1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Poroshenko và câu hỏi khó trả lời

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko mới đây đã lên tiếng hối thúc cộng đồng quốc tế giúp đỡ nước này trong việc bảo đảm an ninh cho người dân vùng chiến sự ở miền Đông Ukraine.

Báo Độc lập (Nga) ngày 10/2 đã bình luận về động thái này cũng như quan điểm mà ông Poroshenko đưa ra khi phát biểu tại Hội nghị an ninh ở Munich hôm 7/2.
 
Tổng thống Poroshenko và câu hỏi không dễ trả lời về nền hòa bình cho Ukraine
Tổng thống Poroshenko và câu hỏi không dễ trả lời về nền hòa bình cho Ukraine

Ông Poroshenko đã đặt ra câu hỏi "Liệu chiến dịch gìn giữ hòa bình có còn ý nghĩa ở Ukraine hay không?". Và dường như ông không ủng hộ sự có mặt của các lực lượng gìn giữ hòa bình tại Ukraine. Ông cho rằng triển khai quân đội quốc tế tại Ukraine lúc này là quá muộn, bởi cần ít nhất nửa năm cho việc đó, “trong khi máu của dân thường Ukraine đang đổ xuống từng ngày”- một sự ám chỉ quá rõ ràng.

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine hy vọng và tin rằng chỉ cần 1 tuần để các lượng lực quốc tế giúp đỡ nước này “giám sát khu vực biên giới Nga –Ukraine”. Theo ông, chỉ cần như vậy là hòa bình và ổn định sẽ được tái lập tại Ukraine.

Tuy nhiên, tờ báo Nga xoáy vào sự bất nhất của Tổng thống Poroshenko khi trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, chính ông từng cho biết: “Chúng tôi không muốn sự hiện diện của các lực lượng quân đội nước ngoài, bởi bản thân Ukraine cũng có thể kiểm soát biên giới của mình”.

Tóm lại, ông Poroshenko đã tỏ ra rất lúng túng không biết nên giải quyết vấn đề của đất nước bằng cách nào, nên hay không nên kêu gọi sự hiện diện của các lực lượng quốc tế giúp nước này kiểm soát biên giới?

Hồi tháng Tư năm ngoái, Báo Độc lập (Nga) đã từng đăng tải ý kiến của một chuyên gia đề nghị giấu tên, theo đó tác giả này đề xuất sáng kiến giải quyết cuộc khủng hoảng ở miền Đông Nam Ukraine bằng cách đưa quân đội nước ngoài vào giúp Ukraine tái thiết hòa bình, lập lại trật tự an ninh.

Mà trong trường hợp cụ thể này, Nga chính là quốc gia gần nhất có khả năng giúp đỡ Ukraine ngăn chặn tình trạng đổ máu ở miền Đông. Tác giả này cũng dẫn chứng giải pháp này hoàn toàn không viển vông, bởi thực tế tại nhiều điểm xung đột, quân đội nước ngoài đã từng xuất hiện giúp lập lại trật tự, và không phải bao giờ điều này cũng được nước chủ nhà chấp thuận.

Cụ thể, Pháp đã từng đưa quân đội tới các quốc gia châu Phi và trong quá khứ Italy đã từng đưa quân vào Albania, Australia đưa quân tới Đông Timor...

Công ước Geneva từ lâu đã dùng thuật ngữ “xung đột vũ trang không mang tính quốc tế” để nói về những cuộc xung đột nội bộ. Tại những nơi đó, hơn ai hết dân thường cần phải được bảo vệ, khi mà họ rất dễ trở thành nạn nhân. Đấy không còn là vấn đề về "rối loạn nội bộ hay tình trạng căng thẳng nội bộ, chẳng hạn như các cuộc bạo loạn, nổi dậy ở một số quốc gia, khu vực, bởi thực tế không ít dân thường đã thiệt mạng trong những cuộc bạo loạn như vậy. Bởi thế, dù là nội chiến, cũng cần phải có sự quan tâm, chung tay giải quyết từ phía cộng đồng quốc tế.

Tình hình Ukraine hiện nay tương tự như giai đoạn Nam Tư tan rã những năm 1991-1995, đặc biệt là khi quốc gia này đã phân chia thành Bosnia và Herzegovina. Khi đó, cũng vì hy vọng và chạy theo những lời hứa hỗ trợ tài chính và vật chất từ bên ngoài, mà giới chức ở khu vực này chỉ theo đuổi lợi ích của riêng họ, không còn “đếm xỉa” đến số phận của người dân vô tội.

Chuyên gia giấu tên nói trên cho rằng Nga có tiềm năng thực sự trong việc triển khai nhanh chóng các hoạt động nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột vũ trang và ổn định tình hình tại Ukraine. Trong đó ngoài nguồn lực quốc phòng, Nga cũng có rất nhiều kinh nghiệm giải quyết tình trạng căng thẳng hiện nay ở Ukraine. Quân đội Nga có thể tìm được ngôn ngữ chung với các chỉ huy của cả hai bên (quân chính phủ và lực lượng nổi dậy).

Lý tưởng nhất để bắt đầu các hoạt động gìn giữ hòa bình dưới lá cờ của Liên Hợp Quốc đòi hỏi sự đồng ý của các bên trong cuộc xung đột và cũng như Hội đồng bảo an phải thông qua nghị quyết, nêu rõ nhiệm vụ của các lực lượng gìn giữ hòa bình. Tuy nhiên trong cuộc sống, thực tế lại không phải bao giờ cũng xảy ra như vậy.

Bài báo kết luận, dù thế nào, dù vấn đề có phức tạp tới đâu, lời giải khẩn thiết để chấm dứt nổ súng ở miền Đông Ukraine đang là mong mỏi không chỉ của người dân vùng đất đầy đau thương này, mà còn là mong ước của tất cả những ai yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới.

Theo Quế Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm