1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Syria tuyên bố không bao giờ đàm phán với các nhóm khủng bố

(Dân trí) - Syria sẽ không bao giờ đàm phán với các nhóm khủng bố nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc xung đột hiện nay, dù cho phương Tây ra sức coi những nhóm vũ trang này là các phe phái chính trị đối lập ở Syria.

Tổng thống Bashar al-Assad. (Ảnh: SANA)
Tổng thống Bashar al-Assad. (Ảnh: SANA)

Tuyên bố trên của Tổng thống Syria Bashar al-Assad được đưa ra trong cuộc phỏng vấn ngày 11/12 với hãng thông tấn EFE của Tây Ban Nha.

Theo người đứng đầu chính phủ Syria, vấn đề của nước này là các nhóm vũ trang và những mạng lưới khủng bố có rất nhiều tay súng nước ngoài mà “Mỹ và các đồng minh trong vùng Vịnh đang tìm cách đưa vào quá trình đàm phán”.

"Phe đối lập là một thuật ngữ chính trị, không phải thuật ngữ quân sự. Do vậy, nói về khái niệm này có nhiều điểm khác xa so với thực tiễn vì chúng ta có thể thấy một số nước, trong đó có Ảrập Xêút, Mỹ và một số nước phương Tây, muốn những nhóm khủng bố này tham gia quá trình đàm phán. Họ muốn chính phủ Syria đàm phán với khủng bố, điều mà tôi tin rằng không ai trên thế giới chấp nhận", ông Assad nói.

Tổng thống Syria một lần nữa cũng nhấn mạnh chính phủ của ông sẵn sàng đàm phán nhưng chỉ với một nhóm đối lập thực sự và được công nhận.

"Phe đối lập không phải là những phiến quân”, ông Assad nhấn mạnh. Ông cho biết, Damacus đã đàm phán với các “nhóm vũ trang, chứ không phải tổ chức khủng bố”, do đó họ nên “hạ vũ khí đổi lấy cơ hội ân xá từ chính phủ và có cơ hội trở lại cuộc sống bình thường”.

“Đó là cách duy nhất giải quyết vấn đề các nhóm phiến quân hiện nay ở Syria. Bất cứ khi nào họ thay đổi cách tiếp cận, hạ vũ khí, chúng tôi luôn sẵn sàng đàm phán. Còn nếu họ vẫn muốn được coi là một thực thể chính trị dưới vai trò của các nhóm vũ trang, đó là điều chúng tôi không chấp nhận", ông Assad nói.

Ông cho rằng một thỏa thuận để hướng tới giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng ở Syria hiện nay chỉ có thể đạt được giữa chính phủ với một "nhóm đối lập thực sự, yêu nước và đề cao vai trò quốc gia, thay vì đại diện cho bất cứ nước nào hay chế độ nào khác".

Ngoài ra, ông cũng cho rằng để giải quyết được những nhóm thánh chiến cực đoan, Syria và cộng đồng quốc tế cần lên một kế hoạch dài hạn. Còn trong ngắn hạn cần tập trung nỗ lực ngăn chặn các tuyến hậu cần và hỗ trợ tài chính của những nhóm thánh chiến này qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

"Để giải quyết vấn đề này. Đầu tiên cần phải ngăn dòng chảy của những tên khủng bố, đặc biệt là từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Syria hay Iraq. Dĩ nhiên, chúng ta cũng cần phải ngăn chặn cả dòng chảy vũ khí và tài chính được chuyển cho các nhóm thánh chiến thông qua Thổ Nhĩ Kỳ", ông Assad nói.

"Hầu hết dầu mỏ nằm ở miền Bắc Syria. Xuất khẩu sang Iraq là không thể vì nơi đó chiến dịch chống IS đang rất quyết liệt. Li-băng ở rất xa. Jordan cũng rất xa. Do vậy, con đường duy nhất cho dầu mỏ của IS là Thổ Nhĩ Kỳ. Các xe chở dầu từ Syria chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ và từ đây, Thổ Nhĩ Kỳ bán dầu giá rẻ cho cả thế giới", ông Assad cho biết thêm.

Cận cảnh Nga không kích các đoàn xe chở dầu của IS

Bình luận về chiến dịch không kích của Nga tại Syria, Tổng thống Assad đã đánh giá cao nỗ lực phối hợp chung giữa các đơn vị bộ binh của nước này với Không quân Nga. Ông cho rằng chiến dịch không kích của liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu đã không thu lại được kết quả tích cực vì thiếu những lực lượng quan trọng hoạt động trên bộ tại Syria.

Tuyên bố trên của Tổng thống Assad đưa ra trong bối cảnh các nhóm đối lập nhóm họp tại thủ đô Riyadh của Ảrập Xêút đã nhất trí lập ra một phái đoàn chung để đàm phán với Chính phủ Syria vào đầu tháng sau trên cơ sở Tuyên bố chung Geneva đạt được ngày 30/6/2012.

Tuyên bố của hội nghị tại Riyadh nhấn mạnh cần phải sớm đưa Syria trở thành một quốc gia dân chủ, đa đại diện, đồng thời nhấn mạnh Tổng thống Assad phải từ chức để bắt đầu tiến trình chuyển giao.

Tới nay, cuộc xung đột kéo dài hơn 4 năm qua tại Syria, khiến hơn 250.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu.

Bất đồng giữa Nga và phương Tây về tương lai chính trị của Tổng thống Assad đã khiến cho tiến trình hòa bình tại quốc gia Trung Đông này rơi vào bế tắc.

Ngọc Anh

Theo RT