1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trừng phạt Iran thay đòn quân sự, Mỹ đặt trọng trách lên vai châu Âu

Tổng thống Mỹ Trump hôm 22/6 cho biết sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Iran nhằm ngăn chặn quốc gia này có được vũ khí hạt nhân.

Dù đã giải tỏa mối lo ngại về nguy cơ xung đột quân sự tức thời sau vụ Iran bắn hạ máy bay do thám không người lái của Mỹ, nhưng bước đi mới nhất nêu trên của Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp tục là một đòn giáng nặng nề vào nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Iran, khiến quốc gia Hồi giáo này có thể phải “vượt rào” vi phạm Thỏa thuận hạt nhân nếu các nước châu Âu không nỗ lực cứu vãn.

Trừng phạt Iran thay đòn quân sự, Mỹ đặt trọng trách lên vai châu Âu - 1

Tổng thống Trump. Ảnh: WTHR.

Tổng thống Donald Trump hôm qua (22/6) cho biết chính phủ nước này đang thúc đẩy con đường ngoại giao để gia tăng sức ép lên Iran bằng việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới.

Tuyên bố được đưa ra sau khi nhà lãnh đạo Mỹ quyết định rút lại kế hoạch triển khai các hành động quân sự để trả đũa việc Iran bắn hạ máy bay trinh sát không người lái của quân đội Mỹ. Và câu thần chú kinh tế của Tổng thống Donald Trump “dừng sở hữu vũ khí hạt nhân để đổi lấy thịnh vượng” lại được đề cập khi ông khẳng định sẽ là một người bạn tốt của Iran và quốc gia Hồi giáo này sẽ phát triển thịnh vượng nếu từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Rõ ràng với bước đi mới nhất của Mỹ cho thấy nguy cơ xung đột quân sự đã giảm bớt, với lí do Tổng thống Trump cho rằng một cuộc tấn công quân sự “ không tương xứng” với hậu quả do vụ tấn công của Iran nhằm vào máy bay không người lái gây ra.

Tuy nhiên nhà lãnh đạo Mỹ vẫn khẳng định để ngỏ hành động quân sự nhằm vào Iran, đồng thời cảnh báo bất cứ vụ tấn công nào nhằm vào lợi ích của Mỹ tại Trung Đông sẽ đổ dầu vào ngọn lửa căng thẳng hiện nay: “Các biện pháp quân sự vẫn luôn để ngỏ cho đến khi vấn đề được giải quyết. Mỹ có lực lượng quân sự hùng mạnh trong khu vực và chúng tôi sẽ không loại trừ biện pháp này cho đến khi đạt được mục tiêu”.

Một số chuyên gia nhận định, với việc loại bỏ nguy cơ  tấn công quân sự tức thì của Tổng thống Trump là một bước đi hòa giải giúp hạ nhiệt căng thẳng hiện nay. Tuy nhiên, xét về mức độ hiệu quả thì rõ ràng trừng phạt kinh tế vào thời điểm này sẽ có tính chiến lược hơn nhiều so với một cuộc tấn công quân sự.

Một cuộc tấn công quân sự chắc chắn sẽ gây tác động lớn, không chỉ với Iran mà còn cả với khu vực và đặc biệt là Mỹ, khi Tổng thống Trump đang bắt đầu thúc đẩy chiến dịch tái tranh cử cho cuộc bầu cử Tổng thống năm tới. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt bổ sung sẽ là một đòn giáng nặng nề vào nền kinh tế Iran, vốn đang phải đối mặt với khó khăn do những biện pháp trừng phạt của Mỹ. 

Và với sức ép kinh tế gia tăng có thể buộc Iran phải tự tay xé bỏ thỏa thuận hạt nhân lịch sử đã ký với các cường quốc năm 2015. Điều này đặt lên vai các nước châu Âu một trọng trách nặng nề khi Iran trước đó cảnh báo sẽ phá vỡ thỏa thuận, nếu các nước châu Âu thất bại trong việc hỗ trợ  nước này vượt qua các biện pháp trừng phạt của Mỹ, với hạn chót mùng 8/7 tới để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân.

Nhà ngoại giao Anh Andrew Murris hôm nay (23/6) có kế hoạch thăm Iran nhằm giảm căng thẳng trong khu vực. Dự kiến đại diện của Iran và các quan chức cấp cao Pháp, Đức, Anh, Trung Quốc, Nga sẽ có cuộc gặp tại Vienna, Áo vào 28/6 tới để thảo luận các biện pháp cứu vãn thỏa thuận hạt nhân. Cuộc gặp nhằm xem xét các biện pháp đối phó với thách thức gia tăng sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, cũng như hối thúc Iran cần phải tuân thủ cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân đã ký.

Theo Phạm Hà

VOV1