1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tính xây siêu đập lớn hơn cả Tam Hiệp, Trung Quốc gây quan ngại

Minh Phương

(Dân trí) - Trung Quốc được cho là đang lên kế hoạch xây dựng một siêu đập ở Tây Tạng tạo điện năng lớn gấp 3 lần đập Tam Hiệp. Kế hoạch này khiến Ấn Độ và các nhà hoạt động môi trường quan ngại.

Tính xây siêu đập lớn hơn cả Tam Hiệp, Trung Quốc gây quan ngại - 1
Trung Quốc có ý định xây siêu đập ở Tây Tạng (Ảnh: AFP).

AFP đưa tin ngày 11/4, dự án xây siêu đập trên đã được đề cập trong bản kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (2021 - 2025) được chính phủ Trung Quốc công bố tại kỳ họp quốc hội thường niên hồi tháng trước.

Theo kế hoạch, công trình này sẽ bắc qua sông Brahmaputra (hay còn gọi là Yarlung Tsangpo), dòng nước chảy qua dãy Himalaya và chảy vào Ấn Độ. Dự án được kỳ vọng sẽ sản xuất 300 tỷ kW điện mỗi năm. Tuy nhiên, hiện giới chức Trung Quốc chưa đưa ra kế hoạch chi tiết, thời gian và kinh phí xây dựng.

Sông Brahmaputra đã có các con đập khác ở thượng nguồn, 6 dự án đập đang trong quá trình xây dựng ở khu vực này. Tuy nhiên, dự án siêu đập này của Trung Quốc đặc biệt gây chú ý.

Tháng 10 năm ngoái, chính quyền Tây Tạng đã ký một thỏa thuận hợp tác chiến lược với công ty điện lực PowerChina - một công ty chuyên về các dự án thủy điện.

Với dự án này, Bắc Kinh có thể lập luận rằng đây là giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch và thân thiện với môi trường hơn. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường chỉ trích dự án giống như họ từng chỉ trích đập Tam Hiệp của Trung Quốc xây dựng từ năm 1994 đến năm 2012. Để xây đập Tam Hiệp, Trung Quốc đã phải di dời 1,4 triệu dân ở thượng nguồn.

"Xây một con đập với kích thước lớn như này là một ý tưởng tồi tệ với nhiều lý do khác nhau", Brian Eyler, giám đốc chương trình bền vững, năng lượng và nước của Trung tâm nghiên cứu Stimson (Mỹ), nhận định. Theo chuyên gia này, ngoài ảnh hưởng địa chất, dự án có thể ảnh hưởng đến sự đa dạng sinh học của khu vực này. Con đập sẽ ngăn các loài cá di cư, cũng như chặn dòng chảy của phù sa.

Ngoài ra, dự án có thể kéo theo các rủi ro hệ sinh thái và rủi ro chính trị, Tempa Gyaltsen Zamlha, một chuyên gia về chính sách môi trường thuộc Viện Chính sách Tây Tạng, nhận định. Dự án cũng gây lo ngại cho Ấn Độ khi các chuyên gia cho rằng Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát phần lớn nguồn cung cấp nước ở Nam Á.