1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Triều Tiên quốc tế hóa Kaesong, phớt lờ Hàn Quốc?

(Dân trí) - Chính quyền Triều Tiên ngày 18/10 khẳng định một nhóm công ty quốc tế sẽ phát triển một khu công nghệ cao mới tại Kaesong, gần khu công nghiệp vừa mở cửa trở lại. Trong khi đó các doanh nghiệp Hàn Quốc tại đây vẫn gặp nhiều khó khăn.

Theo hãng tin AFP, thông tin trên được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA phát đi trong ngày hôm qua. Thông báo trên được Triều Tiên đưa ra không lâu sau khi Hàn Quốc tuyên bố hôm thứ Hai rằng họ đã hoãn một kế hoạch quảng bá thu vốn hút đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp liên Triều.

Triều Tiên muốn đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào Kaesong
Triều Tiên muốn đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào Kaesong

Seoul khẳng định động thái nằm phản ánh những đi xuống gần đây trong mối quan hệ giữa hai nước, và tiến bộ chậm chạp trong các cuộc đàm phán nhằm khôi phục đầy đủ hoạt động tại Kaesong.

Khu công nghiệp trên đã bị đóng cửa hồi tháng 4 do căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tháng trước Bình Nhưỡng và Seoul đã đồng ý mở cửa trở lại nhưng mối quan hệ giữa hai bên có phần xấu đi.

KCNA cho biết Triều Tiên đã đạt được thỏa thuận xây dựng “một khu phát triển công nghệ cao” tại Kaesong với một nhóm các công ty Đông Á và Trung Đông, gồm Jurong Consultants và OKP Holdings của Singapore và công ty P&T Architects & Engineers Ltd có trụ sở tại Hồng Kông.

“Họ sẽ sớm bước vào giai đoạn triển khai dự án”, thông báo khẳng định, và cho biết thêm nhóm công ty này cũng đồng ý tham gia một liên doanh với Triều Tiên để xây dựng một tuyến đường cao tốc nối sân bay Bình Nhưỡng với thành phố.

Người phát ngôn Bộ thống nhất Hàn Quốc khẳng định không có bình luận chính thức nào, nhưng nhấn mạnh dự án trên “không liên quan gì đến khu công nghiệp Kaesong hiện có”.

Cùng lúc đó, tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên khẳng định hôm thứ Năm nước này đã khép lại một hội thảo quốc tế kéo dài hai ngày, với sự tham dự của chuyên gia từ các nước Mỹ, Trung Quốc, Canada, Ấn Độ và nhiều nước khác về phát triển các đặc khu kinh tế trên khắp cả nước.

Theo giáo sư Yang Moo-Jin tại đại học Triều Tiên tại Seoul, Bình Nhưỡng đang muốn gây sức ép với Hàn Quốc trong việc tăng cường đầu tư vào công nghệ cao tại Triều Tiên.

Thời gian qua, Hàn Quốc đã hối thúc Triều Tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp Kaesong hiện có, bởi họ tin rằng sự có mặt của các doanh nghiệp nước ngoài sẽ khiến Bình Nhưỡng khó đóng cửa khu công nghiệp này trong tương lai. Nhưng nhiều chuyên gia tỏ ra hoài nghi liệu có nhà đầu tư nào muốn tham gia một dự án do hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh điều hành.

Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Kaesong gặp khó

Trong khi đó, sau 5 tháng bị gián đoạn hoạt động sản xuất, các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Kaesong đang đối diện nhiều khó khăn sau khi được trở lại khu công nghiệp này, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc ngày 17/10 cho biết.

Những trở ngại chính họ gặp phải đó là khả năng thanh khoản và gây dựng lòng tin với khách hàng.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại Kaesong đang gặp khó
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại Kaesong đang gặp khó

Trong số 123 công ty Hàn Quốc từng có mặt tại Kaesong trước thời điểm đóng cửa, 118 công ty đã trở lại. Họ đang tuyển dụng tổng cộng 44.000 công nhân Triều Tiên, tương đương khoảng 80% con số 53.000 công nhân trước khi khủng hoảng nổ ra.

Sau một tháng trở lại hoạt động tính từ ngày 16/9, các doanh nghiệp này vẫn gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm do nhu cầu sụt giảm. Hệ quả là họ rơi vào tình trạng thiếu hụt tiền mặt, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh. Thêm vào đó họ cũng phải hoàn trả lại các khoản bồi thường từng nhận của chính phủ Hàn Quốc khi khu công nghiệp bị đóng cửa.

“Trong khi lợi nhuận của công ty vẫn ảm đạm do thiếu đơn hàng, tỷ suất vận hành thấp của nhà máy kèm theo lệnh hoàn trả tiền bồi thường đang tạo ra khó khăn kép”, lãnh đạo một doanh nghiệp tại Kaesong chia sẻ.

Theo Bộ thống nhất Hàn Quốc, chính phủ nước này đã chi trả khoảng 165 triệu USD tiền bảo hiểm cho 59 doanh nghiệp sau khi Kaesong bị đóng cửa. Nhưng nay khu công nghiệp này đã hoạt động trở lại nên doanh nghiệp được yêu cầu hoàn trả số tiền bảo hiểm này vào thứ Ba tới, nếu không họ sẽ bị áp dụng mức phạt 3% nếu trả chậm trong vòng 30 ngày, và 9% nếu trả chậm hơn 90 ngày.

“Chúng tôi đã dùng tiền bồi thường của chính phủ để trả các khoản vay ngân hàng”, lãnh đạo một công ty khác tại Kaesong phân trần. “Dù chúng tôi muốn tìm kiếm lợi nhuận nhưng chẳng hề có cơ hội nào”.

Thanh Tùng
Tổng hợp