1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Obama: Internet là vũ khí hiệu quả với Triều Tiên

(Dân trí) - Tổng thống Mỹ hôm 23/1 nói rằng mạng Internet là vũ khí hiệu quả hơn biện pháp quân sự khi đối phó với các chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh:
Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Ảnh: AFP)

Theo kênh truyền hình Arirang, trong một cuộc phỏng vấn ngày 23/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết để đối phó với các chương trình hạt nhân tên lửa và quân đội của nước này, một chính sách liên quan đến mạng Internet sẽ hiệu quả hơn biện pháp quân sự. Ông nói Internet sẽ tìm được đường thâm nhập vào Triều Tiên và giúp lan truyền các thông tin mà chính quyền nước này đã cắt xén.

Tổng thống Mỹ thừa nhận khả năng tác động của Mỹ lên Triều Tiên bằng quân sự là hạn chế bởi nước này có quân đội hùng mạnh, có công nghệ hạt nhân và tên lửa. Hơn nữa, ông nói thêm “đồng minh Hàn Quốc của chúng ta ở ngay bên cạnh, nếu chiến tranh xảy ra thì quốc gia này sẽ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Do đó một giải pháp quân sự là không khả thi”.

Hôm 20/1, Tổng thống Obama tuyên bố trong Thông điệp liên bang rằng: “Không một quốc gia nước ngoài nào có thể phá hoại mạng máy tính của Mỹ”, rõ ràng ám chỉ Triều Tiên trong vụ tấn công mạng vào hãng phim Sony Pictures hồi cuối tháng 11/2014.

Trước đó, Mỹ đã cáo buộc Triều Tiên là thủ phạm vụ tấn cộng mạng vào hãng phim Sony Pictures khi hãng này chuẩn bị công chiếu bộ phim The Interview có nội dung giả tưởng liên quan đến ám sát Chủ tịch Kim Jong-un. Mỹ đã tiến hành hàng loạt các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng để trả đũa sự việc này. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc của Washington.

Bên cạnh đó, ông Obama gọi Triều Tiên là “quốc gia biệt lập nhất trên thế giới”, đồng thời nhận định: “Rất khó để duy trì kiểu chế độ biệt lập trong thế giới hiện đại ngày nay. Chắc chắn một chế độ như vậy cuối cùng sẽ sụp đổ”.

Nhiều nhà phân tích đồng ý rằng Triều Tiên đã không còn nằm trong danh sách ưu tiên của Washington trong vài năm gần đây, và chính phủ Mỹ không còn quan tâm nhiều đến đàm phán hạt phân với Bình Nhưỡng. Cả Washington và Seoul đều đã yêu cầu Bình Nhưỡng phải có những bước đi cụ thể chứng minh cam kết phi hạt nhân hóa trước khi cân nhắc việc nối lại các cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân đã bị đình trệ từ năm 2009.

Nghi Phương
Theo Arirang