1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Trump công kích dữ dội Bộ trưởng Tư pháp Mỹ

(Dân trí) - Tuyên bố "Tôi không có Bộ trưởng Tư Pháp" được xem là đòn công kích mạnh mẽ nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions trong suốt hơn 1 năm qua, khi quan hệ giữa 2 chính trị gia “căng như dây đàn”.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)
Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và Tổng thống Donald Trump (Ảnh: Reuters)

Trả lời phỏng vấn Hill.TV ngày 18/9, Tổng thống Trump đã tuyên bố: “Tôi không có Bộ trưởng Tư pháp. Thật đáng buồn”. Ông nói rằng ông rất thất vọng vì ông Sessions đã quyết định không tham gia vào vụ điều tra nghi án Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ năm 2016.

Khi được hỏi liệu ông có cân nhắc sa thải ông Sessions hay không, ông Trump trả lời: “Chúng ta sẽ sớm biết điều gì xảy ra. Rất nhiều người khuyên tôi làm vậy. Tôi nói rằng tôi chỉ muốn mặc mọi thứ nhưng điều đó thật bất công khi ông ấy hành động như thế (ám chỉ việc ông Sessions tự tách mình ra khỏi vụ điều tra)".

Ngoài ra, ông Trump cũng nói rằng ông không hài lòng với sự thể hiện của ông Session về chính sách nhập cư và các vấn đề khác. Tổng thống Mỹ nhận định Bộ trưởng Tư pháp đã trở nên “lẫn lộn và bối rối” dẫn tới “màn thể hiện nghèo nàn”.

Bộ trưởng Sessions chưa lên tiếng phản hồi về phát ngôn của Tổng thống Trump.

BBC đánh giá đây là động thái bất thường khi một tổng thống đương nhiệm chỉ trích mạnh mẽ bộ trưởng tư pháp. Giới chỉ trích cáo buộc Tổng thống Trump đã cố gắng can thiệp vào hệ thống pháp luật Mỹ.

Vào tháng 2/2016, quan hệ giữa ông Trump và ông Session rất tốt đẹp khi Bộ trưởng Tư pháp vào thời bấy giờ là thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đầu tiên công khai ủng hộ ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống. Khi ông Trump trở thành ông chủ Nhà Trắng, ông Sessions đã được bổ nhiệm vào vị trí hiện tại vào tháng 2/2017.

Tuy nhiên, sóng gió bắt đầu nổ ra khi chỉ 1 tháng sau đó, ông Session thừa nhận đã gặp một nhà ngoại giao Nga khi cuộc bầu cử diễn ra. Ông khẳng định cuộc gặp chỉ đơn thuần là công việc của ông dưới cương vị một nhà lập pháp. Tuy nhiên, ông Session khi đó đã quyết định loại mình ra khỏi cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ do lo ngại sự xuất hiện của ông sẽ gây ra “xung đột lợi ích”. Ông đã bàn giao cho cấp phó, Rod Rosenstein chịu trách nhiệm chính trong vụ việc.

Trong hơn 1 năm qua, Tổng thống Trump nhiều lần bày tỏ sự thất vọng và công kích với người từng rất ủng hộ ông trong cuộc đua tới ghế tổng thống. Hồi tháng trước, ông Trump tiếp tục khơi gợi là việc chỉ trích ông Sessions và yêu cầu ông phải dừng ngay cuộc điều tra.

Theo BBC, sau sự việc đó, có 2 thượng nghị sĩ cấp cao của đảng Cộng hòa đã phát tín hiệu rằng họ sẽ ủng hộ ông Trump nếu ông sa thải ông Sessions sau cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11 tới.

Ông Sessions cũng nhiều lần phản bác các chỉ trích chống lại mình từ cấp trên: “Khi tôi là Bộ trưởng Tư pháp, các hoạt động của bộ này sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị. Tôi luôn đòi hỏi tiêu chuẩn cao nhất và nếu không đạt được kỳ vọng, tôi sẽ hành động”.

Đức Hoàng

Theo BBC