1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trung Quốc có thể ngang ngược dùng sức mạnh quân sự trên Biển Đông

Trung Quốc mới đây thông qua đạo luật mới để “tăng cường an ninh quân sự trên biển” sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới.

Luật mới về lãnh thổ của Trung Quốc sẽ là một “thảm họa” nếu nó được áp dụng cho “vùng biển lưỡi bò” mà Trung Quốc tự tuyên bố chủ quyền. Đây là nhận định của giới chuyên gia Philippines, cảnh báo về căng thẳng sẽ tiếp tục leo thang trên Biển Đông.

Trung Quốc có thể ngang ngược dùng sức mạnh quân sự trên Biển Đông
Trung Quốc đang công khai thực hành chính sách ngoại giao pháo hạm ở Biển Đông (ảnh: China Daily Mail)

Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Kông (Trung Quốc) hôm qua (7/7) cho biết, Ủy ban Thường trực Quốc hội Trung Quốc vừa thông qua một đạo luật mới nhằm tìm cách “tăng cường an ninh quân sự trên biển” sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8 tới.

Theo đó, Trung Quốc tự cho mình quyền cấm các tàu bè tiếp cận "khu quân sự" mà nước này đơn phương đặt ra trên biển.

Phản ứng trước thông tin này, báo chí Philippines dẫn lời các chuyên gia trong nước phản ứng gay gắt trước động thái của Trung Quốc, đồng thời cảnh báo những leo thang căng thẳng mới tại Biển Đông bắt nguồn từ luật mới ban hành của Trung Quốc.

Tờ Rappler và Inquirer của Philippines dẫn lời nhà phân tích quốc phòng Rommel Banlaoi cho rằng, nếu Trung Quốc áp dụng luật mới với khu vực “đường lưỡi bò” ngang nhiên tuyên bố chủ quyền chiếm gần 80% Biển Đông thì nước này có thể sử dụng quân sự để thực thi luật.

Ông Banlaoi cảnh báo những căng thẳng leo thang tột độ khi xuất hiện yếu tố quân sự tại đây. Nó sẽ không chỉ tác động tới các nước trong khu vực mà còn ảnh hưởng tới toàn cầu, khi Biển Đông đóng vai trò trung tâm trong tuyến vận tải đường biển tới Vịnh Persian, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương.

Nhà phân tích Banlaoi cũng cảnh báo Trung Quốc phải cẩn trọng trong hành động của mình, cho rằng luật mới chỉ nên áp đặt trong vùng biển cách đất liền 12 hải lý của Trung Quốc. Philippines sẽ theo dõi chặt chẽ các hành động của Trung Quốc và khẳng định tiếp tục hoạt động đánh bắt bình thường tại vùng biển thuộc chủ quyền của Philippines.

Sau Vùng nhận diện phòng không (ADIZ), hành động mới này của Trung Quốc cho thấy, nước này ngày càng ngang ngược tuyên bố chủ quyền phi lý đối với gần như toàn bộ Biển Đông bằng “đường lưỡi bò” mà không dựa trên bất cứ quy định nào của luật pháp quốc tế.

Trong thời gian gần đây, Bắc Kinh cũng đã tăng cường các hoạt động bồi đắp trên Biển Đông với mưu đồ biến các bãi đá ngầm thành đảo để xây căn cứ quân sự phục vụ cho tham vọng độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh. Cộng đồng quốc tế và nhiều nước khác trong khu vực đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ.

Căng thẳng trên Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng sẽ là một nội dung trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tới Trung Quốc từ ngày mai (9/7). Mỹ từng lên án Trung Quốc về lệnh cấm đánh bắt cá trên Biển Đông hồi đầu năm nay. Theo Lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc được chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành ngày 29/11/2013 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2014, tàu cá nước ngoài phải xin phép trước khi đánh bắt hay dò tìm trong khu vực rộng tới 2 triệu cây số vuông, chiếm hai phần ba diện tích Biển Đông. Mỹ nói rằng, việc thông qua những giới hạn như vậy đối với hoạt động đánh bắt cá của các nước khác tại những khu vực tranh chấp trên Biển Đông là hành động khiêu khích và tiềm tàng nguy hiểm. Tất cả các bên có liên quan cần tránh bất kỳ hành động đơn phương nào làm gia tăng căng thẳng và hủy hoại những triển vọng về một giải pháp ngoại giao hoặc giải pháp hòa bình khác.

Trong khi đó, tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, Trung Quốc duy trì 103-110 tàu các loại để bảo vệ giàn khoan 981, trong đó 45-47 tàu hải cảnh, 13-14 tàu vận tải, 12-13 tàu kéo, 29-32 tàu cá vỏ sắt và 4 tàu quân sự. Sự ngang ngược Trung Quốc làm dấy lên phản đối mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở trong nước và nước ngoài.

Hôm qua (7/7), cộng đồng người Việt Nam tại Áo tổ chức cuộc tuần hành thứ 2 để phản đối Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đoàn đã tuần hành qua nhiều tuyến phố chính của thủ đô Vienna, trước khi dừng chân tại Quảng trường ga Ka (KarlPlatz) và kết thúc trước Trụ sở Đại sứ quán Trung Quốc. Đoàn tuần hành đã lấy chữ ký của người tham gia vào thư gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Vienna, gửi Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon và Ủy ban ASEAN tại Vienna để phản đối các hành vi ngày càng ngang ngược của Trung Quốc, yêu cầu nước này tôn trọng luật pháp quốc tế, rút ngay giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam... Cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc tại Áo đã thu hút sự quan tâm, chú ý và nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân địa phương và du khách quốc tế, giới phóng viên tại Vienna.

Theo Hoàng Lê
VOV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm