Trong lịch sử, có cả những Giáo hoàng... giả
Điểm lại lịch sử các vị Giáo hoàng thì trong Giáo hội Công giáo đã từng có những thời kỳ khó khăn và xuất hiện những vị Giáo hoàng giả.
Giáo hoàng do hội đồng các Hồng y của Giáo hội bầu lên, được thừa nhận có quyền năng người kế vị Thánh Peter tông đồ của Chúa Giêsu, hành xử quyền Giáo hoàng một cách hợp pháp.
Tuy nhiên, trong lịch sử Giáo hội Công giáo, đã từng có một số người tự nhận hay hành xử quyền Giáo hoàng một cách không hợp pháp. Người Công giáo gọi họ là Giáo hoàng giả hay ngụy Giáo hoàng (Antipope). Tờ Annuario Pontificio của Tòa Thánh ghi lại, trong lịch sử đã có tới... 37 Giáo hoàng giả.
Giáo hoàng giả đầu tiên là linh mục Hippolito, Ngài quá nhiệt thành với phụng vụ. Khi đó phụng vụ đều đọc các bài sách Thánh trong ngôn ngữ Hy lạp, nên giáo dân Roma không hiểu gì mấy. Ðức Giáo hoàng Callisto muốn dân chúng hiểu Phụng vụ nên ủng hộ việc đọc bằng tiếng Latinh, ít ra là cho dân Roma. Hippolito phản đối việc đó và tách khỏi Giáo hội khoảng năm 223, tự xưng là Giáo hoàng.
Năm 235, cả Giáo hoàng thật là Thánh Pontiano (230-235) và Giáo hoàng giả cùng bị vua Roma bắt lưu đày ở Sardina và hai vị đã làm hòa, cùng chịu tử đạo và được phong Thánh.
Suốt từ thế kỷ thứ III đến đầu thế kỷ XV, nhiều Giáo hoàng giả cũng xuất hiện, đa số do hiểu lầm, nhưng những chế độ chính trị và hoàn cảnh thời đế quốc phong kiến cũng có tác động rất lớn trong những vụ việc đó. Có những vị chỉ "lên ngôi" và rút lui trong một ngày, có vị một tháng, có vị lâu hơn.
Thời kỳ 1378-1417 được gọi là thời kỳ "Đại ly giáo Tây phương" (Great Western Schism) có nhiều Giáo hoàng giả nhất, thời kỳ́ đó cuộc ly giáo xảy ra sau những sự xáo trộn trong việc dời Tòa Thánh về Avignon (Pháp) từ năm 1309 đến 1376.
Ở Roma
Sau khi Ðức Gregori XI (Giáo hoàng người Pháp) qua đời, dân ở Roma muốn bầu một vị người Roma hoặc ít nhất là người Ý. Lúc đó Ý và Roma là hai nước khác nhau, có những quyền lợi và bổn phận khác nhau. Dân chúng Roma mang khí giới tụ họp ở quảng trường biểu tình gây áp lực với các Hồng y đang có mặt. Họ hô hoán suốt ngày đêm đòi một Giáo hoàng người Roma hay ít là người Ý. Hồng y đoàn gồm 23 vị họp trong đồn Thiên Thần có binh lính người Anh giữ an ninh để bầu Giáo hoàng mới, nhưng 7 vị vắng mặt. Số còn lại thì 11 vị là người Pháp.
Sau nhiều bế tắc, các vị Hồng y đã chọn Ðức Tổng Giám mục Bari, ở ngoài Hồng y đoàn, là Bartolomeo Prignano, người Ý, lên ngôi Giáo hoàng. Lịch sử kể lại rằng, bầu cử xong, các vị Hồng y phải bỏ trốn hết vì sợ dân chúng không hài lòng sẽ làm loạn. Ngài lên ngôi lấy tước hiệu là Urban VI (1378-1389). Kế vị Urban VI là các ĐGH Bonifacio IX (1389-1404); Innocente VII (1404-1406); Gregory XII (1406-1415).
Ở Avignon
Tuy nhiên vì quá thẳng tính, Ðức Urban VI (1378-1406) ở Roma làm mất lòng rất nhiều các Hồng y, nhất là các Hồng y người châu Âu. Khi các Hồng y cảm thấy bất mãn với thái độ cứng cỏi của Ðức Urban VI, các Hồng y nước Pháp nhớ lại biến cố bầu Giáo hoàng và nghi ngờ bối rối, rồi cho là bất hợp pháp vì bầu cử thiếu tự do dưới võ lực. Các Hồng y nước Ý cũng đồng ý như thế. Do đó, nhân tiện Vua Pháp đề nghị bầu vị Giáo Hoàng khác, các vị Hồng y đã họp tại Avignon và chọn một người Pháp làm Giáo hoàng mới hiệu là Clemente VII (1378-1394). Cuộc ly giáo bắt đầu. Từ đó, ở Pháp, Kế vị Clemente VII là Benedictô XIII (1394-1423).
Ðại Công đồng phế truất hai Giáo hoàng
Trước tình hình Giáo hội bị chia rẽ. Năm 1407, Vua nước Pháp là Charles VI đề nghị cả hai vị Giáo hoàng trên đến họp tại Savona để tìm giải pháp. Benedicto XIII đến, còn Gregory XII thì không. Các vua châu Âu (Pháp, Anh, Bồ Ðào Nha, Bohemia, Ðức, Ý) và các Hồng y bèn họp Ðại Công đồng phế truất cả hai. Chủ thuyết "Ðại Công đồng trên Giáo hoàng" phát sinh từ đây.
Các Hồng y bầu tu sĩ Pietro Philarghi dòng Phanxico làm Giáo hoàng mới hiệu là Alexandro V (1409-1410). Kế vị Alexandrô V là Balthasar Cossa hiệu là John XXIII (1410-1415) [Có một vị Giáo hoàng đích thực John XXIII khác (1958-1963), được phong Chân Phước. Phần mộ của ông trước đây, nay chính là nơi Giáo hoàng John Paul II đang yên nghỉ] .
Tình trạng càng tệ hơn (vì cùng lúc đã có ba Giáo hoàng). Khi Ðức Gregory XII phải bỏ Roma vì chiến tranh thì Roma thuộc về quyền lãnh đạo của Ðức Alexandrô V. Khi Ðức Alexandrô V từ trần thì Ðức Gioan XXIII lên kế vị. Năm 1413 Ngài cũng phải bỏ Roma cho vua Ladislas người thành Angers chiếm đóng. Vua Ladislas bị vua Louis II của Pháp đánh bại. Còn Ðức Gioan XXIII phải nhờ vả đến hoàng đế xứ La Ðức là Sigismund bảo vệ.
Công đồng Constancia truất phế ba Giáo hoàng
Cuộc ly giáo kết thúc nhờ Công đồng Constancia (1413). Hoàng đế Sigismund đề nghị Ðức John XXIII (1410-1415) triệu tập Công đồng Constancia, rồi mời luôn hai vị Gregory XII (1406-1415) và Beneditô XIII (1394-1423) đến, nhưng hai vị này không tới. Riêng Ðức Gregory XII thì cho biết sẽ từ chức nếu hai vị kia cũng làm như vậy.
Tuy Ðức John XXIII hy vọng là mình sẽ được chọn làm Giáo hoàng nhưng khi thấy cả ba vị đều được yêu cầu từ chức thì bỏ trốn. Tuy nhiên Công đồng vẫn tiếp tục. Công đồng thấy vậy truất chức Ðức John XXIII. Chủ thuyết "quyền tối thượng thuộc về Công đồng" xuất hiện từ đó. Sau đó Ðức Gregory XII cử Ðức Hồng y Giovanni Domenici đại diện, tuyên bố thoái vị. Ðức Benedicto XIII vẫn không chịu từ chức, nhưng không được vua nào, kể cả vua Tây Ban Nha, ủng hộ. Ngài bị Công đồng cách chức.
Như vậy 1 vị từ chức, và 2 vị bị cách chức. Ngày 11 tháng 11 năm 1417 cử tri đoàn gồm cả Hồng y và 30 Giám mục thuộc các nước Pháp, Anh, Ðức, Ý và Tây Ban Nha, mỗi nước 5 vị, bầu Ðức Hồng y Otto Colonna, người Roma lên ngôi Giáo hoàng mới, tước hiệu Martin V (1417-1431).
Ngày nay, việc bầu Giáo hoàng được cách ly cẩn mật, mọi liên lạc với thế giới bên ngoài bị gián đoạn để không bị ảnh hưởng bởi những vấn đề của chính trị, thế quyền.
Theo H.Vinh
Vietnamnet