1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tra tấn tình dục trong nhà tù mật ở Yemen

Đúng 8 giờ ngày 10-3 qua, lính canh tại nhà tù Beir Ahmed ở thành phố Aden - Yemen ra lệnh toàn bộ tù nhân ra sân đứng phơi nắng đến trưa.

Sau đó, tù nhân bị bịt mắt và đưa vào phòng, từng người hoặc từng nhóm. Họ buộc phải cởi bỏ quần áo rồi nằm xuống trước sự chứng kiến của một nhóm sĩ quan Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Những sĩ quan này kiểm tra hậu môn từng tù nhân, lấy lý do họ tìm kiếm điện thoại di động có thể bị tuồn lậu vào trong tù. Các tù nhân gào thét và khóc lóc, những ai chống cự bị đánh đập đến chảy máu.

Một số nhân chứng nói với hãng tin AP rằng hàng trăm tù nhân đã trải qua những vụ lạm dụng tương tự trong ngày nói trên. "Tất cả những gì tôi nghĩ đến là Abu Ghraib" - một tù nhân nhớ lại, nhắc đến nhà tù bên ngoài thủ đô Baghdad, nơi binh sĩ Mỹ tra tấn tù nhân trong lúc chiến tranh Iraq nổ ra.

Những gì xảy ra tại Beir Ahmed đã hé lộ thực trạng tra tấn tình dục phổ biến tại các nhà tù do UAE, một đồng minh chủ chốt của Mỹ, kiểm soát ở Yemen mà không có thủ phạm nào bị trừng phạt.


Một hình vẽ do AP thu thập cho thấy cảnh tù nhân bị ngược đãi, tra tấn tại một nhà tù do UAE điều hành ở Yemen Ảnh: AP

Một hình vẽ do AP thu thập cho thấy cảnh tù nhân bị ngược đãi, tra tấn tại một nhà tù do UAE điều hành ở Yemen Ảnh: AP

Một cuộc điều tra của AP hồi tháng 6-2017 phơi bày hành vi tra tấn phổ biến trong các nhà tù bí mật của UAE tại Yemen. Kể từ đó, hãng tin này phát hiện ít nhất 5 nhà tù nơi lực lượng an ninh dùng nhiều biện pháp tra tấn tình dục khác nhau để buộc tù nhân khai báo hoặc chịu hợp tác làm gián điệp, trong đó có 4 cơ sở ở Aden.

Một nhà tù trong số này nằm tại căn cứ Buriqa, tổng hành dinh của lực lượng UAE - theo 3 quan chức an ninh và quân sự giấu tên của Yemen. Điều đáng nói là có một số người Mỹ mặc quân phục tại căn cứ Buriqa nhưng chưa rõ họ là lính đánh thuê hay quân nhân. Một số tù nhân cho rằng những người Mỹ này có lẽ biết chuyện tra tấn vì những tiếng gào thét và dấu vết trên người tù nhân.

Một năm trước, phóng viên AP đã hỏi Lầu Năm Góc về cáo buộc tra tấn nói trên của UAE. Bất chấp những thông tin chi tiết được giới truyền thông, các nhóm nhân quyền và thậm chí là Liên Hiệp Quốc công bố, người phát ngôn Lầu Năm Góc Adrian Rankine-Galloway lúc đó vẫn khẳng định không có bằng chứng về tình trạng ngược đãi tù nhân tại Yemen. Dù vậy, giới chức Mỹ thừa nhận họ nhận thông tin tình báo từ đối tác UAE và tham gia vào các cuộc thẩm vấn ở Yemen.

Trong cuộc nội chiến kéo dài 3 năm qua ở Yemen, lực lượng UAE tham gia chống phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn và kiểm soát được không ít lãnh thổ ở miền Nam Yemen. Họ đã bắt nhiều nam giới bị nghi là phần tử tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng hoặc Al-Qaeda rồi nhốt vào 18 nhà tù bí mật mà không hề qua xét xử.

"Bọn họ tra tấn tôi dù không cáo buộc tôi bất kỳ điều gì. Đôi lúc tôi ước họ cáo buộc để tôi có thể nhận tội và chấm dứt nỗi đau này" - một người bị bắt vào năm ngoái và bị giam ở 3 nhà tù khác nhau tiết lộ với AP.

Chính phủ Yemen thừa nhận họ không có quyền kiểm soát những nhà tù do UAE điều hành và Tổng thống Abd-Rabbu Mansour al-Hadi đã ra lệnh điều tra nghi vấn tra tấn tù nhân. Còn tại Mỹ, hạ viện hôm 24-5 bỏ phiếu yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis đánh giá xem liệu quân đội hoặc tình báo Mỹ có phạm luật khi tham gia thẩm vấn tù nhân ở Yemen hay không.

Theo Hoàng Phương

Người lao động