1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc "còn lắm gian nan" để thắng được các cuộc chiến hiện đại

(Dân trí) - Cựu tùy viên quân sự Mỹ thuộc Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh, ông Dennis J Blasko, nhận định rằng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) còn phải vượt qua một số trở ngại lớn để có đủ khả năng chiến thắng một cuộc chiến tranh hiện đại.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thị sát một đơn vị trong PLA ngày 17/2 năm nay. (Ảnh:

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đi thị sát một đơn vị trong PLA ngày 17/2 năm nay. (Ảnh: Xinhua)

Thông tin trên được đưa ra trong một bài báo trên trang web chuyên nghiên cứu về các vấn đề quân sự War on the Rocks, có trụ sở tại Washington, Mỹ.

Cựu tùy viên quân sự Blasko cho rằng vấn đề đầu tiên nằm ở hệ thống Trung Quốc, nơi các quan chức chính trị đang sử dụng các phương thức giáo dục tư tưởng, thăng chức, hay các yếu tố tâm lý, truyền thông và luật pháp để đảm bảo sự trung thành của PLA với đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như duy trì đạo đức và kỷ luật quân đội.

Từ góc nhìn của giới phân tích phương Tây, thực trạng tại Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc tính đơn nhất về mặt chỉ huy trong quân đội. Theo lý thuyết này, chỉ riêng các chỉ huy được trao quyền đưa ra các quyết định chiến thuật và quyết định hoạt động của quân đội. 

Trong hệ thống của Trung Quốc, thường có sự va chạm, thậm chí mâu thuẫn giữa các chỉ huy quân đội và những người đồng cấp trong chính giới khi cần phải đưa ra quyết định.

Vấn đề thứ hai mà PLA đang phải đối diện đó là lực lượng bộ binh của nước này đang áp đảo trong giới chỉ huy và cấu trúc quyền lực trong các lực lượng vũ trang.

Theo ông Blasko, Lục quân Trung Quốc, bao gồm cả nhánh độc lập là Quân đoàn pháo binh số 2, chiếm hơn 72% trong lực lượng quốc phòng của nước này. Trong khi đó, lực lượng Hải quân và Không quân chỉ bao gồm 10% và 17%.

Lục quân Trung quốc cũng nắm được 6/10 ghế trong Quân ủy trung ương Trung Quốc, trong khi Không quân chỉ có 2 ghế, còn Quân đoàn pháo binh số 2 và Hải quân chia nhau 2 ghế còn lại. Cựu tùy viên quân sự Blasko chỉ ra rằng chỉ có các quan chức xuất thân từ Lục quân mới được bổ nhiệm làm Quân khu trưởng các vùng. 

Chú ý rằng các nguy cơ hàng hải đang gia tăng, PLA gần đây đã đưa ra định hướng biến các lực lượng hải quân, không quân thành các thành phần trọng yếu trong tương lai. Dù vậy, phải mất nhiều năm nữa Trung Quốc mới có thể cải tổ thành công ban lãnh đạo và cơ cấu quyền lực trong quân đội nước này.

Trở ngại cuối cùng và cũng là lớn nhất đối với Bắc Kinh đó là có một đội quân đủ khả năng chiến đấu trong các cuộc chiến hiện đại, bởi hiện họ đang thiếu kinh nghiệm chiến đấu thực tế.

Ông Blasko đánh giá những lần Trung Quốc đưa quân đi tham gia vào các sứ mệnh gìn giữ hòa bình hay giải cứu sau thảm họa hữu ích nhưng không đủ để thay thế cho các kinh nghiệm chiến đấu trên thực địa.

Thoa Phạm
Theo Want China Times