quan. Được biết, một nhóm kiều dân Philippines tại Mỹ đã lên kế hoạch biểu tình trước trụ sở Liên Hiệp Quốc vào ngày 24/7 để chống lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Sở dĩ chọn ngày 24/7 để tổ chức biểu tình phản đối Trung Quốc vì đây là ngày đánh dấu sự kiện 1 năm Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” phi lý và phi pháp hòng hiện thực hóa tham vọng độc chiếm Biển Đông thành ao nhà.
Trung Quốc muốn phá thế bao vây, kìm hãm của ai
Ngày 16/6, tờ Đại Công Báo xuất bản tại Hongkong đưa tin, 9 giờ 30 phút ngày 14/6, tại cảng Chu Giang, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, tàu hải giám và ngư chính ồ ạt kéo ra Biển Đông thực hiện cái gọi là “tuần tra chấp pháp”. Điều đáng nói là toàn bộ số tàu kể trên xuất hiện dưới lớp sơn mới và tên gọi mới: Cảnh sát biển Trung Quốc. Theo đó, 2 tàu Ngư chính 310 và 302 được đổi thành Hải cảnh 3210 và 3102, còn 3 tàu hải giám 167, 168 và 169 lần lượt mang tên Hải cảnh 3367, 3368 và 3369. Về tổ chức, hoạt động của lực lượng này do Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc phụ trách, nhưng về nghiệp vụ do Bộ Công an chỉ đạo.
Theo đó, Cảnh sát biển Trung Quốc được trang bị “vũ khí tự vệ” để tăng cường cái gọi là “năng lực chấp pháp trên biển”. Việc trang bị vũ khí cho tàu tuần tra Cảnh sát biển Trung Quốc là dấu hiệu đáng quan tâm và có thể dấy lên những lo ngại mới cho các bên liên quan sau những căng thẳng trên Biển Đông và biển Hoa Đông không có dấu hiệu lắng dịu. Việc này diễn ra đúng thời điểm Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo: lần đầu tiên sau 23 năm đổi lịch tuyển quân từ tháng 10 sang tháng 8 nhằm “tuyển được những người trẻ tuổi tài năng vào quân đội”.
Khinh hạm lớp Hamilton thứ 2 mang tên BRP Ramon Alenraz (PF-16)
Ngày 14/6, Tân Hoa xã có bài bình luận về chiến lược ngoại giao “bao vây” Trung Quốc của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Theo đó, trong khi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang căng thẳng, những hoạt động ngoại giao gần đây của ông Shinzo Abe (theo 3 nguyên tắc ngoại giao chiến lược, ngoại giao giá trị quan và ngoại giao tích cực chủ động) cho thấy, Tokyo đang âm mưu lôi kéo một số quốc gia đối đầu, bao vây, kiềm chế Bắc Kinh nhằm tái xác lập vị thế chủ đạo tại châu Á.
Trước đó (13/6), tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin của Hãng Kyodo Nhật Bản cho biết, đảng Dân chủ tự do cầm quyền Nhật Bản vừa tổng kết xong bản dự thảo Luật Cảnh giới đảm bảo an toàn trong phạm vi 12 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Theo đó, nếu tàu Trung Quốc xâm nhập bất hợp pháp khu vực 12 hải lý kể trên, Hải quân Nhật Bản phối hợp với Cảnh sát biển nước này để xua đuổi. Trường hợp tàu Trung Quốc cố tình hiện diện bất hợp pháp bất chấp cảnh cáo, Hải quân và Cảnh sát biển Nhật Bản được phép sử dụng vũ khí để “cưỡng chế di dời”.
Giới truyền thông Trung Quốc cho rằng, tuyên bố chính sách “Trở lại châu Á”, điều chuyển 60% lực lượng hải quân đến Thái Bình Dương, đồng thời thường xuyên tổ chức tập trận, triển khai hàng loạt vũ khí mới, căn cứ quân sự mới ở châu Á… của Mỹ cho thấy, Washington đang triển khai vòng vây nhằm khống chế Trung Quốc. Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long, tàu đệm khí Zubr do Ukraine chế tạo đã được bàn giao cho Trung Quốc có thể phối hợp với tàu hộ vệ Type 056, tăng cường khả năng chiếm và kiểm soát đối với đảo, đá ngầm.
Trong khi đó tờ Phương Đông có bài viết cho rằng, với việc đóng vai trò trung tâm trên bầu trời, máy bay cảnh báo sớm trang bị radar cảnh báo sớm tầm xa dùng để tìm kiếm, theo dõi các mục tiêu trên không hoặc trên biển, chỉ huy và có thể dẫn đường cho máy bay thực hiện nhiệm vụ tác chiến của Trung Quốc đang gây quan ngại với các quốc gia hữu quan. Trong con mắt của Trung Quốc, Biển Đông không chỉ dồi dào về nguồn lợi hải sản, năng lượng mà đó còn là con đường duy nhất mà lực lượng tàu ngầm hạt nhân của họ có thể đi ra đại dương một cách an toàn. Điều này có thể lý giải một phần câu hỏi “Vì sao Trung Quốc lại ngang ngược và trắng trợn vẽ ra “đường lưỡi bò” bao trọn gần hết Biển Đông?”.
Ngày 13/6, tờ Thanh niên Trung Quốc có bài viết cho rằng, Hội nghị các nước ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển khóa 23 được tiến hành tại New York hôm 10/6 và Nhật Bản đã chỉ định Chánh án Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) Shunji Yanai liên nhiệm tại hội nghị thường niên khóa 24 năm 2014. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, ITLOS đóng vai trò quan trọng đối với việc thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp biển, duy trì và phát triển trật tự pháp lý trong lĩnh vực biển. Tokyo mong muốn duy trì vị trí quan tòa trong ITLOS bởi ông Shunji Yanai là người Nhật Bản đầu tiên đảm nhiệm Chánh án ITLOS.
Tuy nhiên, Trung Quốc lại quan ngại trước động thái này. Bởi trong tháng 7, ITLOS sẽ quyết định hội đồng trọng tài có thẩm quyền phân xử vụ kiện của Philippines. Tuy phải mất vài năm để ra một phán quyết cuối cùng trong khi phán quyết ấy có tính ràng buộc nhưng lại không có hiệu lực vì không bắt buộc được Trung Quốc phải tuân thủ, song việc này sẽ giúp Philippines giành phần thắng trên phương diện pháp lý và ngoại giao, đồng thời gây sức ép buộc Trung Quốc phải làm rõ yêu sách vô lý ở Biển Đông.
Philippines tăng cường khả năng quốc phòng
Ngày 15/6, tờ Manila Standard Today đưa tin, trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc ngày một leo thang, Philippines đang có kế hoạch mua tên lửa đất đối không của Israel để tăng cường khả năng phòng thủ. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin sẽ tới Israel trong tuần này để làm việc với các nhà cung cấp vũ khí tiềm năng và chỉ trong 3-6 tháng tới, Manila sẽ có các vũ khí này.
Trước đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu dẫn nguồn tin của tờ Philippines Daily Inquirer cho biết, tàu chiến thứ 2 lớp Hamilton mà Philippines mua lại của Mỹ đã nhổ neo từ cảng Charleston, bang Bắc Carolina về Philippines. Nhất cử nhất động của 2 tàu chiến lớp Hamilton mà Philippines mua lại của Mỹ đều được Trung Quốc theo dõi rất sát sao vì Bắc Kinh coi đây là đối thủ số 1 trong tương lai khi tranh chấp trên Biển Đông trở nên căng thẳng. Báo chí Philippines cho biết, 2 tàu chiến này là lớn nhất và hiện đại nhất, là nòng cốt trong lực lượng hải quân nước này.
Ngày 14/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines đã hoan nghênh các nghị sĩ Mỹ trình dự thảo Nghị quyết 167 lên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, ủng hộ giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế và lên án đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong tranh chấp. Đài Truyền hình ABS-CBN (Philippines) đưa tin, ngày 10/6, 3 nghị sĩ Mỹ là Robert Menedrez (Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện), Ben Cardin và Marco Antonio Rubio (ứng cử viên tổng thống tiềm năng của đảng Cộng hòa) đã trình dự thảo Nghị quyết 167 với tên gọi “Tiếp tục khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ về giải quyết hòa bình tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền và quyền tài phán ở các vùng biển Châu Á - Thái Bình Dương” lên Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Trước đó (13/6), Phó giám đốc Ban Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Philippines Vicente Agdamag đã chỉ trích động thái gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông trong hơn 2 năm qua, đồng thời cho biết, tàu Hải giám Trung Quốc đang thực thi lệnh cấm đánh bắt trong phạm vi 24km từ bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Ông Vicente Agdamag tiết lộ, Hội đồng An ninh quốc gia đã đề xuất chính phủ tăng thêm ngân sách quốc phòng tương đương 0,5-1% GDP, đồng thời hối thúc Manila tăng cường quan hệ an ninh với các nước, đặc biệt là Mỹ.
Ông Vicente Agdamag cũng cho rằng, việc triển khai 18 tàu hải giám Trung Quốc là nhằm củng cố hoạt động kiểm soát phi pháp tại Biển Đông và điều này khiến Manila phải tăng cường thêm khả năng quốc thủ. Phó giám đốc Ban Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia cho biết, Manila đang rà soát kế hoạch dự phòng cho Bộ Chỉ huy Bắc Luzon và Bộ Chỉ huy phía tây của Philippines theo Sắc lệnh số 82 của Tổng thống Benigno Auquino.
Mối quan ngại của Mỹ - Nhật
Giới truyền thông cho biết, trong chuyến công du châu Âu (từ 16 đến 20/6), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ đề nghị Liên minh châu Âu tiếp tục duy trì lệnh cấm xuất khẩu vũ khí cho Trung Quốc. Ngày 14/6, Hãng tin Kyodo News cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera đang chuẩn bị để tới Philippines (26/6) và Mỹ (1/7). Tại Philippines, ông Itsunori Onodera có kế hoạch thảo luận với người đồng cấp Voltaire Gazmin về diễn biến căng thẳng gần đây trên biển Hoa Đông và Biển Đông vì Tokyo và Manila đều phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải gần các khu vực tranh chấp.
Còn tại Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản sẽ tái khẳng định quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi Hiệp ước An ninh Nhật - Mỹ, nên Washington phải bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang. Giới chuyên môn cho rằng, Nhật Bản muốn bàn với Philippines, Mỹ kiểm soát Trung Quốc trên biển. Cũng trong ngày 14/6, lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho hay, ngày 14/6, 3 tàu Trung Quốc (lần đầu tiên kể từ cuối tháng 5) đã tiến vào vùng biển quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Tính từ đầu năm đến nay, tàu Trung Quốc đã có 28 ngày xâm nhập lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Hãng NHK Nhật Bản đưa tin, ngày 13/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để trao đổi xung quanh một số nội dung trong 2 ngày hội đàm với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo đó, Washington đã yêu cầu Bắc Kinh cần xoa dịu căng thẳng với Tokyo xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, còn ông Tập Cận Bình đã nói với ông Obama rằng, Trung Quốc đang kêu gọi gác lại các tranh chấp lãnh thổ.
Giới truyền thông đưa tin, đã có không ít chuyên gia đưa ra những nhận định khác nhau về tình hình Biển Đông sau cuộc gặp cấp cao Mỹ - Trung vừa qua. Và họ đều có chung mối quan tâm: Chủ tịch nước Tập Cận Bình và Tổng thống Barack Obama liệu có thỏa thuận bí mật “bất thành văn” liên quan đến Biển Đông? Trước đó (12/6), Nhật Bản đã bác bỏ thông tin của giới truyền thông cho rằng, Chủ tịch nước Tập Cận Bình gọi quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Tân Hoa xã vừa đăng bài viết của nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc, tướng Trần Hổ về mục đích tham gia cuộc diễn tập tác chiến đánh chiếm đảo của Nhật Bản ở lãnh thổ Mỹ mang tên “Dawn Blitz”. Theo đó, Nhật - Mỹ muốn truyền đi thông điệp: Mỹ ủng hộ tranh chấp chủ quyền biển đảo hiện nay của Nhật Bản, tăng cường đồng minh quân sự Nhật - Mỹ… Theo tờ Want China Times (Đài Loan), Mỹ - Nhật đang chuẩn bị cho cuộc tập trận không quân (từ 17 đến 21/6) ở căn cứ không quân Nyutabaru thuộc tỉnh Miyazaki. Đây là cuộc tập trận không quân thứ 6 và lớn nhất kể từ tháng 1 đến nay tại căn cứ Nyutabaru. Cả cuộc tập trận Dawn Blitz và cuộc tập trận không quân kể trên được coi là diễn tập đề phòng trường hợp xung đột với Trung Quốc tại quần đảoSenkaku/Điếu Ngư.
Ngày 11/6, trang mạng “Tạp chí Quốc phòng” Mỹ có bài viết cho rằng, để ứng phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày một gia tăng. Sau khi đưa ra lý luận “tác chiến hợp nhất trên không - trên biển”, Lầu Năm Góc còn yêu cầu các lực lượng vũ trang Mỹ bảo đảm phải chiến thắng Trung Quốc trên các phương diện như máy bay chiến đấu, tàu chiến và vũ khí dẫn đường. Nhưng theo Chuẩn tướng Richard Simcock, Mỹ cần tiếp tục tăng cường quan hệ quân sự với các đồng minh châu Á, bởi đây là vũ khí tốt nhất để đối phó với Trung Quốc.
“Gác tranh chấp, cùng phát triển” được một số học giả quốc tế đề cập như một giải pháp tạm thời nhằm kiểm soát căng thẳng ở Biển Đông trong ngắn hạn và trung hạn trong khi chờ đợi các bên tham gia tranh chấp đàm phán về COC. Theo học giả Leonardo Bernard thuộc Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, cùng phát triển không có nghĩa là hy sinh chủ quyền. Còn theo học giả Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á của CSIS: ASEAN đừng để Trung Quốc cô lập các thành viên của mình. Christian Le Miere, nghiên cứu viên cao cấp về hải quân và an ninh hàng hải thuộc Học viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) cho rằng, các nước cần làm rõ tuyên bố chủ quyền. Trong khi đó, học giả Ian Storey thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore khuyến cáo, nguy cơ xung đột trên Biển Đông đang ngày một lớn hơn. Và trong những tháng tới không loại trừ khả năng sẽ nổ ra các cuộc đụng độ trên Biển Đông giữa cảnh sát biển, kiểm ngư, hải giám, ngư chính với tàu cá của các bên có tranh chấp. Theo học giả Ian Storey, mặc dù ASEAN và Trung Quốc từng đạt được thỏa thuận về việc khởi động đàm phán COC, nhưng những diễn biến tại Biển Đông 6 tháng đầu năm 2013 cho thấy, tranh chấp biển đảo tại Biển Đông sẽ tiếp tục diễn biến xấu và rất ít khả năng cải thiện trong thời gian tới. |