1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Triều Tiên muốn học tập mô hình của Singapore hoặc Thụy Sĩ

(Dân trí) - Triều Tiên hiện đang xem xét thực hiện một kế hoạch quy mô lớn nhằm trở thành điểm trung chuyển vận tải trong khu vực, học tập theo thành công của mô hình Singapore và Thụy Sĩ.

Thủ đô Bình Nhưỡng nhìn từ trên cao (Ảnh: Reuters)
Thủ đô Bình Nhưỡng nhìn từ trên cao (Ảnh: Reuters)

Hãng tin AP dẫn lời nhà kinh tế Ri Ki-song của viện Kinh tế thuộc Học viện Khoa học Xã hội Triều Tiên cho biết, Bình Nhưỡng đang xem xét thực hiện kế hoạch nhằm trở điểm trung chuyển vận tải trong khu vực, hướng tới tham vọng thành công như Singapore hay Thụy Sĩ. Triều Tiên đồng thời cũng cởi mở với những cơ hội trở thành thành viên các tổ chức tài chính thế giới như quỹ tiền tệ quốc tế IMF.

Ông Ri nói rằng dù Triều Tiên vẫn đang bị quốc tế trừng phạt nhằm kiềm chế tham vọng hạt nhân nhưng trong nhiều năm qua, nền kinh tế Bình Nhưỡng vẫn có sự tăng trưởng nhất định. GDP Triều Tiên năm 2013 là gần 25 tỷ USD, tới năm 2016 tăng lên 29,6 tỷ USD và đạt mốc 30,7 tỷ USD năm 2017.

Tuy nhiên, một số chuyên gia tỏ ra hoài nghi về con số thống kê mà Triều Tiên đưa ra. Một báo cáo do ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố hồi tháng 7 cho biết GDP của Triều Tiên giảm 3,5% vào năm 2017, con số giảm cao nhất kể từ những năm 1990.

Mặc dù vậy, ông Ri cho rằng nguyên nhân dẫn tới sự tăng trưởng của kinh tế Triều Tiên là vì các lệnh trừng phạt đã khiến nước này tìm cách thích nghi cũng như trở nên tự chủ hơn. Theo chuyên gia này, Triều Tiên đã sáng chế ra một loại phân bón mới chiết xuất từ nguồn than đá trong nước, và có những tiến triển trong phương pháp sản xuất thép và kim loại. Tất cả những thay đổi trong bối cảnh bị lệnh trừng phạt bủa vây đã khiến Triều Tiên mạnh mẽ hơn trong việc phát triển nền kinh tế, theo ông Ri.

Chuyên gia Ri bày tỏ sự lạc quan về tình hình hiện tại của Triều Tiên sau những cuộc gặp thượng đỉnh của nhà lãnh đạo Kim Jong-un với các nhà lãnh đạo thế giới như Tổng thống Hàn Quôc Moon Jae-in, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Chúng ta đang cảm nhận bầu không khí xung quanh Triều Tiên đã có nhiều sự thay đổi”, ông Ri nói.

Triều Tiên được cho là sở hữu kho tài nguyên khoáng sản trị giá hàng nghìn tỷ USD. (Ảnh minh họa: AFP)
Triều Tiên được cho là sở hữu kho tài nguyên khoáng sản trị giá hàng nghìn tỷ USD. (Ảnh minh họa: AFP)

Ông Ri cho rằng nếu các lệnh trừng phạt bị gỡ bỏ và tình hình chính trị trở nên tích cực hơn, Triều Tiên có thể “vươn mình” trở thành những quốc gia như Thụy Sĩ và Singapore, ám chỉ “những quốc gia có ít tài nguyên và lãnh thổ nhỏ nhưng đã biến yếu tố địa lý trở thành lợi thế to lớn”.

“Chúng tôi nằm ở trung tâm của Đông Á vì vậy bán đảo Triều Tiên cũng như Bình Nhưỡng có lợi thế địa lý to lớn. Trong tương lai, chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng hợp tác với các nước láng giềng nhằm phát triển ngành vận tải. Nếu chúng tôi có thể thông tuyến đường sắt từ Hàn Quốc tới Siberia (Nga), rất nhiều quốc gia sẽ lựa chọn phương thức vận tải qua tuyến đường này thay vì đường biển”, chuyên gia Triều Tiên nói.

Trên thực tế, ý tưởng này đã được Triều Tiên nỗ lực thực thi trong nhiều năm qua. Bình Nhưỡng hiện đã có đường xe lửa nối với Nga, Trung Quốc và Hàn Quốc. Tổng thống Moon Jae-in cũng thể hiên quan điểm ủng hộ việc khởi động lại dự án hợp tác đường xe lửa liên Triều càng sớm càng tốt.

Theo AP, trước khi những nỗ lực của Triều Tiên có triển vọng trở thành hiện thực, rõ ràng Mỹ cần phải gỡ bỏ “áp lực tối đa” mà cụ thể là lệnh trừng phạt Triều Tiên và những bên có quan hệ làm ăn với Bình Nhưỡng. Dù chính quyền ông Trump bày tỏ sự hài lòng với thiện chí của phía Triều Tiên trong thời gian, nhưng họ cũng thể hiện quan điểm cứng rắn rằng lệnh trừng phạt sẽ giữ nguyên chừng nào Bình Nhưỡng có những bước đi rõ ràng và cụ thể trong tiến trình phi hạt nhân hóa.

Ngoài ra, việc Triều Tiên tham gia vào các tổ chức tài chính quốc tế cũng sẽ là cơ hội để nước này thu hút vốn đầu tư phát triển kinh tế. Trước đó, ông Moon cho biết ông Kim Jong-un thể hiện mong muốn có thể tham gia IMF hay Ngân hàng Thế giới World Bank. Tuy nhiên, để có thể tham gia vào những tổ chức này, Triều Tiên cần phải tái cấu trúc gần như toàn bộ nền kinh tế và minh bạch công khai hơn trong việc công bố thông tin về nền kinh tế.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu Bình Nhưỡng có sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của tổ chức quốc tế để trở thành thành viên hay không, ông Ri từ chối bình luận thêm. Ông cho rằng đây không phải là vấn đề từ Triều Tiên mà là từ cộng đồng quốc tế.

“Do các lệnh trừng phạt và các động thái có tính thù địch từ Mỹ và Nhật Bản, chúng tôi đã thất bại trong việc gia nhập tổ chức quốc tế”, ông Ri nói, nhắc lại việc Triều Tiên từng không thành công trong việc gia nhập ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) những năm 1990. “Nếu chúng tôi không thể tham gia các tổ chức khu vực, thì việc tham gia tổ chức quốc tế sẽ còn khó khăn hơn”, ông Ri nhận định.

Đức Hoàng

Theo SCMP