Tranh cãi xuyên lục địa về vụ vứt bỏ con nuôi Hàn Quốc
(Dân trí) - Một nhà ngoại giao Hà Lan đang phải hứng chịu “búa rìu” dư luận sau khi người đàn ông này và vợ đã từ bỏ một bé gái châu Á mà họ nhận nuôi cách đây 7 năm, với lý do đứa trẻ không hoà nhập với gia đình.
Jade, bé gái 7 tuổi người gốc Hàn Quốc, là tâm điểm của cuộc tranh cãi quốc tế đang leo thang giữa 2 châu lục Á, Âu. Khi được 4 tháng, cô bé đã được một nhân viên lãnh sự quán Hà Lan đặt tại Hồng Kông, ông Raymond Poeteray và bà vợ Meta, nhận làm con nuôi.
Tuy nhiên, sau 7 năm, cặp vợ chồng này lại trả lại cô bé Jake cho Trung tâm phúc lợi xã hội Hồng Kông vì đứa trẻ không thể hoà nhập với văn hoá Hà Lan. Câu chuyện của bé Jade đã gây nên những phản ứng giận dữ tại Hà Lan, Hàn Quốc và Hồng Kông, nơi nhà ngoại giao Poeteray làm việc.
Món quà không mong muốn?
Vụ việc đã thổi bùng những chỉ trích giữa lúc xuất hiện các cáo buộc rằng cặp vợ chồng người Hà Lan đã đối xử với đứa trẻ giống như cô bé là một món quà không mong muốn. Jade bị vứt bỏ như “mẩu rác của gia đình”, nhật báo Hà Lan De Telegraaf viết.
Vợ chồng ông Poeteray, trở lại Hà Lan hôm 13/12, đã bảo vệ hành động của mình khi khẳng định họ làm vậy theo lời khuyên của các chuyên gia y học và chuyên gia xã hội. Nhà ngoại giao Poeteray, 55 tuổi, cho biết khi gia đình chuyển từ Indonesia tới Hồng Kông cách đây 3 năm, các chuyên gia y học đã nói rằng Jade “có vấn đề nghiêm trọng về việc hoà nhập”.
Họ đã theo đuổi các phương pháp chữa trị nhưng không thành công. Ông Poeteray kể: "Mọi việc không tiến triển tốt lên mà lại tồi tệ đi khiến chung tôi vô cùng thất vọng. Cả gia đình đã bị ảnh hưởng lớn từ chuyện này". Cặp vợ chồng người Hà Lan có một con trai hơn tuổi Jade và sinh thêm một người con nữa sau khi nhận Jade làm con nuôi.
Các chuyên gia cho biết, các vấn đề về hoà nhập là chuyện không hiếm thấy trong việc xin con nuôi nhưng rất bất ngờ khi điều đó lại xảy ra với trường hợp của Jade.
Bác sĩ gia đình Susan So tại Trung tâm bảo vệ trẻ em Hồng Kông nói: “Tôi rất bất ngờ điều đó lại xảy ra khi đứa trẻ được nhận làm con nuôi lúc mới lên 4 tháng. Khả năng nhận biết người lạ bắt đầu xảy ra khi đứa trẻ lên 6 hoặc 7 tháng. Trước tầm tuổi đó, khả năng đó còn yếu và vì thế phản ứng của đứa trẻ không dữ dội”.
Một điều đáng nói là gia đình Poeteray chưa bao giờ nộp đơn đăng ký nhập quốc tịch Hà Lan cho Jade và khẳng định chậm trễ này là do sự lơ đễnh của cơ quan hành chính.
Tuy nhiên, trái ngược với khẳng định của gia đình Poeteray, một cô bảo mẫu từng chăm sóc cho Jade đã buộc tội họ không quan tâm tới cô bé, đối lập hoàn toàn với 2 đứa con đẻ. Cô khẳng định Jade là một đứa trẻ ít nói nhưng hoàn toàn bình thường. “Tôi chăm sóc Jade vào buổi tối trong khi cô bé ở với một phụ nữ Indonesia vào ban ngày. Bà Meta, vợ của ông Poeteray, đã không đối xử với em như con đẻ”.
Thế giới lên án
Mặc dù gia đình Poeteray khẩn thiết nói rằng đây là chuyện riêng của gia đình nhưng câu chuyện về bé Jade đã khiến nhiều người phải lên tiếng. Các phòng chat trên Internet đã chứng kiến hàng trăm lời bình luận về vụ việc, hầu hết là lên án hành động của một quan chức chỉnh phủ Hà Lan, người được trả lương để đại diện cho một đất nước.
Một người viết trang web tờ De Telegraaf: “Họ sẽ làm gì nếu con riêng của họ bị ốm. Liệu họ sẽ bỏ chúng đi? Chính người đàn ông này (Poeteray) có vấn đề về sức khoẻ - Liệu ông ta có nên bị bỏ đi không?”.
Bộ ngoại giao Hà Lan, dù tỏ ra lúng túng trước tranh cãi quốc tế trên, đã triệu hồi nhà ngoại giao về nước để điều tra nhưng vẫn đứng về phía ông Poeteray. Tuy nhiên, nhiều blog của người Hà Lan cho rằng ông Poeteray đã có hành động không thích hợp và kêu gọi sa thải ông khỏi ngành ngoại giao.
Thái độ chỉ trích vợ chồng nhà ngoại giao Hà Lan phần nào thể hiện những ngờ vực bấy lâu nay về cách đối xử của người châu Âu đối với trẻ em châu Á được nhận làm con nuôi. 2 năm trước, một cặp vợ chồng người Ireland cũng khiến nhiều người châu Á giận dữ khi họ trả lại con nuôi cho một trại trẻ mồ côi Indonesia với ví do tương tự trường hợp của bé Jade.
Niềm kiêu hãnh quốc gia bị ảnh hưởng và một số quốc gia châu Á lo ngại rằng mọi việc có thể kết thúc chẳng ra đâu vào đâu như những sự việc từng xảy ra tại châu Phi, trừ khi các qui định chặt chẽ hơn được đưa ra.
Một tổ chức từ thiện của Pháp gần đây đã bị chỉ trích nặng nề khi cố gắng đưa 103 trẻ em từ Chad, quốc gia tại Trung Phi, để làm con nuôi cho các gia đình tại Pháp và Bỉ.
Lãnh sứ quán Hàn Quốc tại Hồng Kông cho biết, ông bà Poeteray đã phàn nàn rằng Jade không hợp với thức ăn và văn hoá Hà Lan. Law Chi-kwong, một giáo sư tại đại học Hồng Kông nói: “Họ nhân nuôi Jade từ khi còn bé. Họ phải có trách nhiệm trong việc giáo dục tinh thần và văn hoá cho Jade. Làm sao bạn có thể nói Jade không hợp với văn hoá tại chính nơi cô bé được nuôi dưỡng?”.
Hilbrand Westra, chủ tịch một tổ chức nhận con nuôi ở Hà Lan, đã kêu gọi các nhà chức trách Hà Lan phải có trách nhiệm với Jade. Ông Westra nói: “Về mặt đạo đức, chính phủ phải nhận trách nhiệm trước cảnh ngộ của đứa trẻ và phải chăm sóc em”.
Các nhà chức trách Hồng Kông giờ đây đang tìm kiếm một bố mẹ nuôi khác cho bé Jade. Cô bé có thể nói 3 thứ tiếng, tiếng Anh, tiếng Quảng Đông và một ít tiếng Hà Lan mặc dù có những khẳng định rằng Jade không thể giao tiếp với với chính cha mẹ nuôi cũ của em.
Ánh Ninh
Theo IHT, BBC