1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Triều Tiên kêu gọi Liên Hợp Quốc xét lại lệnh trừng phạt

(Dân trí) - Phái đoàn Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc ngày 12/5 đã kêu gọi các nước thành viên của tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới xem xét lại việc thực thi các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này.

Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Ảnh: Reuters)
Một phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (Ảnh: Reuters)

Theo Yonhap, trong thông cáo báo chí được công bố hôm 12/5, ngoài kêu gọi các nước thành viên của Liên Hợp Quốc xem xét lại việc thực thi các lệnh trừng phạt, phái đoàn Triều Tiên cũng cho rằng Mỹ đã tìm cách "hăm dọa" và buộc các nước khác phải áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng, nếu không, “các nước này sẽ phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt mạnh tay từ Washington”.

Phái đoàn Triều Tiên cho biết việc cộng đồng quốc tế tìm cách trừng phạt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng của Bình Nhưỡng ở một số nước là điều vô nghĩa, đồng thời cho rằng cách trừng phạt này chẳng khác nào xem những nhà hàng hoàn toàn bình thường đó giống như những nhà máy chế tạo tên lửa hoặc vũ khí hạt nhân.

Thông cáo báo chí của Triều Tiên được đưa ra sau khi một nhóm các chuyên gia phụ trách về vấn đề trừng phạt Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an hối thúc các thành viên của Liên Hợp Quốc đẩy nhanh việc thực thi các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng trên cơ sở các nghị quyết 2270 và 2321 của Hội đồng Bảo an.

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã chủ trì một phiên họp cấp bộ trưởng đặc biệt và kêu gọi các nước thành viên của Liên Hợp Quốc đình chỉ hoặc giáng cấp quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, đồng thời cắt đứt quan hệ thương mại với Bình Nhưỡng để nước này không còn nguồn thu trong việc phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi.

Trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang đẩy mạnh các biện pháp gây sức ép với Triều Tiên, bao gồm việc hối thúc Trung Quốc, đồng minh duy nhất và là đối tác thương mại lớn nhất với Bình Nhưỡng, hành động cứng rắn hơn trong việc kiềm chế quốc gia láng giềng.

Thành Đạt

Theo Yonhap