1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trừng phạt tập đoàn vũ khí Mỹ, Trung Quốc lộ "thế bí" trong thương chiến

Đức Hoàng

(Dân trí) - Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc áp lệnh trừng phạt lên tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin dường như cho thấy Bắc Kinh có rất ít lựa chọn để đối đầu với Washington trong thương chiến.

Trừng phạt tập đoàn vũ khí Mỹ, Trung Quốc lộ thế bí trong thương chiến - 1

Lockheed Martin là nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc ngày 14/7 tuyên bố sẽ trừng phạt tập đoàn sản xuất vũ khí Lockheed Martin của Mỹ vì tham gia vào việc bán vũ khí cho Đài Loan. Theo giới quan sát, thông báo trên cho thấy một thực tế với Bắc Kinh: Họ có rất ít lựa chọn để gây tác động mạnh tới các doanh nghiệp Mỹ như Washington làm với các công ty Trung Quốc trong cuộc thương chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Lockheed Martin, nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới, là công ty đầu tiên của Mỹ bị Trung Quốc chính thức nhắm mục tiêu trừng phạt kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nêu rõ các chi tiết của lệnh trừng phạt dự kiến.

Động thái với Lockheed Martin cũng đánh dấu một bước đi mới của Bắc Kinh trong chiến lược thận trọng của Trung Quốc từ trước tới nay nhằm tránh làm tổn hại tới lợi ích của chính họ khi trừng phạt công ty Mỹ.

Tuy nhiên, những diễn biến trên thực tế cho thấy một thực tế không dễ dàng mà Bắc Kinh phải đối mặt.

Năm ngoái, Trung Quốc từng tuyên bố sẽ ra một danh sách các thực thể không đáng tin cậy làm ảnh hưởng tới Bắc Kinh - động thái nhằm đáp trả việc Mỹ ban hành “danh sách đen” để trừng phạt các công ty Trung Quốc, trong đó có Huawei.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm, chính phủ Trung Quốc chưa công bố danh sách các công ty Mỹ bị trừng phạt hoặc hình phạt.

Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo nhà nước Trung Quốc, từng “úp mở” năm ngoái về một danh sách các công ty Mỹ như Honeywell, Oshkosh, General Dynamics bị Trung Quốc nhằm mục tiêu. Nhưng Bắc Kinh chưa bao giờ chính thức xác nhận danh sách này.

Điều này cho thấy thế khó mà Bắc Kinh đang gặp phải. Nếu trừng phạt các doanh nghiệp Mỹ, họ có thể vướng vào rủi ro làm ảnh hưởng tới dòng vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Trung Quốc để giúp tăng trưởng kinh tế, đặc biệt, trong thời điểm nước này đang cần khắc phục hậu quả của dịch Covid-19.

Vì vậy, giới quan sát cho rằng nếu Trung Quốc có trừng phạt doanh nghiệp Mỹ, những động thái này sẽ được thực hiện một cách vừa phải.

Shi Yinhong, một giáo sư về quan hệ quốc tế tại đại học Nhân dân và cố vấn của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, nói rằng động thái của Bắc Kinh nhằm “trả đũa các chính sách cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc”.

Tuy nhiên, ông Shi cho rằng rất khó để đoán biết được Trung Quốc sẽ trừng phạt công ty nào sau Lockheed, giữa lúc quan hệ giữa 2 nước đang “căng như dây đàn” trong hàng loạt lĩnh vực.

Trên thực tế, Bắc Kinh đã nhiều lần có các biện pháp đáp trả Washington liên quan tới các động thái trừng phạt của Mỹ với các cá nhân Trung Quốc. Tuy nhiên, câu chuyện rẽ theo hướng hoàn toàn khác trong lĩnh vực doanh nghiệp vì Trung Quốc rất cần cộng đồng công ty Mỹ để giúp duy trì vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trên thực tế, Trung Quốc từng ban hành lệnh trừng phạt kiểu “giơ cao đánh khẽ” với doanh nghiệp Mỹ. Năm 2010, Trung Quốc từng tuyên bố trừng phạt Boeing vì liên quan tới thương vụ vũ khí với Đài Loan. Tuy nhiên, Boeing sau đó vẫn tiếp tục bán máy bay thương mại cho các hãng hàng không Trung Quốc.

Giới quan sát cũng cho rằng bất cứ lệnh trừng phạt nào chống lại Boeing sẽ gây tác dụng ngược vì Trung Quốc dường như phụ thuộc lớn vào hãng sản xuất Mỹ trong lĩnh vực linh kiện máy bay thương mại của Bắc Kinh.