1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc cử đặc phái viên đến 5 nước tìm giải pháp cho xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Trung Quốc sẽ cử một đặc phái viên tới Ukraine, Nga và các quốc gia châu Âu khác nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Trung Quốc cử đặc phái viên đến 5 nước tìm giải pháp cho xung đột Ukraine - 1

Đặc phái viên Trung Quốc Lý Huy (Ảnh: Weibo).

"Từ ngày 15/5, Đại sứ Lý Huy, đặc phái viên của chính phủ Trung Quốc về các vấn đề Á - Âu, sẽ đến Ukraine, Ba Lan, Pháp, Đức và Nga để liên hệ với tất cả các bên về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Ukraine", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân thông báo trong cuộc họp báo thường kỳ hôm 11/5. Ông Lý từng là đại sứ Trung Quốc tại Nga.

Ông Uông cho biết chuyến đi của ông Lý tới các quốc gia châu Âu trên cho thấy cam kết của Trung Quốc trong việc "thúc đẩy hòa bình và đàm phán".

"Điều đó hoàn toàn cho thấy rằng Trung Quốc kiên quyết đứng về phía hòa bình. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc xây dựng sự đồng thuận quốc tế hơn nữa về việc ngừng bắn, ngừng chiến tranh, mở ra các cuộc đàm phán hòa bình và tránh leo thang tình hình", ông Uông nhấn mạnh.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã chia sẻ kế hoạch cử đặc phái viên khi điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào tháng trước.

Theo Văn phòng Tổng thống Ukraine, trong cuộc điện đàm mới nhất, hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ukraine đã thảo luận về khả năng hợp tác nhằm thiết lập một nền hòa bình lâu dài cho Ukraine. Truyền thông Trung Quốc đưa tin, trong cuộc trao đổi, Chủ tịch Tập Cận Bình đã vạch ra tầm nhìn của ông về các bước cần thực hiện để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

"Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng, Trung Quốc không tạo ra cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng không phải là một bên trong cuộc khủng hoảng, đồng thời cho biết, với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và là một nước lớn có trách nhiệm, Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn và cũng sẽ không thêm dầu vào lửa, không lợi dụng tình hình để trục lợi", truyền thông Trung Quốc đưa tin.

Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 3 cũng có chuyến thăm chính thức kéo dài 3 ngày tới Nga. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông Tập đắc cử Chủ tịch Trung Quốc nhiệm kỳ ba. 

Trung Quốc đang nỗ lực thể hiện vai trò trung gian hòa giải xung đột ở Ukraine. Hồi tháng 2, Bắc Kinh đưa ra một bản đề xuất hòa bình gồm 12 điểm. Tuy nhiên, đề xuất nhận được phản ứng trái chiều của Nga và phương Tây.

Đề xuất của Trung Quốc bao gồm 12 điều khoản, trong đó kêu gọi ngừng bắn, tôn trọng lợi ích an ninh hợp pháp của tất cả các quốc gia, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Ukraine, trao đổi tù binh giữa Moscow và Kiev cũng như từ bỏ mọi biện pháp trừng phạt đơn phương mà không có quyết định liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Trung Quốc cho rằng đối thoại và đàm phán là "cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine", đồng thời kêu gọi các bên ủng hộ Moscow và Kiev "xích lại gần nhau" cũng như nối lại đối thoại trong thời gian sớm nhất.

Mỹ và các đồng minh NATO liên tục bày tỏ lo ngại việc Trung Quốc được cho là cân nhắc cấp vũ khí sát thương cho Nga trong cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Bắc Kinh nhiều lần bác bỏ cáo buộc này.

Theo SCMP