1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tranh chấp lãnh thổ châm ngòi cho cuộc chiến tranh lạnh mới?

Dù trong bất kỳ trường hợp nào, có một điều đang trở nên rõ ràng hơn - là sự gia tăng quyết liệt của Trung Quốc và nhiệm vụ khôi phục lại mình của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương đang mở ra một giai đoạn mới của một cuộc chiến tranh lạnh mới.

 

"Hạm đội tàu ngầm của Trung Cộng chứng tỏ có thể là một mối đe dọa lớn đối với tàu chiến Mỹ", đó là nhan đề bài viết của tác giả Albert Ravenholt đăng trên báo Chicago Daily năm 1964, khi đề cập tới mối đe dọa dưới nước mà phía quân đội của Mao Trạch Đông có thể gây ra đối với các lực lượng hải quân Mỹ bố trí tại khu vực ngoài khơi Biển Đông Việt Nam.

 

Tàu ngầm của Trung Quốc do Nga cung cấp, đóng quân tại đảo Hải Nam, mỏm đất phía cực nam Trung Quốc đại lục, ở phía bên kia Vịnh Bắc Bộ. Ở thời điểm đó, ước tính Trung Quốc có khoảng 30-40 chiếc đang hoạt động, tương đương đội tàu có số lượng tàu lớn thứ tư thế giới, chỉ sau Nga, Mỹ và Anh.

 

Gần 48 năm trôi qua, nhiều điều đã thay đổi những cũng có những điều vẫn tiếp tục quỹ đạo của nó. Từ khi Ravenholt bắt đầu viết báo hồi còn ở Thượng Hải những năm 1940 trong lúc cuộc chiến tranh Trung-Nhật đang diễn, đến khi qua đời năm 2010, ở tuổi 90, Trung Quốc vẫn rực sắc đỏ, mặc dù sắc thái ý thức hệ đã ngả sang chủ nghĩa dân tộc hơn sau ba thập niên phát triển thịnh vượng.

 

Trung Quốc cũng đã hiện đại hóa quân đội tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc đặt ra những mục tiêu chi tiêu quân sự quan trọng, nỗ lực bắt kịp sức mạnh công nghệ của phương Tây thông qua xây dựng những vũ khí dẫn đường chính xác hiện đại, cùng khả năng chống tên lửa và chiến tranh mạng.

 

Năm ngoái, Trung Quốc công bố chiếc chiến đấu cơ tàng hình Chengdu J-20, theo kế hoạch sẽ đi vào hoạt động từ khoảng năm 2017-2019.

 

Trung Quốc còn thiết lập một hệ thống tên lửa trên đất liền chống tàu biển để hạn chế khả năng các quốc gia khác tự do đi lại trong các vùng biển khu vực, bao gồm cả vùng nước quanh các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam - người dịch) nơi ước tính có chứa trữ lượng dầu mỏ và khí gas lớn thứ tư thế giới.

 

Nhằm tạo khả năng nâng tầm sức mạnh, Trung Quốc đã thực hiện xây dựng một hạm đội tàu nhỏ gồm ít nhất ba tàu sân bay. Năm 1998, một thời gian sau khi Liên Xô tan rã, Trung Quốc đã mua 1 tàu sân bay ngừng hoạt động của Ukraine được thiết kế đặc biệt cho chiến đấu chống tàu ngầm. Chiếc tàu Varyag này theo kế hoạch ban đầu là xây dựng thành một khách sạn và sòng bạc nổi ngoài khơi Macau, nhưng năm ngoái, Hải quân Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) tuyên bố, tàu đã được tân trang lại nhằm phục vụ "nghiên cứu, thí nghiệm và đào tạo".

 

Nói cách khác, rất nhiều khả năng nó đang được sử dụng để phát triển thành một tàu sân bay trong tương lai.  Tàu dự kiến được đưa vào sử dụng vào khoảng cuối năm nay, với khả năng vận chuyển 30 máy bay chiến đấu J-15, nhiều trực thăng và một thủy thủ đoàn khoảng 2.000 người.

 

Liên tục tăng trưởng bình quân trên 10%/năm từ những năm 1990, chi tiêu quân sự của Trung Quốc hiện đã sắp lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ vượt trên châu Âu.

 

Theo bản đánh giá cân bằng quân sự toàn cầu của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh Quốc), ngân sách quốc phòng của Trung Quốc vẫn tiếp tục đà tăng mạnh, nếu không nói là đáng báo động, kể từ sau khủng hoảng tài chính thế giới 2008, trong khi ngân sách của Mỹ và châu Âu có chiều hướng giảm. Viện này dự báo chi tiêu quân sự của Trung Quốc sẽ vượt qua tổng chi tiêu quân sự của các thành viên châu Âu lớn nhất trong NATO cộng lại vào năm 2015, thúc đẩy những lời kêu gọi mới về việc thành lập một liên minh đẩy nhanh sáng kiến "phòng thủ thông minh".

 

Được đề xuất bởi Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen, sáng kiến "phòng thủ thông minh" quy định các thành viên NATO đóng góp và chia sẻ năng lực để cùng nhau hiệp lực hơn nữa trong giai đoạn tài chính eo hẹp.

 

Chi tiêu quân sự của Bắc Kinh lớn hơn rất nhiều so với các nước trong khu vực, ngoại trừ Australia và New Zealand. Quốc hội Trung Quốc, cơ quan thông qua dự toán ngân sách và mới đây vừa công bố chi tiêu quốc phòng chính thức của nước này - hiện chỉ đứng thứ hai sau Mỹ theo nghĩa tuyệt đối, dù vẫn kém xa về mức chi tiêu bình quân đầu người - công bố sẽ tăng 11,2% ngân sách quốc phòng trong năm nay lên 670 tỷ NDT (khoảng 106 tỷ USD). Dù nhỏ hơn mức tăng 12,7% năm 2011, con số này vẫn chưa thể hiện đúng mức chi tiêu thực tế. Một số nhà phân tích cho rằng chi tiêu quân sự của Trung Quốc có thể còn cao gấp đôi do các thống kê chính thức do không tính các khoản chi tiêu cho các chương trình hạt nhân và vũ khí không gian.

 

Những động thái trên đây có thể hiểu là Trung Quốc đang lo lắng bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Ký ức về các cuộc xâm lược của người châu Âu thế kỷ 19 và người Nhật thế kỷ 20 càng khiến Trung Quốc cảnh giác hơn với những sự dễ tổn thương bởi các liên minh quân sự mới hình thành giữa các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn Quốc, với Mỹ. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tiến hành nhiều cuộc tập trận quy mô lớn để cải thiện khả năng phòng thủ duyên hải, huy động kịp thời, chỉ huy và kiểm soát linh hoạt. Sự cảnh giác này càng được kiểm định rõ hơn bởi sự xuất hiện của các tài sản dưới nước, trên mặt nước và trên không trung của Mỹ.

 

Nhưng thử nghiệm công cụ sức đẩy tầm xa của Trung Quốc cho thấy một sự thay đổi lớn vượt ngoài ý nghĩa thông thường của nó. Đó không chỉ đơn thuần là nhằm đạt được các năng lực cần thiết để thiết lập một chuỗi phòng thủ xung quanh các vùng biển nước này.

 

Để xoa dịu những mối quan tâm quốc tế, quân đội Trung Quốc đã đẩy mạnh chiến dịch ngoại giao quân sự nhằm cải thiện mối quan hệ song phương và đa phương trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và xuống thang tranh chấp lãnh thổ. Trung Quốc cũng đã tham gia vào các sáng kiến ​​an ninh toàn cầu, như hoạt động gìn giữ hòa bình của uỷ quyền  Liên hợp quốc và hợp tác với NATO trong nỗ lực chống cướp biển quyền ngoài khơi vùng Sừng châu Phi. Tìm hiểu các biện pháp phối hợp chặt chẽ và minh bạch hơn là một chủ đề chính của cuộc thảo luận giữa các nhà lãnh đạo của quân đội Trung Quốc và đoàn đại biểu từ các nhân viên quân sự quốc tế (IMS) khi họ gặp nhau tại Bắc Kinh vào tháng 2.

 

Đáp lại việc tăng cường năng lực hải quân của Trung Quốc, Lầu Năm Góc, trước thực tế phải cắt giảm 485 tỷ USD trong vòng thập niên tới, cũng đã bắt đầu "xoay trục" mạnh mẽ các ưu tiên chiến lược. Đô đốc Sam Locklear, người vừa lên phụ trách Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ hồi tháng 3, được giao nhiệm vụ đưa PACOM trở thành đội quân tiên phong trong chiến lược quốc phòng mới của Mỹ. Nói rộng hơn, điều đó có nghĩa là việc củng cố sự hiện diện của Mỹ ở Thái Bình Dương có thể sẽ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Trên phương diện ngoại giao, Bộ Ngoại giao Mỹ không ngừng tái khẳng định cam kết an ninh đối với rất nhiều quốc gia trong khu vực và củng cố quan hệ với các đồng minh lâu đời như Nhật Bản, Philippine và Australia. Mỹ cũng làm sâu sắc mối quan hệ với các thành viên ASEAN. Bản thân PACOM cũng đã đàm phán các thỏa thuận an ninh song phương với Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Philippine. Trong khi một số nhà phân tích chính sách nhìn nhận quan hệ đối tác NATO-ASEAN có vai trò quyết định đến sự ổn định khu vực, những người khác cho rằng PACOM đã đủ lớn và không gặp trở ngại như bộ máy quan liêu đa quốc gia kia để có thể thành công trong việc đảm bảo các lợi ích chiến lược của Mỹ ở Thái Bình Dương, điều mà NATO được cho là đã thất bại ở Trung Đông.

 

Từ quan điểm của Trung Quốc, sự tiếp tục tồn tại của NATO kể từ sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, lý do tồn tại cùng phạm vi và sân khấu hoạt động ngày càng mở rộng của nó ra ngoài Bắc Đại Tây Dương, đã lộ rõ những màu sắc đích thực. Cảm nhận chung của Trung Quốc là NATO chủ yếu đóng vai trò như một công cụ cho sự bá quyền và ưu thế quân sự toàn cầu của Mỹ. Bắc Kinh đặc biệt quan ngại về vai trò mà cơ quan này đang nắm giữ trong việc lật đổ các chế độ "không được lòng Mỹ" ở Afghanistan và Libya. Trung Quốc cho rằng những điều này sẽ thiết lập nên một tiền lệ nguy hiểm cho khả năng Mỹ ủng hộ Đài Loan nếu hòn đảo này tuyên bố độc lập khỏi đại lục; hay, có thể một ngày nào đó, Mỹ áp đặt những thay đổi chính trị tại Trung Quốc nếu chính quyền hiện nay quyết tâm thách thức ưu thế tuyệt đối của Mỹ.

 

Thế nhưng, Trung Quốc cũng nhận ra sự cần thiết phải bình thường hóa và làm sâu sắc hơn quan hệ với NATO nếu muốn thực hiện mục tiêu tự khẳng định là "trỗi dậy hòa bình" và hội nhập hài hòa vào hệ thống toàn cầu. Trung Quốc vẫn mở cửa đối với cách tiếp cận đa phương và "tôn trọng" đối với cá vấn đề lợi ích của nhau, đặc biệt là những vấn đề mà Trung Quốc có thể tập hợp được vốn chính trị quốc tế, như các mối đe dọa an ninh phi truyền thống (cướp biển, khủng bố) và phổ biến vũ khí.

 

Khi sự quyết liệt của quân đội Trung Quốc tại châu Á-Thái Bình Dương tăng lên, thu hút sự quan tâm của Mỹ khỏi Đại Tây Dương, chương trình tăng cường ảnh hưởng kinh tế và chính trị của Bắc Kinh đối với châu Âu thông qua việc mở rộng thương mại và đầu tư cũng vậy.

 

Sự thiếu rõ ràng của Trung Quốc trong các ý đồ chiến lược được thảo luận chi tiết trong chuyến thăm của Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Mỹ hồi tháng 2. Ông Tập Cận Bình, người có mối quan hệ gần gũi với quân đội Trung Quốc hơn với Hồ Cẩm Đào, và được dự báo sẽ kế nhiệm ông giữ chức chủ tịch nước vào cuối năm nay, cam kết tiếp tục khôi phục và mở rộng cơ chế đối thoại liên quân đội Trung-Mỹ. Hội nghị tham vấn quốc phòng, được tổ chức thường niên giữa các quan chức quân sự và dân sự cấp cao Mỹ và Trung Quốc, đã nguội lạnh trong những năm gần đây do Mỹ liên tục bán những đơn hàng lớn vũ khí cho Đài Loan. Tập Cận Bình nhấn mạnh, sự hiện đại hóa và mở rộng quân sự của Trung Quốc về bản chất hoàn toàn chỉ mang tính phòng vệ, còn việc tốc độ chi tiêu quân sự tăng nhanh đơn giản phản ánh sự cần thiết phải đưa các lực lượng quân sự lên một tầm cao mới tương xứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế, dân số lớn và vị thế quốc tế ngày càng tăng.

 

Nhiều người hy vọng cuộc đối thoại trở nên thực chất hơn sẽ mang đến sự rõ ràng hơn từ phía Trung Quốc.  Thực vậy, Trung Quốc có thể chủ yếu đang tìm kiếm bảo đảm an ninh lãnh thổ và bảo vệ an toàn các tuyến đường biển cung cấp năng lượng và các tài nguyên thiên nhiên khác từ Trung Đông và châu Phi. Hay Trung Quốc có thể đang muốn củng cố vị thế của mình trong các tuyên bố kinh tế và chủ quyền lãnh thổ trên toàn bộ Biển Đông. Có thể Trung Quốc đang phát triển năng lực hỗ trợ các nhiệm vụ thúc đẩy hòa bình và ổn định thê thế giới và khu vực. Hoặc cũng có thể như một số nhà quan sát nhận định, có thể muốn làm suy yếu NATO và mang đến một sự cân bằng quyền lực ba bên mới, một sự cân bằng chiến lược có lợi hơn cho việc quản lý các rủi ro khi mở rộng hoạt động kinh tế sang châu Phi và các nơi khác.

 

Dù trong bất kỳ trường hợp nào, có một điều đang trở nên rõ ràng hơn - là sự gia tăng quyết liệt của Trung Quốc và nhiệm vụ khôi phục lại mình của PACOM châu Á - Thái Bình Dương đang mở ra một giai đoạn mới của một cuộc chiến tranh lạnh mới.

 

Theo Đình Ngân

Vietnamnet/Diplomaticourier.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm