1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng quan về hiện trạng năng lượng của Iran

Iran là nước có trữ lượng dầu mỏ đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Ảrập Xêút và nắm vị trí á quân về sản lượng khí đốt, sau Nga. Với vị trí chiến lược cùng mạng lưới ống dẫn dầu chằng chịt, nước này đang đóng vai trò không thể thiếu đối với ngành năng lượng toàn cầu.

Nhưng kể từ sau cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, các nhân tố quốc tế và trong nước đã cản trở Iran sử dụng tối ưu nguồn năng lượng khổng lồ của mình.

 

Theo tính toán, Iran cung ứng khoảng 5% lượng dầu mỏ cho toàn thế giới. Nhưng hàng loạt nguyên nhân đang khiến tiềm lực năng lượng của nước này không phát huy hết được tiềm năng.

 

Lệnh cấm vận của Mỹ

 

Lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Iran chịu ảnh hưởng tiêu cực và không được đầu tư thoả đáng do quyết định cấm vận của Mỹ trong suốt hơn 2 thập kỷ qua.

 

Những biện pháp trừng phạt của Mỹ không chỉ ngăn cản các công ty của nước này vào Iran làm ăn, mà còn làm nản lòng doanh nghiệp các nước khác và những tập đoàn đa quốc gia muốn đến đây đầu tư.

 

Mạng lưới ống dẫn

 

Iran sở hữu một mạng lưới đường ống dẫn dầu và khí đốt khổng lồ, hoàn toàn có khả năng trở thành đối thủ chính về các dự án trong vùng về lĩnh vực này. Nhưng Mỹ luôn nỗ lực để các hệ thống đường ống mới ở Trung Đông và Trung Á không dính dáng đến Iran.

 

Ngoài ra, Mỹ còn gây sức ép với New Delhi để ngăn cản một dự án đường ống dẫn khí quy mô từ Iran qua Pakistan tới Ấn Độ. Số phận của kế hoạch xây dựng này vẫn còn đang treo lơ lửng.

 

Trợ cấp xăng dầu

 

Việc xăng dầu được bao cấp rất nặng nề tại Iran đã dẫn đến hai hệ quả. Đó là mức độ tiêu dùng rất cao ở trong nước và vấn nạn buôn lậu xăng dầu quy mô lớn qua biên giới để bán cho các nước láng giềng, nơi có giá nhiên liệu cao hơn nhiều so với Iran.

 

Bên cạnh đó, do thiếu các nhà máy lọc dầu cộng với sự tiêu thụ nhiên liệu một cách lãng phí khiến Iran phải thường xuyên nhập khẩu xăng dầu, mặc dù đây là một trong những nước khai thác dầu thô và khí đốt lớn nhất của thế giới.

 

Biển Caspian

 

Trước đây, Iran và Liên Xô tuân thủ các hiệp ước song phương ký vào các năm 1921 và 1940 về việc phân chia biển Caspian. Nhưng sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến số quốc gia nằm ven vùng biển kín này tăng từ 2 lên 5, gồm Azerbaijan, Iran, Kazakhstan, Nga và Turkmenistan.

 

Tình trạng trên làm nảy sinh những bất đồng xung quanh việc quản lý biển Caspian mà cho đến nay vẫn chưa giải quyết được. Quyết định cuối cùng về vấn đề này chắc chắn sẽ liên quan đến việc phân chia quyền khai thác nguồn dầu khí trên biển Caspian.

 

Năng lượng hạt nhân

 

Chương trình năng lượng hạt nhân của Iran đang gây ra những tranh cãi gay gắt trên trường quốc tế. Một số quốc gia chỉ trích Tehran xung quanh hoạt động này vì cho rằng, Iran có trữ lượng lớn dầu mỏ và khí đốt nên không cần đến năng lượng hạt nhân.

 

Tehran lập tức "đập" lại rằng, sự phản đối của phương tây đối với chương trình hạt nhân của họ chẳng qua do động cơ chính trị. Bằng chứng là việc không hề có ý kiến phản đối nào đối với dự án nhà máy điện hạt nhân Bushehr khi nó được khởi công trước cuộc cách mạng năm 1979, với sự giúp đỡ của Đức.

 

Iran cũng khẳng định, nếu có thể sử dụng được năng lượng hạt nhân để đáp ứng các nhu cầu trong nước, họ sẽ xuất khẩu được nhiều dầu thô hơn và tăng nguồn thu ngoại tệ. Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng hiện nay khi cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran đang được Hội đồng Bảo an tranh cãi, Tehran hoàn toàn có khả năng phải đối mặt với lệnh trừng phạt của quốc tế.

 

Năng lượng tái sinh

 

Theo giám đốc Tổ chức các năng lượng mới của Iran, 0,2% nguồn thu từ dầu mỏ của nước này, tương đương hàng triệu USD, đã được sử dụng để phát triển các nguồn năng lượng mới. Theo kế hoạch, chúng sẽ đáp ứng khoảng 1% nhu cầu tiêu dùng năng lượng của Iran trong 5 năm tới.

 

Tổ chức các năng lượng mới của Iran cùng với các cơ quan khác đang xây dựng "tập bản đồ gió", đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân và sự hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng hàng loạt nhà máy điện sử dụng nguồn nhiên liệu sạch và vô tận này.

 

Theo Đình Chính

Vnexpress/BBC