1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung - Ấn chạy đua ảnh hưởng tại thiên đường du lịch Maldives

(Dân trí) - Thiên đường du lịch Maldives ngày càng đóng vai trò chiến lược trong bản đồ khu vực khi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều mong muốn tạo dựng ảnh hưởng tại quốc đảo Ấn Độ Dương nhỏ bé này.

Thủ đô Male của Maldives (Ảnh: AFP)
Thủ đô Male của Maldives (Ảnh: AFP)

Với số lượng gần 1.200 đảo nằm trải dài trên diện tích 90.000 km2, những tuyến vận tải biển quan trọng đều đi qua Maldives. Đây cũng là nơi cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang cạnh tranh với nhau để theo đuổi các chiến lược hàng hải của mình mặc dù những chiến lược này thường xung đột với nhau.

Sau khi ông Abdulla Yameen, người đưa Maldives xích lại gần hơn với Trung Quốc, thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống Maldives diễn ra hôm 23/9, người kế nhiệm ông đồng thời là lãnh đạo phe đối lập Ibrahim Mohamed Solih được cho là sẽ tìm cách cân bằng mối quan hệ giữa hai ông lớn châu Á tại quốc đảo Ấn Độ Dương nhỏ bé này.

Vì sao Trung Quốc và Ấn Độ cùng cạnh tranh vì Maldives?

Trong nhiều năm, Maldives, đất nước với khoảng 400.000 dân, nằm trong tầm ảnh hưởng chính trị của Ấn Độ. Trung Quốc bắt đầu đặt chận tới Maldives trong vài năm gần đây và xem quốc đảo này như một mắt xích quan trọng trong tuyến đường đầu tư theo Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.

Tuy nhiên, sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc tại Maldives đã khiến Ấn Độ nghi ngờ rằng Maldives đang trở thành một phần trong chiến lược “Chuỗi ngọc trai” của Bắc Kinh nhằm xây dựng một mạng lưới các liên kết kinh tế và quân sự trong khu vực với mục đích kiềm tỏa Ấn Độ.

Nỗi lo ngại của Ấn Độ ngày càng tăng lên khi Tổng thống thất cử Yameen từng sử dụng tiền của Trung Quốc để xây dựng hạ tầng cơ sở tại Maldives và ông Yameen cũng là người ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.

Trung Quốc đặt chân tới Maldives như thế nào?

Tổng thống Maldives Abdulla Yameen gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: AFP)
Tổng thống Maldives Abdulla Yameen gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2017 (Ảnh: AFP)

Trung Quốc đã rót nhiều khoản đầu tư lớn vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Maldives trong giai đoạn Tổng thống Yameen nắm quyền.

Theo Trung tâm Phát triển Toàn cầu, các dự án này bao gồm khoản đầu tư trị giá 830 triệu USD để nâng cấp sân bay Maldives và xây dựng cây cầu dài 2km nối hòn đảo đặt sân bay này với thủ đô Male.

Ngoài ra, Trung Quốc đang xây dựng một tổ hợp căn hộ cao 25 tầng và một bệnh viện ở Maldives.

Ngoài việc hỗ trợ Maldives mạnh mẽ trong các khoản đầu tư về cơ sở hạ tầng, Trung Quốc cũng đảm bảo nguồn khách du lịch dồi dào cho Maldives. Du lịch hiện vẫn là ngành công nghiệp phát triển nhất tại quốc đảo này.

Khoảng 306.000 khách du lịch Trung Quốc tới thăm Maldives trong năm 2017, chiếm khoảng 21% trong tổng số khách du lịch tới Maldives.

“Maldives phụ thuộc vào hoạt động du lịch từ Trung Quốc. Điều này kết hợp với các khoản đầu tư từ Trung Quốc buộc Maldives phải có cách tiếp cận thực tế”, Srikanth Kondapalli, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, nhận định.

Khi 3 tàu hải quân Trung Quốc cập cảng tại Male vào tháng 8 năm ngoái, Ấn Độ càng thêm lo ngại về sự hiện diện của Bắc Kinh tại Maldives.

Quan hệ Maldives - Ấn Độ lạnh nhạt ra sao dưới thời chính quyền Yameen?

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Ảnh: Reuters)

Quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Maldives đã xấu đi trong nhiệm kỳ Tổng thống Yameen mặc dù trước đó, Male vẫn duy trì mối quan hệ gần gũi với New Delhi.

Tháng 3/2015, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã hủy chuyến thăm chính thức tới Maldives do bất bình với cách đối xử của chính quyền Yameen đối với cựu Tổng thống Maldives Mohamed Nasheed - người ủng hộ Ấn Độ và bị bỏ tù.

Trong khi đó, Maldives cũng từ chối lời mời của Ấn Độ tham gia cuộc tập trận hải quân kéo dài 8 ngày được tổ chức 2 năm một lần trong năm nay.

Chính quyền Yameen cũng từ chối gia hạn thị thực cho các công dân Ấn Độ, những người làm việc hợp pháp ở Maldives, mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào.

Maldives có phải trả giá vì các khoản đầu tư của Trung Quốc?

Cầu hữu nghị Trung Quốc - Maldives khánh thành hồi tháng 8 nối sân bay với thủ đô Male (Ảnh: Xinhua)
Cầu hữu nghị Trung Quốc - Maldives khánh thành hồi tháng 8 nối sân bay với thủ đô Male (Ảnh: Xinhua)

Dù chỉ là một đảo quốc nhỏ bé nhưng Maldives đã nợ Trung Quốc tới 1,3 tỷ USD, tương đương với hơn 1/4 GDP. Theo Reuters, khoản nợ này chủ yếu bắt nguồn từ các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn do Trung Quốc thực hiện tại Maldives.

Cựu Tổng thống Nasheed hồi tháng 1 từng cho biết Trung Quốc chiếm 80% nợ nước ngoài của Maldives. Ông Nasheed nói rằng Trung Quốc đã thuê ít nhất 16 trong tổng số 1.192 đảo san hô nằm rải rác trên lãnh thổ Maldives và xây dựng các cảng cũng như các công trình hạ tầng khác ở đây.

Một phát ngôn viên của đảng Dân chủ Maldives từng mô tả các dự án do Trung Quốc rót vốn tại Maldives là “bẫy nợ” và là dấu hiệu cho thấy sự tham những dưới thời chính quyền Yameen.

Những người chỉ trích cảnh báo rằng bẫy nợ có thể buộc Maldives phải nhượng bộ Trung Quốc như cách quốc gia láng giềng Sri Lanka từng làm. Sri Lanka đã phải phải ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm sau khi không đủ khả năng thanh toán các khoản tiền mà nước này từng vay Bắc Kinh để phát triển các dự án.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Bắc Kinh chưa bao giờ đặt bất kỳ điều kiện chính trị nào đối với các khoản viện trợ cho Maldives. Trung Quốc khẳng định các khoản viện trợ này không gây tổn hại cho chủ quyền, độc lập lãnh thổ của Maldives, và cũng không gây nguy hiểm cho an ninh của khu vực Ấn Độ Dương.

Hồi tháng 2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng từng bác bỏ cáo buộc của cựu Tổng thống Nasheed rằng "Trung Quốc đã chiếm đất của Maldives". Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định những cáo buộc này là “vô nghĩa”.

Thành Đạt

Theo SCMP