1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung-Nhật và cuộc chiến bằng sáng chế về công nghệ tàu cao tốc

(Dân trí) - Bộ Đường sắt Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc của Nhật Bản rằng Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới công nghệ tàu cao tốc. Cáo buộc được đưa ra sau khi Trung Quốc nộp đơn đăng ký sáng chế cho hệ thống tàu cao tốc tại nhiều nước.

 
Trung-Nhật và cuộc chiến bằng sáng chế về công nghệ tàu cao tốc - 1
Tàu cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải của Trung Quốc mới được khai trương hôm 30/6.

Phát ngôn viên Bộ Đường sắt Trung Quốc Wang Yongping ngày 7/7 cho hay Trung Quốc đã phát triển công nghệ, mà nước này đang đề nghị cấp bằng sáng chế, một cách độc lập. Cáo buộc của Nhật Bản là “thiếu tin cậy”, ông Wang nói.

Những bình luận của ông Wang được đưa ra khi ông Tadaharu Ohashi, Chủ tịch công ty công nghiệp nặng Kawasaki, hồi tuần trước nói rằng công ty sẽ có hành động pháp lý nếu các bằng sáng chế tàu cao tốc của Trung Quốc vi phạm các thoả thuận đã được ký kết giữa 2 nước.

Trong cuộc trò chuyện trực tuyến với cư dân mạng trên trang Xinhua, ông Wang cho hay Công ty CNR, hãng sản xuất tàu khách hàng đầu của Trung Quốc, và Viện Khoa học Đường sắt đã nộp đơn xin cấp bằng sáng kế ở nước ngoài kể từ năm 2009.

Còn ông Li Jun, giám đốc văn phòng các vấn đề chung tại cục vận tải thuộc Bộ Đường sắt, trước đó cho hay Trung Quốc đã gửi 21 đơn đề nghị cấp sáng chế theo Hiệp ước hợp tác sáng chế.

Các đơn đề nghị cấp sáng chế - liên quan các bugi, thân tàu và việc lắp ráp - đã được nộp tại Mỹ, Brazil, châu Âu và Nhật Bản, theo ông Li.

Công ty Kawasaki đã chuyển giao công nghệ tàu với vận tốc 200km/h cho Trung Quốc hồi năm 2004. Công ty Qingdao Sifang của CSR, hợp tác với công ty Kawasaki, đã cho ra đời tàu cao tốc tên gọi CRH2 tại Trung Quốc.

CSR sau đó tự phát triển một tàu có vận tốc 300-350km/ và tàu CRH380A với vận tốc tối đa 380km/h.

Ngoại trưởng Nhật Bản Takeaki Matsumoto đang ở thăm Trung Quốc cũng đã đề cập vấn đề trên với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì hôm 4/7. Ông Dương Khiết Trì đã nói rằng công nghệ mà Trung Quốc đã nộp đơn sáng chế là “những phát minh riêng của Trung Quốc”, ông Wang nói.

Ông Wang cho hay Trung Quốc đã tiếp thu công nghệ nước ngoài nhưng cũng đã đổi mới.

So với tàu CRH2, được sản xuất với công nghệ nhập khẩu từ Công ty Kawashi, tàu CRH380A hoạt động cho lộ trình Bắc Kinh-Thượng Hải hoạt động với tốc độ cao hơn.

Ông Wang nói rằng thật nực cười khi một số người Nhật Bản nói rằng Trung Quốc đã sao chép công nghệ từ tàu cao tốc Shinkansen của Nhật Bản.

“Shinkansen và tàu cao tốc Thượng Hải-Bắc Kinh là hai cấp độ khác nhau. Có những khác biệt lớn về mặt tốc độ, công nghệ và tiện nghi”, ông Wang nói.

Hai quốc gia nên tiếp tục cải thiện công nghệ để trở thành các quốc gia đi đầu trong lĩnh vực này, ông Wang nói.

“Điều mà Trung Quốc đã làm trong việc thúc đẩy tốc độ tàu cao tốc từ 250km/h lên 350km/h là rất quan trọng và tương tự như tiến bộ mà Nhật Bản đã làm khi nâng tốc độ tàu cao tốc, khởi đầu bởi công nghệ của châu Âu, từ 100km/h lên 200km/h”, ông Wang nói.

Hai thành tựu đều tuân theo luật quốc tế về sở hữu trí tuệ. Trung Quốc giờ đây đang nộp đơn lấy bằng sáng chế nhằm thúc đẩy sự đổi mới và chuyển giao công nghệ tàu cao tốc, ông Wang cho biết thêm.

Trung Quốc sẵn sàng trợ giúp công nghệ cho Nhật Bản, theo luật quốc tế và các quy định thương mại, khi Nhật Bản đang lên kế hoạch xây 5 tuyến tàu cao tốc với tổng chiều dài lên tới 870km.

Shinkansen - tàu cao tốc đầu tiên của Nhật Bản và cũng là đầu tiên của thế giới - được khánh thành năm 1964 với tốc độ 210km/h. Mạng lưới đường sắt cao tốc của Nhật hiện dài 2.459km, nối phần lớn các thành phố lớn của Nhật Bản.

Những năm gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh việc phát triển hệ thống đường sắt và tàu cao tốc, đe doạ vị thế thống trị của tàu Shinkansen vốn lâu nay vẫn được xem là niềm tự hào của nền công nghiệp hiện đại Nhật Bản.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu xây dưng tổng chiều dài của hệ thống đường sắt lên tới 100.000km đến năm 2020, trong đó tổng chiều dài của các tuyến tàu cao tốc chở khách có tốc độ từ 200km/h trở lên sẽ lên tới hơn 13.000km.

Trung Quốc mới đây đã khai trương tuyến tàu cao tốc Bắc Kinh-Thượng Hải với tổng chiều dài 1.318km.

An Bình
Theo Xinhua