Tín hiệu tích cực cho hồi kết của cuộc chiến Nga - Ukraine
(Dân trí) - Slovakia cho rằng tuyên bố gần đây của Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể là tín hiệu tích cực cho việc chấm dứt xung đột Ukraine.
"Ngoại giao Slovakia đã sẵn sàng đóng góp tích cực vào tiến trình hòa bình theo cách này và chúng tôi cũng đã thông báo lựa chọn này cho các đối tác Ukraine tại một cuộc họp nội các chung vào tháng 10", Ngoại trưởng Slovakia Juraj Blanar cho biết trong một tuyên bố được đưa ra vào ngày 26/12.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Blanar được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng Slovakia là địa điểm thích hợp cho các cuộc đàm phán tiềm năng trong tương lai về giải quyết xung đột Ukraine.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau hội nghị tại St. Petersburg vào ngày 26/12, nhà lãnh đạo Nga xác nhận Slovakia sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình để giải quyết xung đột Ukraine.
Slovakia luôn ủng hộ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine, khác với các quốc gia EU khác khi phản đối việc cung cấp vũ khí cho Kiev. Theo Tổng thống Putin, lập trường này của Slovakia cho thấy họ là một bên trung lập tiềm năng.
"Chính quyền Slovakia sẽ rất vui khi đất nước của họ làm nơi diễn ra các cuộc đàm phán. Chúng tôi không phản đối, nếu điều đó xảy ra. Tại sao không? Vì Slovakia có lập trường trung lập", ông Putin nói, đồng thời tuyên bố đây là "một lựa chọn có thể chấp nhận được".
Ngoại trưởng Blanar khẳng định Slovakia từ lâu đã tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Nhà ngoại giao này khẳng định những bình luận của Tổng thống Putin là một "tín hiệu tích cực" cho việc chấm dứt chiến tranh.
Ý tưởng chọn Slovakia làm nơi tổ chức các cuộc đàm phán cho xung đột Ukraine đã được đưa ra trong cuộc gặp của Tổng thống Putin và Thủ tướng Slovakia Robert Fico vào đầu tuần này.
Sau cuộc gặp, Thủ tướng Fico cho biết hai nhà lãnh đạo đã "trao đổi quan điểm về tình hình quân sự ở Ukraine" và xem xét các khả năng sớm kết thúc hòa bình cuộc xung đột.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhiều lần chỉ trích Slovakia, quốc gia có chung đường biên giới với Ukraine, vì lập trường thân thiện mà Thủ tướng Fico đã dành cho Nga kể từ khi ông trở lại nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2023.
Những suy đoán về khả năng đàm phán hòa bình Nga - Ukraine tăng lên sau chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng trước. Ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa đã nhiều lần tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt xung đột.
Ông Trump không nêu bất kỳ chi tiết cụ thể nào về đề xuất giải quyết xung đột, nhưng truyền thông Mỹ trích dẫn một số nguồn tin giấu tên nói rằng kế hoạch có thể liên quan đến việc "đóng băng" xung đột theo chiến tuyến hiện tại.
Tuy nhiên, cả Moscow và Kiev đều bác bỏ ý tưởng ngừng bắn vô điều kiện, cho rằng đóng băng xung đột chỉ tạo điều kiện cho đối phương tái tập hợp lực lượng cho các cuộc tấn công trong tương lai.
Moscow tuyên bố sẵn sàng đàm phán, miễn là tính đến "tình hình thực địa" về lãnh thổ, với việc Kiev chấp nhận rằng họ sẽ không bao giờ giành lại quyền kiểm soát các khu vực mà Nga đã tuyên bố sáp nhập gồm Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia cũng như Crimea.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sky News hôm 29/11, Tổng thống Zelensky bất ngờ để ngỏ ký thỏa thuận ngừng bắn với Nga. Đây là lần đầu tiên kể từ khi xung đột nổ ra cách đây gần 3 năm, ông Zelensky phát tín hiệu sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận ngừng bắn với Nga, đổi lại, NATO sẽ bảo trợ các vùng lãnh thổ hiện do Ukraine kiểm soát.
Trong suốt cuộc xung đột kéo dài gần 3 năm qua, chính quyền của ông Zelensky luôn tuyên bố hòa đàm chỉ diễn ra khi Nga rút hết quân và khôi phục lại đường biên giới năm 1991 cho Ukraine.
Theo giới quan sát, những bước lùi trên chiến trường của Ukraine cũng như việc Tổng thống đắc cử Trump theo đuổi giải pháp nhằm nhanh chóng chấm dứt xung đột là hai trong số các lý do khiến Kiev thay đổi lập trường.