1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng thống Assad không muốn làm quân cờ khi Nga-Mỹ bắt tay?

Khi Nga-Mỹ bắt tay nhau thảo luận về Syria thì chính quyền Tổng thống Assad ngày càng tỏ rõ khát vọng độc lập.

Nga-Mỹ tích cực thảo luận về Syria

Ngày 24/3, trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Mỹ John Kerry tại Moskva, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố đối thoại bình đẳng giữa Nga và Mỹ giúp đạt tiến bộ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để tạo cân bằng lợi ích không chỉ giữa Nga và Mỹ mà cả cộng đồng quốc tế.

Ông Lavrov nhấn mạnh hai nước cần làm tất cả những gì có thể để tiêu diệt phiến quân IS và chủ nghĩa cực đoan bạo lực, đặc biệt là sau loạt vụ khủng bố ở Brussels vừa qua.

Phát biểu tại cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Mỹ đã nhất trí với Ngoại trưởng Nga rằng hai nước đạt tiến bộ về nhiều vấn đề phức tạp, trong đó có việc giúp chính phủ Syria và các nhóm đối lập tại nước này đạt được thỏa thuận ngừng bắn tạm thời.

Ông Kerry cho rằng cần phải sớm giải quyết cuộc khủng hoảng Syria để hai nước có thể hợp tác sang về các vấn đề khác như Yemen, Libya. Ngoại trưởng Mỹ khẳng định các cường quốc như Nga và Mỹ dù có bất đồng về nhiều vấn đề nhưng vẫn có thể hợp tác để đối phó với những thách thức chung.

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng mặc dù lệnh ngừng bắn ở Syria còn mong manh, nhưng mức độ bạo lực đã giảm mạnh tới 85-90%. Tuy nhiên, hai nước đều cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa để chấm dứt hẳn bạo lực ở Syria, cũng như cung cấp trợ giúp nhân đạo cho người dân nước này.

Nga - Mỹ tích cực thảo luận về tình hình Syria
Nga - Mỹ tích cực thảo luận về tình hình Syria

Có thể thấy rằng thời gian gần đây cả Mỹ và Nga đều tích cực tiến hành các cuộc đàm phán, thảo luận song phương nhằm tìm ra các biện pháp tiếp theo, tháo gỡ tình hình căng thẳng đang có dấu hiệu leo thang tại Syria.

Trước đó ngày 14/3, Tổng thống Nga Putin đã tuyên bố Moskva sẽ rút quân khỏi Syria từ ngày 15/3 sau khi đạt được các mục tiêu trên chiến trường đồng thời thúc đẩy nhanh quá trình thảo luận giữa các bên tại vòng hòa đàm mới ở Geneva, Thụy Sĩ.

1 ngày sau đó, Nhà Trắng trong một thông báo phát đi cho biết, Tổng thống Mỹ Obama và người đồng cấp Nga Putin đã có cuộc điện đàm với nhau về Syria trong khi Moskva tuyên bố rút phần lớn quân tại quốc gia Trung Đông.

Theo đó, 2 nhà lãnh đạo Nga – Mỹ đã tiến hành thảo luận việc Tổng thống Putin công bố vào ngày 15/3 sẽ rút bớt lực lượng của Moskva từ Syria và bước tiếp theo để thực hiện thỏa thuận ngừng bắn tiến tới một giải pháp chính trị giải quyết xung đột.

Cùng ngày 15/3, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tiết lộ về kế hoạch thăm Moskva để hội kiến với Tổng thống Putin nhằm thảo luận về cách thức thúc đẩy tình hình Syria.

Ông Kerry cho rằng thế giới có thể đã có cơ hội tốt nhất để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua tại Syria với việc Nga rút quân theo kế hoạch khỏi nước này, cùng với việc nối lại các cuộc hòa đàm tại Geneva (Thụy Sĩ).

Cụ thể hóa tuyên bố trên, ngày 23/3, ông Kerry đã chính thức đến Moskva bắt đầu cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Nga về vấn đề Syria.

Giới chức Mỹ coi động thái liên quan tới tương lai của Tổng thống Assad là yếu tố then chốt để tạo đà cho cuộc hòa đàm do Liên hợp quốc bảo trợ tại Geneva nhằm chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria.

Chính quyền Assad nỗ lực độc lập

Có thể thấy rằng dù cả Nga, Mỹ cũng như Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đang tích cực thảo luận về một giải pháp chính trị mới ở Syria cũng như tương lai của Tổng thống Assad, tuy nhiên Damascus vẫn không hề khuất phục mà vẫn nỗ lực từng ngày để giành độc lập từ bàn ngoại giao tới chiến trường.

Ngày 23/3, ông Bashar al-Jaafari, trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Syria tại Geneva (Thụy Sĩ) tuyên bố không cường quốc nào được phép can thiệp vào các cuộc hòa đàm tại Geneva và cuộc gặp Nga-Mỹ tại Moskva sẽ không ảnh hưởng tới tiến trình hòa đàm.

Chính quyền Assad nỗ lực độc lập.
Chính quyền Assad nỗ lực độc lập.

"Khi chúng ta nói rằng đối thoại là giữa những người Syria và không có sự can thiệp từ bên ngoài thì điều này cũng áp dụng với cả người Mỹ và người Nga", ông Bashar al-Jaafari nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Jaafari cho rằng, vòng đàm phán ở Syria sắp kết thúc và việc Nga có thể can thiệp vào hòa đàm là điều "không tưởng".

Trả lời về số phận của Tổng thống Assad, ông al-Jaafari cũng khẳng định rằng Tổng thống Assad không có gì để làm với các cuộc thảo luận nội bộ Syria và số phận chính trị của ông vốn đã không nằm trong các vấn đề thảo luận tại bàn đàm phán hòa bình.

Thậm chí, ngay trước khi cử phái đoàn tới Geneva (14/3), chính quyền Damascus đã một lần nữa tuyên bố từ chối đàm phán về việc tiến hành bầu cử tổng thống sớm để thay thế ông Assad.

“Không có cái gì gọi là giai đoạn chuyển giao cả. Có những từ ngữ mà chúng ta cần phải cẩn trọng. Cuộc thảo luận về vấn đề đó sẽ đến vào lúc thích hợp”, ông Jaafari nhấn mạnh.

Ngoài ra, chính phủ Syria cũng không nhất trí với chương trình nghị sự do ông Staffan de Mistura đưa ra, trong đó dự kiến thảo luận việc tiến hành bầu cử tổng thống và quốc hội ở nước này trong vòng 18 tháng tới.

Phó Thủ tướng, Ngoại trưởng Syria Walid Al-Moallem tái khẳng định rằng, mọi nỗ lực đàm phán về tương lai của Tổng thống là không thể chấp nhận được.

“Đây là lời khuyên tôi dành cho họ. Nếu họ vẫn muốn giữ ý tưởng rằng ông Bashar Al-Assad phải từ chức thì họ nên quên ngay cuộc hòa đàm này đi. Chúng tôi sẽ không đàm phán về tương lai của Tổng thống với bất cứ ai. Đây là giới hạn đỏ của chúng tôi và quyết định đó phải thuộc quyền của người dân Syria.” Ngoại trưởng Syria nói.

Khi vòng đàm phán hòa bình lần thứ 3 bước vào giai đoạn căng thẳng thì ngày 21/3, ông Bashar Jaafari tiếp tục nêu rõ tương lai của ông Assad "không có mối liên quan gì" tới các cuộc đàm phán hòa bình cho quốc gia này. Ông nhấn mạnh chính quyền Syria vẫn đặt ưu tiên hàng đầu cho nỗ lực chống khủng bố.

"Điều khoản thảo luận của chúng tôi không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến những vấn đề của Tổng thống Cộng hòa Arab Syria", ông Jaafari nhấn mạnh.

Trưởng đoàn đàm phán Syria khẳng định, Damascus cam kết theo đuổi đàm phán và phái đoàn do ông đứng đầu “đã nhận được những chỉ thị rõ ràng từ giới lãnh đạo về việc can dự thực chất trong các cuộc thảo luận”.

Rõ ràng có thể thấy rằng Damascus vẫn không hề nao núng và từ bỏ quyết tâm bảo vệ độc lập và thể chế của mình trước sức ép từ các ông lớn trong phiên đàm phán hòa bình tại Syria và thực tế chiến trường càng chứng minh điều đó.

Theo Hồng Sơn (Tổng hợp)

Đất Việt