Triều Tiên dọa thử hạt nhân: Tìm hiểu thái độ của Trung Quốc
(Dân trí) - Đồng minh lớn duy nhất của Triều Tiên, Trung Quốc, hôm nay đã kêu gọi “tất cả các bên liên quan” kiềm chế sau khi Bình Nhưỡng cho biết đã lên kế hoạch thực hiện vụ thử hạt nhân lần ba và thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa nữa nhằm vào Mỹ.
Bãi thử nghiệm hạt nhân ngầm ở Puggye-ri, phía Đông Bắc Triều Tiên.
“Tất cả các bên liên quan phải kìm chế, tránh hành động có thể leo thang tình hình ở khu vực”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết với các phóng viên ở Bắc Kinh.
Trung Quốc hi vọng các bên sẽ “bình tĩnh, thận trọng trong lời nói và hành vi, hướng tới lợi ích lâu dài và thúc đẩy nối lại bàn đàm phán 6 bên”, ông nhắc tới bàn đàm phán về chương trình hạt nhân của Triều Tiên đã bị ngưng trệ từ lâu.
Bình luận của ông Hồng Lỗi được đưa ra sau khi Ủy ban quốc phòng Triều Tiên công kích Mỹ và dọa sẽ tiến hành thử hạt nhân, một phần trong “hành động tổng lực sắp tới” của cơ quan này. Tuy nhiên, Triều Tiên không nêu rõ sẽ tiến hành vụ thử vào thời gian nào.
“Chúng tôi không giấu giếm chuyện chúng tôi sẽ tiếp tục phóng nhiều vệ tinh và tên lửa tầm xa khác nhau, cũng như sẽ tiến hành thử hạt nhân cấp độ cao, nhằm vào kẻ thù tinh quái Mỹ”, Ủy ban này ra tuyên bố cho biết.
Trung Quốc hiện là nhà cung cấp năng lượng và đối tác thương mại hàng đầu của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh vào tuần này đã ủng hộ một nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, theo đó lên án vụ phóng tên lửa vào tháng trước của Bình Nhưỡng và mở rộng các lệnh trừng phạt với nước này.
Shi Yinhong, giáo sư về quan hệ quốc tế tại đại học Renmin ở Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc có rất ít ảnh hưởng đối với giới lãnh đạo Triều Tiên trong khía cạnh phát triển quân sự.
“Nhìn chung các vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa là yêu cầu chính trị nội địa và yêu cầu về tư tưởng. Không chỉ Trung Quốc mà thế giới bên ngoài cũng rất khó gây ảnh hưởng,” ông nhận định.
Bắc Kinh liên tục kêu gọi “các bên liên quan” kiềm chế và cho rằng đẩy Bình Nhưỡng vào chân tường có thể gây ra phản ứng làm bất ổn nghiêm trọng bán đảo Triều Tiên và khu vực.
Theo các nhà ngoại giao, Nghị quyết của Hội đồng bảo an là kết quả của quá trình đàm phán dài và quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ, với Bắc Kinh muốn “che chở” cho Bình Nhưỡng thoát khỏi các biện pháp trừng phạt mạnh hơn.
Ông Shi cho rằng động thái ủng hộ nghị quyết của Trung Quốc, nước có quyền phủ quyết ở Hội đồng bảo an, là một tín hiệu cho thấy Trung Quốc muốn xây dựng một mối quan hệ gần gũi hơn với Washington, tìm kiếm nối lại tình hữu nghị vào thời điểm tranh chấp lãnh thổ với Nhật vẫn âm ỉ.
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ đã ra cảnh báo “ngầm” rằng Bắc Kinh chớ có thách thức Nhật trong việc quản lý quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên Hoa Đông.
“Trung Quốc muốn thể hiện một bước nhượng bộ lớn trước Mỹ về vấn đề Triều Tiên, để gây ảnh hưởng tới hành động của Mỹ trong cuộc đối đầu Trung-Nhật”, ông Shi nhận định.
“Nếu không, bạn không thể giải thích vì sao Trung Quốc lại đột ngột thay đổi thái độ như vậy. Họ muốn gây ảnh hưởng tới quan điểm của Mỹ trên vấn đề Điếu Ngư”, ông khẳng định thêm.
Vũ Quý
Theo AFP