1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc, Ấn Độ nhất trí nối lại tập trận chung thường niên

(Dân trí) - Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý nối lại các cuộc tập trận chung trong nỗ lực nhằm giảm thiểu sự nghi ngờ lẫn nhau và cải thiện quan hệ song phương sau hơn 2 năm gián đoạn.

Trung Quốc, Ấn Độ nhất trí nối lại tập trận chung thường niên

 Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tại New Delhi ngày 4/9/2012


Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony loan báo quyết định này ngày hôm qua sau cuộc họp tại New Dehli với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt.

Sau hai cuộc tập trận chung “Tay trong tay” năm 2007 và 2008, Ấn Độ đã quyết định tạm ngưng các cuộc tập trận với Trung Quốc sau khi Bắc Kinh không cấp visa nhập cảnh cho một vị tướng của Ấn Độ.

Tuy nhiên, trong cuộc họp báo chung ngày hôm qua, Bộ trưởng Antony đã mô tả cuộc thảo luận với ông Lương Quang Liệt là “có nhiều kết quả”.

“Hai bên đã tiến hành cuộc trao đổi thẳng thắn và chân thành về nhiều vấn đề, trong đó có khu vực Nam Á, châu Á-Thái Bình Dương và các vấn đề biên giới”, ông Antony cho biết.

Về phần mình, ông Lương Quang Liệt cũng nói rằng hai nước đã đồng ý tổ chức các chuyến thăm cấp cao, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải và hải quân giữa hai nước.

Ông Lương Quang Liệt là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc đầu tiên tới thăm Ấn Độ trong 8 năm qua.

Chuyến đi của ông đặt trọng tâm vào việc giải quyết tranh chấp lâu nay giữa hai nước liên quan đến vấn đề biên giới ở vùng núi Himalaya.

Trước đó, Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền đối với toàn bộ tiểu bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ và đặt tên cho vùng này là “nam Tây Tạng”.

Để tìm lời giải cho cuộc tranh chấp này, hai bên đã tiến hành 14 vòng đàm phán song phương kể từ năm 1962, thời điểm bùng nổ một cuộc xung đột ngắn ngay tại bang Arunachal Pradesh.

Tuy có những mối căng thẳng như vậy, nhưng quan hệ thương mại giữa hai cường quốc kinh tế châu Á vẫn phát triển rất nhanh chóng. Dự kiến kim ngạch mậu dịch song phương sẽ đạt mức 100 tỷ USD vào năm 2015.

Đức Vũ
Theo Xinhua