Trung Quốc có thể "thử lửa" chính quyền Biden tương lai
(Dân trí) - Trung Quốc có thể triển khai hàng loạt công cụ để thăm dò chính quyền mới của Mỹ nếu ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức vào đầu năm sau.
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Trung được kỳ vọng sẽ tái khởi động bất chấp những lùm xùm xung quanh sự rời đi của Tổng thống Donald Trump, các cựu quan chức tình báo và giới phân tích chính sách đối ngoại vẫn đang phỏng đoán về cách Bắc Kinh sẽ "thử lửa" chính quyền Joe Biden nhằm tìm ra điểm yếu và cơ hội.
Hầu hết chuyên gia và giới phân tích đều cho rằng, Bắc Kinh ban đầu sẽ thận trọng trong việc tiếp cận với quá trình chuyển giao quyền lực và tránh gây ra trục trặc cho quan hệ song phương, sau 4 năm hai nước chìm trong chiến tranh thương mại, lời qua tiếng lại và cáo buộc lẫn nhau.
"Bắc Kinh có thể thử kết hợp cách thăm dò vừa cương vừa nhu khi tiếp cận chính quyền mới", Jing Sun, phó giáo sư tại Đại học Denver, dự đoán.
Theo giới phân tích, các sự cố ngoài ý muốn hay hiểu lầm lẫn nhau có thể thử thách quan hệ Mỹ - Trung, như vụ Mỹ ném bom vào đại sứ quán Trung Quốc ở Serbia vào năm 1999 dưới thời chính quyền Bill Clinton, hay vụ máy bay Mỹ - Trung va chạm ở ngoài khơi đảo Hải Nam dưới thời chính quyền George W Bush.
An Gang, nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tại Đại học Thanh Hoa, bày tỏ lo ngại rằng, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng hiện nay về vấn đề Đài Loan, kiểm soát vũ khí hạt nhân hay Biển Đông, chính quyền Joe Biden có thể đánh giá sai ý định của Bắc Kinh và phản ứng thái quá, thậm chí hiểu lầm rằng Trung Quốc đang tìm cách lợi dụng giai đoạn chuyển giao quyền lực của Mỹ để hành động.
Theo nhà nghiên cứu An Gang, cả Mỹ và Trung Quốc đều quan tâm đến việc "quản lý và kiểm soát nguy cơ xung đột".
Frank Jannuzi, chủ tịch Quỹ Mansfield và là cựu cố vấn chính sách lâu năm cho ông Biden tại Thượng viện, nhận định "Joe Biden ngày nay thận trọng với Trung Quốc hơn so với 20 năm trước đây vì hành vi của Trung Quốc không phù hợp với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
"Tôi nghĩ ông ấy nên như vậy. Nhưng ông ấy không đóng cửa với Trung Quốc", chuyên gia Jannuzi nhận định.
"Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu ông Biden có tập hợp cả thế giới để chống lại họ không. Và đây thực sự là một mảnh đất màu mỡ. Châu Âu đã mong chờ điều này trong suốt nhiều năm. Đây cũng là điều Trung Quốc lo sợ nhất", Richard Boucher, chuyên gia tại Viện Watson thuộc Đại học Brown và là cựu quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết.
Trung Quốc cũng sẽ theo dõi liệu chính quyền Biden tích cực như thế nào trong việc tiếp tục theo đuổi các chiến dịch gây sức ép của chính quyền Trump nhằm vào Huawei, TikTok và các tập đoàn công nghệ khác của Trung Quốc, nhằm giành được vị thế "bá chủ" toàn cầu.
"Họ (Trung Quốc) muốn cải thiện mối quan hệ nhưng không muốn trả giá quá nhiều", David Clinton, lãnh đạo phòng khoa học chính trị tại Đại học Baylor, nhận định.
Trung Quốc cũng có những công cụ của nước này để theo dõi mối quan hệ với Mỹ. Họ có thể tận dụng mối quan hệ với nước láng giềng Triều Tiên để thăm dò chính quyền Biden. Tần suất Bình Nhưỡng "khiêu khích" Washington trung bình 4,5 tuần/lần dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, 5,5 tuần/lần dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-il và 13 tuần/lần dưới thời nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành.
Theo Sue Mi Terry, nhà nghiên cứu của CSIS và từng làm việc cho CIA, việc Trung Quốc "nóng" hay "lạnh" với Triều Tiên phụ thuộc vào quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington.
"Thông điệp gửi Triều Tiên là thông điệp gửi Mỹ", nhà nghiên cứu Terry nhận định.
Trung Quốc cũng có thể thực hiện các bước nhằm chống lại nỗ lực của Mỹ hòng cô lập Bắc Kinh về mặt ngoại giao.
Trung Quốc có thể tăng cường quan hệ với các nhóm thương mại hay những nước phụ thuộc vào Bắc Kinh về kinh tế, sử dụng quyền phủ quyết tại Liên Hợp Quốc để ngăn các cuộc điều tra nhân quyền, hoặc thông qua bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông vốn bị trì hoãn từ lâu. Điều này làm suy yếu nỗ lực của Lầu Năm Góc trong việc tập hợp khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng mở rộng từ Bắc Kinh.
Để đón đầu tình hình, Bắc Kinh gần đây đã cử đặc phái viên đến Seoul và Tokyo, đồng thời hối thúc châu Âu đi theo con đường độc lập hơn với Mỹ. Trung Quốc cũng trở thành thành viên sáng lập của một tổ chức thương mại khu vực và thể hiện sự quan tâm đến một khối thương mại khác. Cả hai khối này đều không có sự tham gia của Mỹ, trong bối cảnh chính quyền Trump theo đuổi chiến lược "Nước Mỹ là trên hết".