1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Iran: Phương Tây nên từ bỏ giọng điệu "dọa nạt"

(Dân trí) - Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad ngày 11/3 cho rằng phương Tây nên từ bỏ giọng điệu "dọa nạt" đối với nước ông, đồng thời khẳng định các biện pháp trừng phạt nhằm vào chương trình hạt nhân của Tehran không khác gì "một đòn tâm lý chiến".

Tổng thống Iran: Phương Tây nên từ bỏ giọng điệu dọa nạt
Tổng thống Ahmadinejad vui đùa với các nhà báo trong lúc chờ gặp Bộ trưởng Năng lượng Tái sinh của Ấn Độ Farooq Abdullah ở Tehran ngày 4/3/2012.

Trong bài phát biểu được truyền hình ở thành phố Karaj, phía Tây Tehran, ông Ahmadinejad khẳng định dân tộc Iran sẽ không sợ gì những quả bom, tàu chiến và máy bay của kẻ thù.

"Họ nói tất cả những lựa chọn đã được bày sẵn trên bàn. Cứ để chúng đấy cho tới khi mục ruỗng. Kỷ nguyên của chủ nghĩa thực dân và ngạo mạn đã hết thời. Kỷ nguyên của những điều vô lý cũng đã hết. Chính họ mới là những người sẽ bị kiệt quệ", ông chỉ trích.

Theo nhà lãnh đạo Iran, Mỹ và các đồng minh trong Liên minh Châu Âu (EU) nên phát ngôn lịch sự, thừa nhận quyền của các dân tộc khác và hợp tác thay vì “giương nanh phô trương vũ khí và đạn dược".

Ông Ahmadinejad đưa ra bình luận trên sau khi Iran và các cường quốc phương Tây đạt được nhất trí về việc nối lại các vòng đàm phán vốn bị đình trệ lâu nay liên quan đến các hoạt động nhân gây tranh cãi của Tehran.

Theo kế hoạch, Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc) sẽ nối lại đàm phán trên tinh thần đối thoại tích cực, mang tính xây dựng và bảo đảm tiến triển thực sự trong việc giải tỏa lo ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, thời gian và địa điểm nối lại thương lượng chưa được ấn định.

Các cuộc đàm phán giữa nhóm P5+1 và Iran bị đổ vỡ từ tháng 1/2011. Từ đó đến nay, Mỹ và các cường quốc phương Tây không ngừng gia tăng các biện pháp trừng phạt cả về kinh tế và ngoại giao đối với Iran nhằm gây sức ép buộc nước này phải ngừng các hoạt động hạt nhân và cho phép thanh sát viên quốc tế tiếp cận toàn diện các cơ sở làm giàu urani.

Nhưng dù chịu sức ép ngày càng tăng từ phương Tây khiến nền kinh tế đã ít nhiều chịu ảnh hưởng, Iran vẫn quyết tâm bảo vệ chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình của mình, đồng thời tuyên bố sẵn sàng "nghênh chiến" khi cần thiết. Tháng trước, Nhà nước Hồi giáo còn cho công bố một loạt thành tựu hạt nhân mới sau khi tiến hành các cuộc tập trận liên tiếp cả trên bộ và trên biển, đặc biệt ở eo biển chiến lược Hormut nơi trung chuyển tới 1/3 lượng dầu của thế giới.

 Vũ Anh
Theo AFP, Reuters