1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Ukraine lại tự tin thái quá

Tương lai của Ukraine trong việc là thành viên của EU được Tổng thống Petro Poroshenko tái khẳng định đầy tươi sáng.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mới đây khẳng định lại tương lai gia nhập vào Liên minh châu Âu (EU) có vẻ tươi sáng hơn kể cả khi Brexit xảy ra.

Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Bulgaria Rosen Plevneliev ở Sofia, ông Poroshenko tuyên bố: "Ukraine đã ra quyết định hướng tới EU và Brexit sẽ không thể ngăn cản điều này."

Ông Poroshenko khẳng định không gì có thể đe dọa tới khát vọng gia nhập EU của Ukraine.

Quyết tâm vào EU của Ukraine cao hơn bao giờ hết. Ảnh: UNIAN
Quyết tâm vào EU của Ukraine cao hơn bao giờ hết. Ảnh: UNIAN

Có lẽ lời tái khẳng định đầy hùng hồn này được Tổng thống Ukraine đưa ra khi quốc gia cũng muốn gia nhập liên minh 28 nước là Thổ Nhĩ Kỳ đang đạt được những tín hiệu mới.

Hôm 30/6, Ngoại trưởng Hà Lan - quốc gia đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, Bert Koenders cho biết tất cả các quốc gia thành viên EU đã nhất trí sẽ mở chương đàm phán mới về các vấn đề tài chính và ngân sách với Thổ Nhĩ Kỳ.

Quyết định này là một phần của thỏa thuận giữa EU và Ankara đạt được hồi tháng 3 vừa qua trong đó Thổ Nhĩ Kỳ cam kết giúp EU ngăn chặn dòng người di cư từ Syria ồ ạt đổ về châu Âu, đổi lại EU phải đẩy nhanh quá trình đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập liên minh.

Ngoài ra EU cũng phải tăng cường hỗ trợ Ankara trong việc giúp đỡ hàng triệu người di cư trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ và đẩy nhanh tiến trình xét miễn thị thực cho các công dân nước này khi vào EU.

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập EU từ năm 2005 và từ đó cho tới nay EU đã khởi động 15 chương đàm phán trên tổng số 35 chương theo quy định để tiếp nhận một thành viên mới.

Thổ Nhĩ Kỳ vào EU được thì Ukraine cũng vậy?

Điều này thực ra khác nhau hoàn toàn. Vị lãnh đạo về tài chính của Đức mới đây cho rằng, quốc gia này sẽ không đứng ra gánh vác các hao hụt tài chính mà hậu quả Brexit để lại.

“Mọi người cho rằng chúng tôi có thể phải góp thêm 1 tỉ euro vào ngân sách của EU. Chúng tôi cần chắc chắn rằng sau sự kiện Brexit, các khoản đóng góp từ Anh trước đó sẽ không trút lên Đức và những quốc gia khác” – Bộ trưởng Bộ Tài chính bang Bavaria của Đức, ông Markus Soeder khẳng định.

Như vậy, lãnh đạo Liên minh EU đang đứng trước một thế khó khi những trụ cột gánh vác kinh tế như Anh đã rời đi, Đức thì từ chối cung cấp tài chính bù hao.

Chắc chắn lãnh đạo EU sẽ cân nhắc việc cho phép các quốc gia khác gia nhập vào Liên minh để cộng hưởng phát triển chứ không chỉ bởi một lợi ích nhỏ nhoi hay phải viện trợ hàng triệu USD "lâu lâu một lần" như Ukraine.

Thực tế, đại diện Ukraine tại Hội đồng Nghị viện châu Âu đã từng bình luận: "Brexit thực sự là một trận động đất mạnh, dư chấn của nó chắc chắn sẽ còn lâu dài. Có khả năng các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga sẽ dần dần được dỡ bỏ, trong khi việc miễn thị thực cho công dân Ukraine, Georgia và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị đình trệ mà không biết bao giờ được giải quyết".

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Chủ tịch UB châu Âu EU Jean-Claude Juncker.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Chủ tịch UB châu Âu EU Jean-Claude Juncker.

Ngay cả khi điều đó xảy ra, thực tế EU đã có những bước tiến tới gần hơn với Thổ Nhĩ Kỳ nhưng với Ukraine thì vị Chủ tịch UB châu Âu EU Jean-Claude Juncker chưa có câu nói nào về điều này sau khi tuyên bố Ukraine chắc sẽ không trở thành thành viên của EU hay NATO trong 20-25 năm nữa.

Các nhà phân tích lưu ý chính cuộc khủng hoảng giữa EU và Nga càng làm gia tăng chủ nghĩa hoài nghi châu Âu.

Khi đó, phe hoài nghi châu Âu đương nhiên sẽ xem Nga như một người bạn. Các đảng phái chính trị vận động để lấy lại quyền tự chủ của đất nước họ đều hiểu rằng trong một thế giới toàn cầu hóa, không ai có thể tự bước đi một mình. Như vậy, Nga hiển nhiên được xem là trung tâm quyền lực mà các nước này muốn tăng cường hợp tác, ít nhất với mục đích hạn chế sự phụ thuộc vào Washington và Brussels.

Nói riêng về Thổ Nhĩ Kỳ, địa thế của đất nước này cho phép họ có các ưu đãi trong chính sách người nhập cư của châu Âu, "hải quan" từ Nga tới Biển Địa Trung Hải và nắm giữ một phần Biển Đen cũng như là một quốc gia Trung Đông rộng lớn.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ đạt được những thỏa thuận mới hay các đàm phán có tương lai với châu Âu là điều có thể được cân nhắc. Chưa kể các chính sách tới từ nhà lãnh đạo cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thể hiện vị thế của quốc gia này trên trường quốc tế.

Như vậy, cũng không khó để trả lời vì sao Thổ Nhĩ Kỳ có thể lợi dụng Brexit để vào EU còn Ukraine thì đừng hòng có được điều đó.

Theo Huy Vũ

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm