1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Toan tính Trung Quốc khi bất ngờ dịu giọng với Ấn Độ

Đối với biên giới Trung Quốc, nếu chiến tranh Trung-Ấn bùng nổ lúc này là điều vô cùng bất lợi cho Bắc Kinh.

Trong bối cảnh leo thang căng thẳng biên giới Trung-Ấn, Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval đã có chuyến thăm Bắc Kinh trong 2 ngày 27-28/7.

Ông Doval đã có cuộc gặp riêng với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì để thảo luận về "các vấn đề chính" trong quan hệ song phương.

Trong hội nghị, ông Dương bày tỏ, hai bên Trung-Ấn cần tăng cường tin cậy lẫn nhau bởi hai nước "vốn không phải sinh ra là kẻ thù của nhau".


Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: Reuters

Cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ Ajit Doval và Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì. Ảnh: Reuters

Ngoài gặp gỡ Dương Khiết Trì, ông Doval còn có cuộc tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Điều này hoàn toàn trái ngược với tuyên bố của Bắc Kinh trước đó, "trước khi Ấn Độ rút quân, sẽ không có cuộc đàm phán nào".

Cuộc tiếp xúc giữa hai ông Doval và Dương Khiết Trì cho thấy, Trung Quốc chưa hẳn nhượng bộ nhưng là một phương thức mềm mỏng thể hiện "thiện chí" của Bắc Kinh: Không mong muốn cuộc đối đầu này tiếp tục leo thang căng thẳng, gây ảnh hưởng tới quan hệ Trung-Ấn, ảnh hưởng tới tình hình biên giới xung quanh Trung Quốc và tạo bất lợi cho cục diện ngoại giao về sáng kiến Vành đai và con đường của ông Tập.

Đối với Trung Quốc, nước này hiện đang đối mặt với áp lực về cuộc cải cách kinh tế trong nước, như thế nào để duy trì tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập đang trở thành tâm điểm chú ý của các lãnh đạo Trung Quốc.

Đặc biệt, Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc khóa 19 sắp khai mạc vào mùa thu năm nay nên Bắc Kinh cũng cần duy trì một môi trường đối nội và đối ngoại ổn định. Môt trường đối nội-đối ngoại hòa bình là một đảm bảo cho sự phát triển của Trung Quốc.

Mặt khác, đối với biên giới Trung Quốc, nếu chiến tranh Trung-Ấn bùng nổ lúc này là điều vô cùng bất lợi cho Bắc Kinh.

Đầu tiên, vấn đề bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được giải quyết, Triều Tiên-Hàn Quốc đang ở trong mối quan hệ căng thẳng, thậm chí không loại trừ khả năng Mỹ có thể nhân xung đột Trung Ấn để tấn công Bình Nhưỡng. Nếu dự đoán trên xảy ra sẽ đem lại nhiều nhân tố bất ổn cho khu vực Đông Bắc Á khiến Trung Quốc không thể không đề phòng.

Ngoài ra, tuyến đường thương mại trên biển Ấn Độ Dương có ý nghĩa vô cùng quan trọng với Bắc Kinh. Nếu Trung-Ấn thực sự bùng phát chiến tranh, hải quân Ấn Độ có thể cắt đứt tuyến đường hàng hải này, buộc Bắc Kinh phải phái lực lượng quân sự tới đối đầu.

Hiện nay, trên toàn thế giới chỉ có hải quân Mỹ đồng thời có sức mạnh cùng lúc đối mặt với hai mặt trận. Nếu hải quân Trung Quốc rơi vào cuộc chiến ở Ấn Độ Dương, biển Hoa Đông gần như trở thành "vườn không nhà trống".

Rõ ràng, chiến tranh là điều mà cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không mong muốn, dù trước chuyến thăm nói trên, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều có thái độ cứng rắn.

Phát ngôn viên của quân đội Trung Quốc từng tuyên bố sẽ "bảo vệ chủ quyền của nước này bằng mọi giá". Trong khi đó, dù đang trong tình trạng thiếu chiến đấu cơ, không quân Ấn Độ vẫn sẵn sàng đối đầu "nguy cơ chiến tranh toàn diện".

Trung Quốc và Ấn Độ có đường biên giới chung dài chưa được phân và các vụ va chạm nhỏ xảy ra nhiều lần. Nhưng căng thẳng lần này được coi là là nghiêm trọng nhất trong thập kỷ qua.

Bhutan cáo buộc Trung Quốc xây dựng đường tràn vào lãnh thổ nước này hôm 16/6. Ấn Độ cho biết đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt thay đổi tình hình biên giới. Sau đó, Trung Quốc buộc tội Ấn Độ xâm nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ và yêu cầu Ấn Độ rút quân trước khi bất cứ một cuộc đàm phán chính thức nào diễn ra.

Theo An Nhiên

Báo Đất việt