1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Trở ngại có thể cản đường thế giới dựng "phòng tuyến" diệt Covid-19

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng, câu trả lời khi nào đạt miễn dịch cộng đồng đang dần khó xác định hơn nhiều bởi lo ngại biến chủng mới cũng như tính hiệu quả khác nhau của các loại vắc xin.

Trở ngại có thể cản đường thế giới dựng phòng tuyến diệt Covid-19 - 1

Các nước trên thế giới đang nỗ lực tăng tốc tiêm chủng để đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng (Ảnh minh họa: AFP).

Theo SCMP, miễn dịch cộng đồng (xảy ra khi có đủ tỷ lệ dân số miễn dịch với Covid-19, nhờ đó hạn chế được làn sóng lây lan trong cộng đồng) là mục tiêu số một của các nước kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát trong hơn một năm qua.

Hiện nay, khi chỉ có một số ít các quốc gia đã tiêm vắc xin cho ít nhất 50% dân số, câu hỏi được đặt ra là khi nào các nước có thể đạt miễn dịch cộng đồng và nó sẽ diễn ra như thế nào. Trong bối cảnh các biến chủng mới đang đe dọa làm giảm hiệu quả của vắc xin cùng với thực tế là phần lớn dân số toàn cầu sẽ không được tiêm vắc xin trong năm nay, giới chuyên gia đang băn khoăn về thời điểm chính xác để có thể đạt được mục tiêu trên hoặc liệu các biến chủng mới có làm chệch hướng lộ trình đặt ra hay không.

Chuyên gia Kwok Kin-on, trợ lý giáo sư tại trường điều trị và Chăm sóc Sức khỏe JC thuộc đại học Trung Quốc cho biết: "Nếu chúng tôi nói mục tiêu cuối cùng để tuyên bố chấm dứt đại dịch là không còn lây nhiễm, thì tôi không chắc có thể đạt được… có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch cộng đồng".

Hai yếu tố quan trọng nhất có thể tác động tới miễn dịch cộng đồng là mức độ hiệu quả của vắc xin và khả năng lây nhiễm của virus. Cả hai đều có thể thay đổi khi xuất hiện biến chủng mới.

Các ước tính ban đầu về khả năng đạt miễn dịch cộng đồng đều mới chỉ dựa trên chủng virus ban đầu. Theo Giám đốc dịch tễ học Jodie McVernon tại Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne (Australia), vào thời điểm đó, giới khoa học ước tính là một người bệnh sẽ chỉ lây nhiễm cho trung bình từ 2-3 người khác. Tuy nhiên, các ước tính gần đây về những biến chủng mới đã cho thấy con số cao hơn, khiến những dự tính ban đầu cho khả năng miễn dịch cộng đồng cũng bị ảnh hưởng.

Theo bà Jodie McVernon, "chúng ta thực sự đang hướng đến mục tiêu đạt tỷ lệ tiêm vắc xin cao để ngăn chặn hoàn toàn việc lây nhiễm". Tuy nhiên, tiến sĩ Mike Ryan, người đứng đầu chương trình sức khỏe khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho rằng dù chiến lược này vẫn chưa có gì rõ ràng nhưng theo ông "chắc chắn là cần phải đạt tỷ lệ tiêm vắc xin 80%" mới có thể làm giảm đáng kể nguy cơ một ca bệnh nhập cảnh gây bùng phát dịch ở các quốc gia có mức độ lây nhiễm thấp.

Hiệu quả của vắc xin

Những chiến dịch tiêm vắc xin trên khắp thế giới chính là căn cứ quan trọng giúp xác định cụ thể các đặc điểm về "miễn dịch cộng đồng" cũng như cho thấy những thách thức tiềm tàng.

Theo nghiên cứu được công bố trong tháng này trên tạp chí Nature Medicine, tại Israel, tỷ lệ tiêm vắc xin cao với sản phẩm của Pfizer/BioNTech có liên quan đến "sự suy giảm đáng kể" làn sóng lây nhiễm ở trẻ em chưa được tiêm chủng và cho thấy tác dụng bảo vệ cộng đồng cao.

Tháng trước, các nhà nghiên cứu Brazil cho biết, khi nghiên cứu tại một thành phố nhỏ bên ngoài Sao Paulo thì thấy, những người không được tiêm vắc xin được bảo vệ khi khoảng 3/4 toàn dân số - và 95% người trưởng thành - được tiêm đầy đủ 2 liều vắc xin Sinovac. Tuy nhiên, theo các dữ liệu nghiên cứu và nguồn tin của chính quyền địa phương, mặc dù mức độ tiêm chủng cao, vẫn có những trường hợp nhiễm bệnh ở Sao Paulo. Và họ nhấn mạnh, tỷ lệ tiêm vắc xin cao không loại bỏ được nguy cơ lây nhiễm.

Một phần nguyên nhân ở đây là do hiệu quả của vắc xin. Trong số các vắc xin được WHO chấp thuận sử dụng, tỷ lệ hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng dao động từ 51-95%. Các chuyên gia cho biết, điều này có nghĩa là những người đã tiêm vắc xin cũng có nguy cơ nhiễm Covid-19 có triệu chứng và nhưng hy vọng không có những triệu chứng nghiêm trọng.

Joanna Kirman, phó giáo sư khoa vi sinh vật học và miễn dịch học ở Đại học Otago, New Zealand, cho biết: "Với một số loại vắc xin, hiệu quả đạt được là khoảng 80%, điều này vẫn có nghĩa là 20% người nhiễm bệnh sẽ có triệu chứng". Bà cho biết, "ngay cả khi đạt tỷ lệ tiêm chủng là hơn 50%, nước đó vẫn có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng nếu đó là một ca bệnh nhiễm biến chủng nguy hiểm và triệu chứng nặng".

Đó là mối lo ngại ở các quốc gia như Mỹ, nơi tỷ lệ lây nhiễm đã giảm đáng kể cùng với tỷ lệ tiêm vắc xin tăng - hiện đã ở mức hơn 45% dân số được tiêm đầy đủ - nhưng vẫn có khả năng lây nhiễm cộng đồng từ một biến chủng dễ lây lan. Ngoài ra, việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch cũng có nguy cơ làm bùng phát dịch ở những người chưa được tiêm vắc xin. Đây cũng có thể là một phần nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng đột biến ở Chile gần đây, ngay cả sau khi 40% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ, chủ yếu bằng vắc xin của Sinovac.

Tuy nhiên, chuyên gia Kwok lại cho rằng, cũng cần phải xem xét lại về các mức độ hiệu quả khác nhau của vắc xin vì nếu hiệu quả thấp thì cần tỷ lệ tiêm cao hơn mới có thể hạn chế lây lan.

Trong khi các quốc gia tung ra các loại vắc xin khác nhau với hiệu quả khác nhau cùng với các biện pháp kiểm soát khác nhau, thì kết quả chiến dịch tiêm vắc xin và rủi ro cũng sẽ khác trong vài năm tới.  Các chuyên gia cho biết hiện nay, những rào cản lớn nhất cho mục tiêu miễn dịch cộng đồng là hạn chế về nguồn cung vắc xin và phân phối không đồng đều

Hơn 2,6 tỷ liều Covid-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng hơn 1 tỷ liều trong số đó là được tiêm ở Trung Quốc, trong khi 25% còn lại là của 27 nền kinh tế giàu có nhất, theo dữ liệu từ Bloomberg. Do tốc độ triển khai ở một số khu vực chưa đủ nhanh, các biến chủng mới có nguy cơ ảnh hưởng đến tất cả nỗ lực của thế giới.

Một số chuyên gia đặt ra giả thuyết là cũng có thể có các đợt bùng phát Covid-19 theo mùa giống như bệnh cúm theo mùa.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm