1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Ukraine nêu khả năng Nga giành chiến thắng

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận nguy cơ Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ cho Kiev nếu ông Donald Trump đắc cử tổng thống.

Tổng thống Ukraine nêu khả năng Nga giành chiến thắng - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Reuters).

Trong cuộc họp báo ngày 28/10, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh việc Mỹ chấm dứt viện trợ cho Ukraine sẽ là chiến thắng cho Nga và là mất mát lớn đối với phương Tây.

"Tất nhiên, chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng tôi hiểu tất cả những rủi ro có thể xảy ra. Rủi ro lớn nhất sẽ là chính sách của Mỹ thay đổi... Tôi không chắc rằng cựu Tổng thống Trump, nếu ông trở thành tổng thống, thực sự muốn thua cuộc. Thua cuộc theo nghĩa chấm dứt hỗ trợ cho Ukraine", ông Zelensky nói.

Tổng thống Zelensky cho biết ông chưa nghe thấy ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump bày tỏ ý định ngừng hỗ trợ Ukraine.

"Ông Trump nói rất nhiều, nhưng tôi chưa nghe ông ấy nói rằng ông ấy sẽ sớm ngừng hỗ trợ. Nhưng tôi đồng ý với các bạn rằng có những rủi ro. Đó là lý do Ukraine có kế hoạch riêng về cách tự củng cố sức mạnh. Điều này sẽ vô cùng khó khăn", ông Zelensky cho biết.

Tổng thống Zelensky nhiều lần thừa nhận nước này sẽ thua trong cuộc xung đột với Nga nếu Kiev không nhận được viện trợ. Ông Zelensky cho biết Ukraine đang cạn kiệt vũ khí, đạn dược trong khi nguồn viện trợ từ Mỹ bị đình trệ.

Ông thừa nhận Nga vượt trội Ukraine về hỏa lực, nhất là hỏa lực pháo binh, vốn có vai trò then chốt trong cuộc xung đột hiện nay.

Mỹ là quốc gia viện trợ lớn nhất cho Ukraine kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự hồi tháng 2/2022. Sau khi đã cấp hàng chục tỷ USD cho Ukraine hơn 2 năm qua, nội bộ Mỹ bất đồng về việc tiếp tục viện trợ cho Kiev.

Tổng thống Zelensky ngày 28/10 cho biết, ông đã đảm bảo với các đại diện của Đan Mạch, Iceland, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển rằng Ukraine hiện không yêu cầu tư cách thành viên NATO, mà chỉ cần lời mời gia nhập khối.

"Chúng tôi không nói về tư cách thành viên NATO của Ukraine hiện nay, khi chiến tranh đang diễn ra. Chúng tôi chỉ nói về lời mời gia nhập NATO... Rõ ràng, lời mời gia nhập NATO không giống với tư cách thành viên đầy đủ trong liên minh. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo lại nói về điều đó như thể hai điều này là một. Họ được hỏi về lời mời, nhưng họ trả lời về tư cách thành viên. Điều đó không công bằng", ông Zelensky lý giải.

Tổng thống Zelensky kêu gọi các nước Bắc Âu "làm việc" với Berlin sau tuyên bố của Thủ tướng Đức Olaf Scholz về khả năng Ukraine không thể gia nhập NATO.

"Hãy làm việc với các đối tác trên khắp châu Âu, đặc biệt ở Berlin, để chúng ta có thể cùng nhau đạt được sự rõ ràng về mặt địa chính trị", ông nói thêm.

Phát biểu với đài truyền hình Đức ZDF vào ngày 24/10, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ lời kêu gọi của Ukraine về lời mời gia nhập NATO ngay lập tức.

"Một quốc gia đang có chiến tranh chắc chắn không thể trở thành thành viên của NATO", ông Scholz nhấn mạnh.

Tuyên bố trên dường như là bình luận công khai đầu tiên của nhà lãnh đạo Đức về nguyện vọng gia nhập NATO của Ukraine, kể từ khi Tổng thống Volodymyr Zelensky công bố kế hoạch chiến thắng gồm 5 điểm với các đồng minh phương Tây, trong đó lời mời gia nhập NATO được đặt lên hàng đầu.

Ukraine đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9/2022 và vào tháng 7 năm nay, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu đã khẳng định "con đường không thể đảo ngược của Ukraine hướng tới việc hội nhập hoàn toàn vào khu vực châu Âu - Đại Tây Dương, bao gồm cả tư cách thành viên NATO". Tuy nhiên, Kiev chưa nhận được bất kỳ cam kết chắc chắn nào về việc gia nhập NATO trong tương lai.

Ngoài Đức, quốc gia thành viên NATO khác là Slovakia cũng phản đối việc kết nạp Ukraine vào liên minh. Tổng thống Slovakia Peter Pellegrini cho biết việc Ukraine gia nhập NATO ngay lập tức là điều "không thực tế".

Moscow coi việc NATO mở rộng về phía biên giới Nga là một mối đe dọa hiện hữu. Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng ý định gia nhập khối của Ukraine là một trong những lý do chính dẫn đến xung đột. Moscow cũng cho rằng tính trung lập của Kiev là điều kiện tiên quyết cho hòa bình bền vững với nước láng giềng.

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm