1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên phóng tên lửa: Những cơ hội tình báo cho Mỹ

(Dân trí) - Mặc dù Mỹ và các đồng minh phản đối vụ phóng tên lửa dự kiến của Triều Tiên, nhưng họ cũng đang vội vã “chớp” lấy cơ hội hiếm hoi để đánh giá khả năng tấn công của Bình Nhưỡng bên ngoài lãnh thổ của nước này.

 

Triều Tiên phóng tên lửa: Những cơ hội tình báo cho Mỹ
Một vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên năm 2009.

 

Nếu Triều Tiên tiến hành vụ phóng, dự kiến diễn ra vào khoảng từ 12-16/4, Mỹ, Nhật và Hàn Quốc sẽ có nhiều thiết bị quân sự trong tay hơn bất kỳ thời điểm nào trước đó để lần theo đường đi của tên lửa và nếu cần sẽ bắn hạ nó.

 

Ngoài ra, họ sẽ phân tích mọi thứ từ vị trí rơi của các tầng của tên lửa đẩy, tới hình dạng của phần đầu tên lửa. Thông tin họ thu thập được có thể có ảnh hưởng lớn tới kế hoạch phòng thủ tại khu vực và các cuộc đàm phán vũ khí trong tương lai.

 

Các nhà hoạch định quân sự cũng muốn biết Triều Tiên đã tiến xa được đến đâu kể từ vụ phóng vệ tinh bất thành 3 năm trước. Trong khi đó, các nhà đàm phán vũ khí sẽ tìm hiểu xem tên lửa Triều Tiên phụ thuộc bao nhiêu vào công nghệ nước ngoài.

 

“Có rất nhiều thứ họ sẽ chờ đợi”, Narushige Michishita, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện nghiên cứu chính sách sau đại học của Nhật cho biết. “Nếu Triều Tiên đưa được vệ tinh vào quỹ đạo, điều đó có nghĩa là họ có thể đưa bất kỳ vật thể nào tới bất kỳ nơi nào trên toàn cầu, đem lại cho họ những ứng dụng liên lục địa”.

 

Hơn nữa giới phân tích có thể nhanh chóng kiểm chứng xem Triều Tiên khẳng định vụ phóng vệ tinh của họ là mang mục đích hòa bình là thật hay giả. Qua hình ảnh, các chuyên gia có thể dễ dàng ước tính tỉ lệ khối của các tầng tên lửa, một cách đo hiệu suất của chúng, và sẽ nhanh chóng giải đáp tên lửa được thiết kế chỉ là để cho một vụ phóng vệ tinh hay là tên lửa tầm xa. Họ cũng sẽ theo dõi tên lửa đi tới đâu.

 

Triều Tiên cho biết họ sẽ phóng vệ tinh vào quỹ đạo vùng cực. “Các vùng tách” cho các tầng của tên lửa cho thấy nó sẽ đi về phía nam qua biển Hoa Đông và Thái Bình Dương, thay vì hướng đông như vụ phóng năm 2009, vụ phóng đã  đưa tên lửa bay thẳng qua đảo chính của Nhật Bản.

 

Điều đó có thể chứng tỏ Triều Tiên hiện đang thận trong hơn trước phản ứng của các nước láng giềng, mặc dù nước này đã cảnh báo các nước khác như Philippines có thể nằm trong đường bay của tên lửa. Song vụ phóng cũng có thể có những ứng dụng quân sự.

 

Nếu Triều Tiên định tấn công nước Mỹ, theo Michishita, tên lửa chắc chắn sẽ được phóng theo hướng bắc. Song Triều Tiên không thể tiến hành một vụ phóng như thế bởi nó sẽ làm Nga và Trung Quốc nổi giận vì hai nước này nằm dưới đường đi của tên lửa. Phóng tên lửa theo hướng nam có thể cung cấp những dữ liệu tương tự.

 

Trên thực tế để đạt được các tầng tách của tên lửa là cả một hành trình đầy khó khăn. Trong vụ phóng năm 2009, các tầng hầu như không tiến được vào vùng tách của chúng, cho thấy chúng có sức đấy thấp hơn dự kiến.

 

Tuy nhiên, các nhà phân tích nhấn mạnh nếu phóng thành công không có nghĩa là Triều Tiên có thể tiến hành được một vụ tấn công nhằm vào nước Mỹ.

 

Triều Tiên vẫn còn một chặng đường dài để thử nghiệm các công nghệ cần có để tên lửa quay trở lại – phần quan trọng để bắn tên lửa, mà các vụ phóng vệ tinh không yêu cầu.  Và mặc dù Triều Tiên được tin là có khả năng sản xuất vũ khí hạt nhân, nhưng nước này vẫn chưa có khả năng làm nhỏ chúng để đặt lên đầu đạn. Để làm được điều này sẽ cần phải có một cuộc thử nghiệm hạt nhân khác, điều Triều Tiên chưa làm từ năm 2009.

 

Bản thân tên lửa phóng lại là một vấn đề khác và tên lửa Triều Tiên đã có “lịch sử” thất bại.

 

Tên lửa Unha-3 dự kiến được sử dụng trong vụ phóng tới được tin là bản cải tiến của tên lửa đạn đạo tầm xa Taepodong-2, là sự tổng hòa của thiết kế nội địa và thiết kế thời Liên Xô cũ và cũng có thể là của Iran.

 

Triều Tiên đã phóng tên lửa Taepodong-2 lần đầu tiên vào năm 2006 và nó đã phát nổ 40 giây sau khi được phóng đi. Trong lần phóng tiếp theo vào năm 2009, tên lửa đã rời bệ phóng và đã đi theo đúng đường đi đã định, song giới phân tích tin rằng tầng thứ 3 của nó đã không tách đúng cách, khiến tên lửa và vệ tinh nó mang theo rơi xuống Thái Bình dương.
 
Chưa thể sở hữu tên lửa vươn tới Mỹ

 

Mặc dù vậy, hai nhà vật lý David Wright và Theodore Postol thuộc Hiệp hội các nhà khoa học của Mỹ cho biết vụ phóng 2009 đã chứng tỏ bước tiến mới so với tên lửa Taepodong-1. Nếu được nâng cấp thành tên lửa đạn đạo, nó có thể cho Triều Tiên khả năng vươn tới Mỹ với đầu đạn nặng một tấn.

 

Trong phân tích về vụ phóng năm 2009, Wright và Postol đánh giá Triều Tiên phụ thuộc phần lớn vào linh kiện của nước ngoài, như Nga. Nếu dữ liệu của vụ phóng sắp tới xác nhận điều này, chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ bị bó hẹp trong khả năng kiếm được các thiết bị mới từ nước ngoài.

 

Điều này cũng định hình cho các cuộc đàm phán tương lai. Nếu Triều Tiên hết những thiết bị mà họ cần, chắc chắn họ không thể tiến hành các cuộc thử tên lửa thường xuyên và có thể sẽ sẵn sàng đồng ý ngưng các vụ thử. Và như vậy việc cấm thêm nước này nhập khẩu sẽ phát huy tác dụng, nếu Triều Tiên không tự sản xuất được những gì họ cần.

 

Những gì các nhà phân tích tìm ra sẽ định hình cho kế hoạch an ninh khu vực trong những năm tới, như đã từng thấy trong vụ phóng vệ tinh đầu tiên của Triều Tiên vào năm 1998.

 

Mỹ và Nhật đã phản ứng với vụ phóng khi đó bằng việc đổ hàng tỉ đô la vào tấm lá chắn tên lửa đạn đạo tiên tiến nhất thế giới. Tấm lá chắn bao gồm một mạng lưới tên lửa đánh chặn SM-3 trên biển và tên lửa PAC-3 Patriot trên đất liền.

 

Nhật hiện đang triển khai các đơn vị PAC-3 trên Okinawa, gần đường đi của vụ phóng sắp tới. Okinawa cũng là nơi chiếm hơn một nửa trong tổng số 50.000 binh lính Mỹ đang đồn trú tại Nhật. Họ cũng đang triển khai các đơn vị PAC-3 ở Tokyo, dù nơi này nằm khá xa đường đi dự tính của tên lửa. Hàn Quốc cũng có những động thái tương tự, mặc dù nước này không làm vậy trong vụ phóng năm 2009.

 

Mỹ cũng sẽ theo dõi với thiết bị chưa có vào năm 2009: hệ thống radar X-Band trên biển (SBX), đã lên một tàu hải quân rời Chân Châu Cảng hồi cuối tháng trước.

 

Giới chức Mỹ cho biết hệ thống SBX mạnh tới mức nó có thể lần theo được đường đi của vật thể bé bằng quả bóng chày, bay từ cách đó 4.000km. Hơn nữa, nếu vệ tinh quân sự của Mỹ phát hiện thấy ánh sáng nhiệt lóe lên từ một vụ phóng tên lửa ở Triều Tiên, trong vòng một phút, các máy tính có thể lên kế hoạch cho một đường đạn và chia sẻ thông tin đó với Nhật.

 

Tokyo và Seoul cảnh báo họ sẽ dùng tên lửa đánh chặn nếu lãnh thổ của họ bị đe dọa, mặc dù nhiều khả năng trường hợp này không xảy ra. Không có một nước nào trên thế giới từng nhắm bắn một vụ phóng vệ tinh của các nước khác. Nếu không có gì bất thường, tên lửa Triều Tiên sẽ có đường bay hầu hết là trên vùng biển, chứ không phải vùng dân cư.

 

“Cho dù tên lửa có đến gần các đảo ở tây nam của chúng tôi hay không, nó cũng sẽ có những ứng dụng quan trọng cho các hệ thống phòng thủ tên lửa của chúng tôi và cách các hệ thống này nên được điều chỉnh trong tương lai”, Hiroyasu Akutsu, một chuyên gia cấp cao tại Viện nghiên cứu quốc phòng quốc gia, cơ quan phân tích của Bộ Quốc phòng Nhật cho biết.

 

Vũ Quý

Theo AP