Tình hình Biển Đông: Indonesia tăng quân, Thái Lan kêu gọi khẩn
Trước tham vọng bá quyền ngày càng lớn của Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến các nước trong khu vực không thể khoanh tay đứng nhìn.
Động thái của Indonesia
Ngày 25/2, phỏng vấn độc quyền của tờ “Sankei” (Nhật Bản) với Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết, Indonesia từng luôn thận trọng trong vấn đề Biển Đông, nhưng do tình hình khu vực diễn biến bất ổn đã buộc nước này có những thay đổi mạnh mẽ, thậm chí còn lên kế hoạch tăng gấp quân số ở khu vực Biển Đông.
Cụ thể, trong cuộc phỏng vấn tiến hành hôm 24/2 và được tờ Sankei đăng tải ngày 25/2 này, ông Ryamizard Ryacudu cho biết nhằm ứng phó với mối đe dọa quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, Indonesia sẽ tăng gấp đôi binh lực cho khu vực Biển Đông, từ 2.000 quân lên 4.000 quân.
Bộ trưởng Ryamizard Ryacudu nhấn mạnh mục tiêu của Tổng thống Joko Widodo là phát triển Indonesia thành cường quốc hải dương, cho nên phải ngăn chặn tận gốc hoạt động đánh bắt phi pháp của ngư dân nước ngoài để bảo vệ lợi ích của mình.
Theo ông này, Indonesia còn có kế hoạch bố trí 3 tàu hộ vệ, tăng cường trang bị radar và máy bay chiến đấu, khi cần thiết sẽ tăng cường thêm lượng đặc nhiệm. Ngay trước khi công khai kế hoạch này, Indonesia đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng cho năm tài khóa 2016 thêm 2,5 tỷ USD.
Thông tin này được trang Antara News dẫn lời Chủ tịch Ủy ban I của Hạ viện Indonesia, Mahfudz Siddiq cho biết, ủy ban này đã đồng ý đề xuất tăng ngân sách quốc phòng thêm 37.000 tỷ rupiah (2,5 tỷ USD) trong năm 2016 để mua sắm thêm các vũ khí mới.
"Về nguyên tắc, Ủy ban I nhất trí đề xuất tăng ngân sách quốc phòng thêm 37.000 tỷ rupiah”. Ông Mahfudz Siddiq cho biết trong khoản 37.000 tỷ rupiah tăng thêm, 30.000 tỷ rupiah sẽ được sử dụng để mua vũ khí mới.
Gần đây, Indonesia đã đồng ý mua một phi đội máy bay tiêm kích Su-35 của Nga như là một phần của chương trình hiện đại hóa quân sự nước này. Giá trị thương vụ này vào khoảng 1 tỷ USD.
Trong dự thảo ngân sách quốc phòng cho năm 2016, Indonesia đề xuất chi ngân sách 95.000 tỷ rupiah (6,4 tỷ USD). Tuy nhiên mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu đã đề xuất tăng ngân sách thêm 2,5 tỷ USD nữa để mua thêm các thiết bị quân sự và cải thiện chế độ phúc lợi cho binh sĩ.
Ông Ryacudu cũng đề nghị dành 450 tỷ rupiah (30,7 triệu USD) để củng cố các căn cứ quân sự ở các khu vực biên giới chẳng hạn như đảo Natuna ở Biển Đông.
Phản ứng của Thái Lan
Phản ứng trước những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông trong thời gian gần đây, nhất là việc Bắc Kinh đưa tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, ngày 22/2, tờ Bangkok Post đã gọi hành động này là khiêu khích không cần thiết và ASEAN phải ngăn chặn Trung Quốc.
Bangkok Post cho rằng lo ngại về khu vực Biển Đông không hề suy giảm khi kỳ vọng về một khối ASEAN đoàn kết, như lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ ASEAN, một lần nữa không thể đạt được.
Việc ASEAN tiếp tục thể hiện sự thiếu mạnh mẽ là một bất lợi lớn trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng sự hiện diện của mình và Mỹ đang tập trung hơn vào khu vực Đông Nam Á, theo Bangkok Post.
Tờ báo này khẳng định, Biển Đông hiện là mối quan tâm trực tiếp của các nước trong khu vực, và rõ ràng ASEAN cần có những biện pháp ngoại giao cứng rắn để đối mặt với Trung Quốc, nếu không muốn tình hình trở nên hỗn loạn và bạo lực.
Kế hoạch mới của Mỹ
Hôm 24/2, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, cho biết Washington sẽ thực thi quyền tự do hàng hải và hàng không mạnh mẽ hơn ở Biển Đông, bằng cách cho tàu và máy bay hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
“Chúng ta có thể xem xét việc đưa tàu ngầm tấn công, tàu khu trục… ra đó (Biển Đông). Có rất nhiều điều chúng ta có thể làm”– ông Harris nói tại phiên điều trần của Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ hôm 24/2.
Trong khi đó, để đối phó với bất ổn tại Biển Đông, Australia đang tăng cường quan hệ liên minh với Mỹ, đồng thời tăng chi tiêu quân sự giữa lúc căng thẳng trong khu vực leo thang vì những hành vi đơn phương sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông.
Australia sẽ tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% của tổng sản phẩm quốc nội (tương đương 58 tỉ AUD) từ nay đến năm 2023 để bảo vệ lợi ích của nước này và các đồng minh trước sự bành trướng nguy hiểm của Trung Quốc ở châu Á – Thái Bình Dương. Con số này trong tài khóa hiện nay là 32 tỉ AUD.
Theo Reuters, ngân sách quốc phòng của Australia dự kiến tăng lên 195 tỉ AUD (khoảng 140 tỉ USD) vào năm 2021 hoặc 2022. Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cnn cho biết, nước này sẽ mua thêm 12 tàu ngầm, đóng 9 tàu khu trục và 12 tàu tuần tra xa bờ. Đối tác cung cấp tàu ngầm cho Canberra sẽ được công bố vào cuối năm 2016.
Theo Tuấn Vũ
Đất Việt