1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trào lưu "tiết kiệm phục thù" của giới trẻ Trung Quốc

CTV

(Dân trí) - Thay vì vung tiền vào những lần mua sắm không suy nghĩ, giới trẻ Trung Quốc đang có xu hướng "thắt lưng buộc bụng" trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang đối mặt với những thách thức.

Trào lưu tiết kiệm phục thù của giới trẻ Trung Quốc - 1

Trào lưu "thắt lưng buộc bụng" đang nổi lên trong giới trẻ Trung Quốc (Ảnh: SCMP).

Khi trào lưu "mua sắm phục thù" hay "chi tiêu phục thù" nhằm giải tỏa tinh thần sau khoảng thời gian bí bách vì dịch Covid-19 đang làm mưa làm gió ở phương Tây thì tại Trung Quốc lại diễn ra tình huống ngược lại, trào lưu "tiết kiệm phục thù".

"Tiết kiệm phục thù" đang trở thành một trào lưu trên các trang mạng xã hội Trung Quốc khi thanh thiếu niên tại quốc gia này đặt ra những mục tiêu tiết kiệm hàng tháng một cách chặt chẽ.  

Một cô gái 26 tuổi với tài khoản mang tên "Little Zhai Zhai" chia sẻ những nỗ lực nhằm giữ cho mức chi tiêu hàng tháng chỉ ở con số 300 nhân dân tệ (41,28 USD). Tài khoản này mới đây cũng đã đăng tải một video về cách cô cắt giảm tiền ăn hàng ngày xuống chỉ còn 10 nhân dân tệ (1,38 USD).

Những người dùng khác trên mạng xã hội đang tìm kiếm các những người cùng tiết kiệm để xây dựng một cộng đồng nhằm bảo đảm các thành viên thực hiện đúng mục tiêu của mình.

"Thế hệ hiện tại không vung tay quá trán và vay mượn chỉ để mua những sản phẩm xa xỉ như túi Gucci và điện thoại iPhone như thanh thiếu niên những năm 2010", giám đốc điều hành China Market Research Group Shaun Rein chia sẻ với CNBC.

Giới trẻ Trung Quốc giờ đây nỗ lực cắt giảm chi tiêu, tích cực "săn" các mã giảm giá và ưu đãi khi mua sắm) trong nỗ lực siết chặt hầu bao.

Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với xu hướng chung của giới trẻ trên thế giới, đặc biệt là thế hệ Z (những người sinh trong khoảng 1997 - 2012). Theo báo cáo Chỉ số thịnh vượng của Intuit, thay vì cắt giảm chi tiêu để tiết kiệm thì 73% người trong thế hệ Z tại Mỹ cho biết họ thà có một cuộc sống chất lượng cao hơn là có thêm tiền trong tài khoản ngân hàng.

Báo cáo gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho biết tổng số tiền gửi từ các hộ gia đình vào quý đầu năm 2024 đã tăng trưởng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. GDP quý đầu của Trung Quốc cũng vượt kỳ vọng, đạt mức tăng trưởng 5,3% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định nền kinh tế đang đối mặt với thách thức của Trung Quốc là một lý do khiến giới trẻ quyết tâm tiết kiệm.

Thị trường lao động khan hiếm cũng góp phần vào tình trạng khó khăn này, theo chia sẻ của chuyên gia với CNBC.

"Đối với một số người trẻ, đơn giản vì họ không thể tìm được một công việc hoặc họ cảm thấy thật khó để cải thiện thu nhập cá nhân. Họ không có cách nào khác ngoài việc phải chi tiêu ít đi", trợ lý giáo sư tại đại học New York cơ sở Thượng Hải, Jia Miao, cho biết.

Tỷ lệ thất nghiệp của những người trong độ tuổi từ 16 đến 24 là 14,2% vào tháng 5, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 5% toàn quốc. Mặc dù không có số liệu chính thức về thu nhập hàng tháng của cử nhân đại học, một cuộc khảo sát đã cho thấy người có bằng đại học đạt mức lương trung bình 6.050 nhân dân tệ (832 USD) 1 tháng vào năm 2023, tăng 1% so với năm trước, theo các báo cáo nội địa do MyCOS công bố.

"Sự tự do và tinh thần nổi loạn đã biến mất khỏi giới trẻ. Sẽ mất nhiều năm, nếu không phải là lâu hơn nữa để thị trường phục hồi trở lại trước khi (họ) cảm thấy thoải mái để chi tiêu phục thù", ông Rein chia sẻ.

Phương Ngân

Theo CNBC