1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Triều Tiên có thành mặt trận mới để Mỹ và Trung Quốc “so găng”?

Nếu Mỹ và Trung Quốc muốn hợp tác về vấn đề Triều Tiên, hai nước cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề khúc mắc đặc biệt là chiến tranh thương mại.

Cùng với sức nóng của thương chiến Mỹ-Trung, tình hình Bán đảo Triều Tiên tiếp tục nóng trở lại khi Triều Tiên vừa phóng các quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn cuối tuần trước. Và đây chỉ là một trong số hàng loạt vụ phóng thử vũ khí hiện đại mà Triều Tiên tiến hành thời gian gần đây.

Triều Tiên có thành mặt trận mới để Mỹ và Trung Quốc “so găng”? - 1

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un cười tươi trước bệ phóng tên lửa đa nòng siêu lớn của nước này. Ảnh: Rodong Sinmun.

Dù việc Triều Tiên liên tục thử vũ khí cũng đã khiến cộng đồng quốc tế có những phản ứng trái ngược nhau, nhưng ở một góc nhìn khác, những diễn biến căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên khiến dư luận đặt câu hỏi: sau thương mại, “Triều Tiên liệu có thể trở thành một mặt trận mới, tạo thế đối đầu mới giữa Mỹ và Trung Quốc hay không”? Bởi đã có những tín hiệu dự báo thương chiến Mỹ-Trung có thể chuyển sang một dạng thức khác. Hay cũng có thể nói cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ tác động ra sao đến vấn đề Triều Tiên?

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV, PGS, TS Liudmila Kupina, nhà phân tích Viện Nghiên cứu Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế Primakov (Nga), chuyên gia nghiên cứu về tình hình Bán đảo Triều Tiên đã phân tích về vấn đề này.

PV: Thưa bà, trước tiên bà nhận định như thế nào về các động thái của Triều Tiên thời gian gần đây?

PGS Liudmila Kupina: Nhìn vào các động thái gần đây, có thể thấy vấn đề Triều Tiên sẽ không thể giải quyết một sớm một chiều, thậm sẽ diễn ra rất lâu dài, có thể trong 20 năm tới. Các vụ phóng thử tên lửa hay vũ khí của Triều Tiên thời gian gần đây cho thấy là nước này đang lo ngại “bị sao nhãng” và họ muốn các nước dồn sự chú ý trở lại với vấn đề hạt nhân của họ. Việc Mỹ và Hàn Quốc tiến hành các cuộc tập trận chung mới đây không phải là một quyết định hay bởi Triều Tiên luôn nói rằng, điều này gây tác động xấu đến Triều Tiên và có thể đẩy tình hình khu vực rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là tình hình kinh tế của Triều Tiên. Nhiều chuyên gia nhận định kinh tế Triều Tiên đang rất tệ và có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào. Trừ khi Triều Tiên có được giải pháp để cứu nền kinh tế thì mọi chuyện rất khó thay đổi.

PV: Bà vừa phân tích về những khó khăn về kinh tế mà Triều Tiên phải đối mặt. Vậy vì sao kinh tế lại trở thành yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đối Triều Tiên?

PGS Liudmila Kupina: Phát triển kinh tế là rất quan trọng đối với cả Triều Tiên và Hàn Quốc bởi cả hai bên đang tìm những cách thức mới để phát triển kinh tế cũng như hợp tác kinh tế với Nga và Trung Quốc và khu vực Á-Âu, đặc biệt là vùng Trung Á như Kazakhstan, Uzbekistan hay Turkmenistan. Nếu kế hoạch này thành công, cả hai miền Triều Tiên sẽ rất phát triển về kinh tế và đạt được mục tiêu hòa bình trong khu vực. Vì chỉ có kinh tế mới có đủ sức “níu giữ” để quan hệ liên Triều không xấu đi.

PV: Kinh tế là yếu tố để thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Vậy bà đánh giá như thế nào về vai trò của Trung Quốc đối với Triều Tiên trên phương diện này?

PGS Liudmila Kupina: Trung Quốc luôn muốn duy trì tình trạng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cũng đã bày tỏ quan điểm của mình về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Nhưng theo tôi, Trung Quốc không quan tâm nhiều đến việc phát triển kinh tế ở cả hai miền Triều Tiên nhưng cũng không muốn kinh tế Triều Tiên bị suy sụp bởi điều này có thể khiến một số lượng lớn người tị nạn Triều Tiên đổ dồn sang Trung Quốc. Đây không phải là một kết cục mà Trung Quốc mong đợi.

PV: Vậy thì các hành động của Mỹ sẽ tác động như thế nào đối với chính sách của Triều Tiên, khi Tổng thống Trump tuyên bố các vụ phóng của Triều Tiên không vi phạm các thỏa thuận Mỹ-Triều đạt được trước đó?

PGS Liudmila Kupina: Tôi cho rằng Mỹ đóng vai trò hết sức quan trọng đối với khu vực, tầm ảnh hưởng của họ rất lớn đến mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cũng như đối với cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, theo tôi, cá nhân ông Trump muốn lái các cuộc đàm phán theo ý của mình. Ông ấy dành rất nhiều sự quan tâm cho vấn đề này và sự tương đồng trong cá tính mạnh mẽ của cả hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên có thể chính là chìa khóa để cả hai bên tiếp tục đối thoại với nhau.

PV: Chúng ta đều biết là thương chiến Mỹ-Trung đang diễn ra rất gay gắt khi hai bên liên tục áp các mức thuế cao nhằm vào hàng hóa của nhau. Theo bà, Triều Tiên liệu có thể trở thành một mặt trận mới giữa Mỹ và Trung Quốc?

PGS Liudmila Kupina: Xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ trở nên hết sức nghiêm trọng trong tương lai bởi lợi ích của hai bên là rất khác biệt. Nếu Mỹ và Trung Quốc muốn hợp tác trong vấn đề Triều Tiên, hai nước cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề còn khúc mắc đặc biệt là chiến tranh thương mại. Điều này có thể gây ra những tác động xấu đối với tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tất cả các nước như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ phải cân nhắc về sự khác biệt trong cách tiếp cận và chính sách của mình đối với vấn đề phi hạt nhân hóa. Đây là một trở ngại không dễ vượt qua bởi điều này sẽ tiêu tốn rất nhiều thời gian.

PV: Xin cảm ơn PGS, TS Liudmila Kupina, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế thế giới và Quan hệ quốc tế Primakov (Nga) về cuộc trao đổi này.

Theo Hồ Điệp

VOV1

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm