1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Trump-Biden cạnh tranh “nảy lửa”, lấy Covid-19 làm tâm điểm chiến dịch

Chiến dịch tranh cử của ông Trump và ông Biden đều đang chuyển hướng tập trung vào đại dịch Covid-19 giữa bối cảnh số ca mắc tiếp tục tăng cao.

Chuyển hướng chiến lược

Đội ngũ trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden hiện đang coi đại dịch Covid-19 là một vấn đề nổi trội, định hình kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 tới.

Trump-Biden cạnh tranh “nảy lửa”, lấy Covid-19 làm tâm điểm chiến dịch - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden. Ảnh:Reuters

Các cố vấn của cựu Phó Tổng thống Joe Biden coi đại dịch Covid-19 có lẽ là phương thức rõ ràng nhất, khắc họa hình ảnh đối lập giữa ứng viên này và Tổng thống Trump. Chiến dịch của ông Biden dẫn ra việc số ca mắc Covid-19 mới tăng cao ở Mỹ để khắc họa hình ảnh Tổng thống Trump là một người không am hiểu về đại dịch, cũng như không hề quan tâm đến điều gì khác ngoại trừ vị thế chính trị của ông.

Trái lại, các cố vấn của Tổng thống Trump đang tìm cách xây dựng lại thông điệp về khả năng phản ứng với đại dịch Covid-19 của ông, mặc dù bản thân Tổng thống thường cố gắng tránh đề cập nhiều đến chủ đề này. Đội ngũ của nhà lãnh đạo Mỹ đã cử các chuyên gia y tế tới các bang dao động, đồng thời đưa các bác sĩ lên truyền hình ở những khu vực có số ca mắc tăng cao để truyền tải các thông điệp về việc khôi phục nền kinh tế, cũng như thuyết phục sự ủng hộ từ các cử tri tiềm năng.

Mục tiêu chiến dịch của Tổng thống Trump là thuyết phục người dân Mỹ rằng họ có thể sống chung với virus SARS-CoV-2 qua việc các trường học có thể mở cửa lại, các hoạt động thể thao được nối lại, vaccine sẽ có vào cuối năm nay cũng như nền kinh tế tiếp tục được cải thiện.

Các nhà chức trách Nhà Trắng cũng hy vọng người dân Mỹ có thể dần chấp nhận thực tế số ca tử vong do Covid-19 tiếp tục tăng lên cũng như mỗi ngày có hàng chục nghìn ca mắc mới, 3 nguồn tin thân cận với Nhà Trắng tiết lộ với Washington Post. Theo lời của một trong những người này - một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Trump, người Mỹ "sẽ sống chung với loại virus vốn đang là mối đe dọa này".

"Họ truyền đi niềm tin rằng, mọi người sẽ vượt qua cuộc khủng hoảng này nếu chúng ta ngừng nhấn mạnh về nó. Nền tảng cử tri này sẽ tiếp tục tăng lên và công chúng sẽ chấp nhận việc có từ 50.000 - 100.000 ca mắc mới mỗi ngày", một cựu quan chức có liên hệ với đội ngũ chiến dịch của ông Trump cho hay.

Các nhà chức trách và các cố vấn trong chiến dịch của Tổng thống Trump thừa nhận rằng, việc phản ứng với đại dịch Covid-19 của chính quyền hiện nay là một trong những thách thức chính trị lớn nhất trong những tháng sắp tới, giữa bối cảnh các cử tri nhìn chung không tán thành với khả năng đối phó trước đại dịch của ông Trump và việc mở cửa lại nền kinh tế, mặc dù họ vẫn đánh giá ông Trump cao hơn ông Biden ở khía cạnh này.

Theo 2 cố vấn chiến dịch của ông Trump và 1 quan chức Nhà Trắng, chính quyền Tổng thống Trump bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence và chuyên gia điều phối khả năng phản ứng với Covid-19 của Nhà Trắng là Deborah Birx đã đề xuất các sự kiện về dịch Covid-19 trong những tuần tới với sự tham gia của Tổng thống Trump. Những sự kiện này sẽ nhấn mạnh tới tiềm năng của vaccine và quá trình khôi phục nền kinh tế Mỹ.

Một số cố vấn cho biết họ vẫn vô cùng lo ngại về nền kinh tế đang suy thoái, các cuộc biểu tình về bất bình đẳng sắc tộc cũng như vị thế chính trị đang giảm dần của ông Trump. Một số nguồn tin thân cận với ông Trump, trong đó có các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và Lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện Kevin McCarthy đã khuyến khích ông Trump nên tập trung vào việc đổ lỗi cho Trung Quốc về đại dịch Covid-19, cũng như nhấn mạnh đến thành công của chính quyền Mỹ, trong đó có việc ngăn chặn tình trạng thiếu máy thở và tăng cường khả năng thực hiện 500.000 xét nghiệm/ngày.

Thượng nghị sĩ Lindsey O. Graham cho rằng cuộc bầu cử Mỹ sắp tới cũng sẽ xoay quanh việc liệu nền kinh tế có thể khôi phục mạnh mẽ hay không nhưng điều này chỉ có thể xảy ra khi dịch bệnh được kiểm soát.

Cạnh tranh “nảy lửa”

Ông Biden đã nhiều lần công kích về khả năng phản ứng trước đại dịch Covid-19 của ông Trump và phác thảo kế hoạch ông sẽ đặt chính phủ liên bang có vai trò trung tâm như thế nào trong công tác phản ứng nếu ông đắc cử. Chiến lược này trái ngược với quyết định hiện nay của Tổng thống Trump khi nhà lãnh đạo Mỹ chủ trương để các bang tự điều hành việc xét nghiệm cũng như quyết định mở cửa khi nào và bằng cách nào. Tổng thống Trump đã tái khẳng định kỳ vọng của ông hồi tuần trước rằng virus SARS-CoV-2 sẽ "biến mất", bất chấp việc số ca mắc mới hàng ngày ở Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 50.000 vào tuần qua.

Đến nay, Mỹ đã cán mốc hơn 3 triệu ca mắc Covid-19 và hơn 130.000 người tử vong vì dịch bệnh này.

"Thực sự thì từ tháng 1 trở đi, cựu Phó Tổng thống Biden đã tập trung vào nguy cơ số ca mắc Covid-19 tăng lên ở Mỹ. Bạn gần như có thể tưởng tượng và so sánh khả năng lãnh đạo của ông Trump và ông Biden", cố vấn chiến dịch của ông Biden là Ariana Berengaut nhận định.

Các cuộc khảo sát cho thấy người Mỹ ngày càng lo ngại về sự bùng phát của dịch Covid-19. Một cuộc khảo sát do Gallup tiến hành công bố hôm 2/7 cho thấy, khoảng 65% người Mỹ nói rằng tình hình dịch bệnh ngày càng tồi tệ hơn, tăng cao so với con số 48% của tuần trước.

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump đã sụt giảm liên tục kể từ tháng 3. Theo số liệu trung bình từ các cuộc khảo sát của Washington Post, ông Biden dẫn trước Tổng thống Trump 11 điểm vào tháng 6, tăng so với cách biệt 8 điểm trong tháng 5 và khoảng 6 - 7 điểm từ tháng 2 – tháng 4.

Một người tiến hành các cuộc khảo sát của đảng Dân chủ Geoff Garin nhận định: "Hiện nay ông Biden đang có cơ hội nổi trội để xây dựng hình ảnh bản thân trái ngược với sự thất bại về khả năng lãnh đạo của ông Trump. Rõ ràng, đa số cử tri cũng nhận thức được về việc này".

Ông Biden đã có bài phát biểu dài 20 phút vào tuần trước, phác thảo các hoạt động ông sẽ thực hiện khi trở thành Tổng thống nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19, đồng thời chỉ trích Tổng thống Trump "đầu hàng" trước virus SARS-CoV-2 và từ chối đeo khẩu trang nơi cộng cộng.

Chiến dịch của ông Biden cũng sẽ tiếp tục công kích ông Trump về khả năng phản ứng với Covid-19 và nhấn mạnh nhiều tuyên bố gây tranh cãi của nhà lãnh đạo Mỹ. Đội ngũ này còn có kế hoạch vạch ra các tình huống xảy ra nếu ông Biden trở thành Tổng thống từ tháng 1.

"Đất nước này sẽ trở thành một nơi khác biệt hơn nhiều so với ngày nay", một cố vấn trong chiến dịch của ông Biden đánh giá.

Trong khi đó, người phát ngôn trong chiến dịch của ông Trump là Tim Murtagh cho hay, chiến dịch này có kế hoạch nhấn mạnh đến "khả năng tăng cường xét nghiệm một cách quyết liệt", cũng như việc phối hợp với các ngành tư nhân để đảm bảo cung cấp nhiều máy thở hơn cho những nơi cần đến thiết bị y tế này.

Người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Matthews thì nói rằng sự phản ứng của Tổng thống Trump đã huy động được "lực lượng lớn nhất kể từ Thế chiến II" nhằm đánh bại virus SARS-CoV-2 và rằng Tổng thống sẽ "tái thiết lại một nền kinh tế toàn diện nhất trong lịch sử".

Tổng thống Trump cũng công kích sự phản ứng của ông Biden và chính quyền cựu Tổng thống Obama về đợt bùng phát dịch cúm H1N1 năm 2009 và những phát ngôn của ông Biden sau khi Tổng thống Trump quyết định cấm hầu hết việc đi lại từ Trung Quốc ngày 31/1 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Các cố vấn truyền thông hy vọng sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với Tổng thống Trump để ông có thể truyền tải thông điệp về sự phản ứng của chính quyền Mỹ trước đại dịch một cách hiệu quả và toàn diện nhất trong những sự kiện tập trung vào chủ đề này vào những tuần sắp tới.

Theo Kiều Anh

VOV