1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tình báo Đức từng giúp Mỹ ám sát Saddam Hussein?

Nhân viên tình báo Đức (BND), dưới lớp vỏ bọc nhân viên ngoại giao, từng có những mối quan hệ “hữu hảo” với chế độ Saddam Hussein. Nhưng vào đầu năm nay, một số tờ báo Mỹ và Đức dẫn các tài liệu mật của Lầu Năm Góc cho biết nhân viên BND cũng từng giúp Washington ám sát cựu tổng thống Saddam Hussein.

Xì-căng-đan nói trên bùng nổ ngay trong ngày tân thủ tướng Đức, bà Angela Merkel, đến Washington viếng thăm chính thức nước Mỹ (12/1/2006). Sáng thứ sáu hôm ấy, tạp chí Der Spiegel, nhật báo Suddeuutsche Zeitung và kênh truyền hình ARD đồng loạt đưa tin tình báo Đức từng giúp Lầu Năm Góc ném bom vào chỗ trú ẩn của Saddam Hussein nhằm tiêu diệt ông này. Nếu đúng như vậy thì một bí mật bị “trùm mền” từ hơn 4 năm nay giờ đây mới được “bật mí”.

 

Không phải ném bom lầm

 

Bí mật đó là ai đã cung cấp tin Saddam Hussein, hai con trai của ông này là Qusay và Uday chủ trì một cuộc họp với ban lãnh đạo đảng Baath cầm quyền và khoảng 30 nhân viên tình báo Iraq vào ngày 7/4, trong một hầm ngầm bí mật xây dựng dưới sàn nhà hàng Al-Saa nằm trong khu thương mại sầm uất Mansour của thủ đô Baghdad? 15 giờ chiều hôm ấy, trong vòng 12 phút, một chiếc máy bay ném bom tàng hình kiểu B-1B của không quân Mỹ ném 4 quả bom loại GBU-31 có khả năng xuyên hầm bê tông, mỗi quả chứa 900 kg thuốc nổ xuống nhà hàng. Vụ ném bom này tạo ra những hố bom rất lớn, 14 thường dân Iraq thiệt mạng nhưng cuộc họp đã không diễn ra vào giờ đó. Mỹ tất nhiên không nói rõ vì sao ném bom vào một nhà hàng. Họ chỉ nói có lẽ quả bom đi lạc.

 

Cuộc họp do Mukhabarat – cơ quan tình báo Iraq – sắp xếp với lập luận rằng Mỹ sẽ không dám ném bom vào một khu phố đông đúc dân cư, hơn nữa là một nhà hàng ăn uống. Thế nhưng do có người chỉ điểm, nên Mỹ vẫn thực hiện cuộc mưu sát với hy vọng tiêu diệt toàn bộ “đầu não” Iraq. Ai đã chỉ điểm? Các quan chức Mỹ thoạt đầu nói bóng nói gió rằng có người Iraq báo. Nhưng không mấy ai tin vào điều này. Có rất nhiều lời đồn đại nhưng không ai nghĩ rằng BND dính líu đến kỳ án này.

 

Theo Der Spiegel, 3 ngày trước khi Mỹ mở cuộc tấn công xâm lăng Iraq vào ngày 20/3/2003, tòa đại sứ Đức tại Baghdad đóng cửa rút hết nhân viên về nước. Tuy nhiên có ít nhất 2 nhân viên BND ở lại trú ẩn trong một căn nhà bí mật theo lệnh của thủ trưởng BND lúc bấy giờ là August Hanning. Tại đây – Der Spiegel kể – họ đã “ giúp người Mỹ xác định những mục tiêu phi quân sự như trường học, tòa đại sứ, bệnh viện... để không ném bom lầm”. Một nhiệm vụ mà sau này BND gọi là “tình báo nhân đạo”. Nhưng họ giấu biệt câu chuyện sau đây.

 

Kênh truyền hình ARD trích dẫn lời một “cựu nhân viên Lầu Năm Góc” cho biết người của BND đã điềm chỉ mục tiêu, thậm chí tổ chức những điệp vụ theo yêu cầu của Mỹ. Âm mưu ám sát Saddam Hussein là một ví dụ điển hình nhất. Theo ARD, ngay sau khi nhận được tin báo có một đoàn xe Mercedes màu đen của Chính phủ Iraq ghé vào nhà hàng Al-Saa, Mỹ đã yêu cầu người của BND đến nhà hàng để xác minh có mặt ông Hussein đi trên một chiếc xe limousine bọc thép hay không. BND đã làm y như thế và xác nhận rằng có. 45 phút sau, máy bay Mỹ đã hành động ngay.

 

Cú sốc khó nuốt

 

 

Tình báo Đức từng giúp Mỹ ám sát Saddam Hussein? - 1

Những gì còn lại của nhà hàng Al-Saa.

Xì-căng-đan nói trên chưa kịp nguội thì vào ngày 27/2 đến lượt nhật báo Mỹ The New York Times đổ thêm dầu vào lửa. Michael Gordon, phóng viên chiến trường của tờ báo này, cho biết đã tiếp cận được một nghiên cứu quân sự của Mỹ do bộ chỉ huy liên quân Mỹ chuẩn bị năm 2005 tái hiện toàn bộ chiến lược quân sự của Saddam Hussein... Tài liệu mật này nói có 2 người của BND ở Baghdad đã sao chép được một bản phác thảo kế hoạch phòng thủ thủ đô Iraq đựng trong một chiếc cặp nhựa trong suốt. Nó đã được trình lên Saddam Hussein và các sĩ quan chỉ huy cao cấp Iraq vào tháng 12/2002. Tài liệu của Mỹ viết hết sức cụ thể “Mỹ nhận được bản phác thảo ngày 3/2/2003. Tài liệu này do sĩ quan liên lạc tình báo Đức ở Qatar cung cấp cho DIA (Tình báo quân đội Mỹ) vài tuần trước khi Mỹ gây hấn với Iraq”. Lầu Năm Góc đã dựa vào tài liệu này để tiến hành chiến dịch xâm lăng Iraq theo kiểu “tốc chiến, tốc thắng” bởi đã nắm được các tử huyệt của Iraq.

 

Việc BND gắn bó “trên mức bình thường” với bộ máy chiến tranh Mỹ trước và sau cuộc chiến Iraq 2003, qua 2 thí dụ kể trên, đã gây một cú sốc chính trị lớn ở Berlin. Sau bài báo của The New York Times, người phát ngôn chính phủ Đức lập tức bác bỏ: “Bài báo nói không đúng sự thật. BND và chính phủ chúng tôi chưa từng hay biết gì về kế hoạch đó”.

Điều đáng nói là nếu chính phủ bà Merkel bối rối một, thì cựu thủ tướng Gerhard Schroeder bối rối đến mười. Nó chứng minh rằng chính phủ ông Schroeder hồi đó chỉ “phản chiến” ở bề ngoài. Sáu tháng trước khi chiến tranh Iraq bùng nổ, trong một nỗ lực giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai dự đoán rất gay cấn, ông Schroeder dõng dạc tuyên bố: “Đức sẽ không tiến hành một cuộc phiêu lưu nào dưới quyền lãnh đạo của tôi”. Ông cũng tỏ rõ khí phách của một người chống chiến tranh Iraq bằng cách gọi Tổng thống Bush là “một gã cao bồi, một hoàng đế La Mã tân thời, nói láo như Hitler”.

 

Nhờ mạnh miệng chỉ trích chính sách của Mỹ ở Iraq mà ông tái đắc cử. Có ai ngờ, đằng sau hậu trường, BND được bật đèn xanh gián tiếp giúp Mỹ thực hiện những cuộc ném bom ở Iraq chính xác như trong phẫu thuật. Chế độ ông Saddam Hussein sụp đổ nhanh chóng hơn người ta tưởng.

 

Các đảng phái đối lập trong Quốc hội Đức - Đảng Cộng sản, Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do trung hữu – nhân cơ hội này yêu cầu mở một cuộc điều tra về những gì mà tờ báo Mỹ tiết lộ. Ngay trong nội bộ Đảng Dân chủ Xã hội của ông Schroeder cũng có người bức xúc. Elmar Brok, Chủ tịch Ủy ban Ngoại vụ của Nghị viện châu Âu, đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội, nói rằng nếu báo chí nói đúng thì phải xem xét lại tính trung thực của BND bởi nó có thể hủy diệt uy tín của ông Schroeder và cựu ngoại trưởng Joshkar Fisher, người chịu trách nhiệm cuối cùng về BND.

 

Theo Nguyễn Cao

Người lao động