1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tìm lại bình yên

Tròn 6 tháng kể từ ngày xảy ra vụ bê bối chính trị khiến cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bị luận tội và mất chức, giờ đây, người dân Hàn Quốc đang bắt đầu hy vọng vào một thời kỳ mới-thời kỳ đất nước, người dân Hàn Quốc tìm lại bình yên, thịnh vượng, hòa hợp, sau khi Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc thông báo ông Moon Jae-in đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9-5 và bắt đầu nhiệm kỳ Tổng thống kéo dài 5 năm.

Người dân xứ sở Kim chi ngày 9-5 đã tin tưởng vào ông Moon Jae-in, một cựu luật sư về nhân quyền, khi có tới hơn 40% số phiếu ủng hộ để ông trở thành nhà lãnh đạo mới giúp đất nước tháo gỡ những khó khăn trong nước, hàn gắn sự chia rẽ, chống tham nhũng, mất cân bằng kinh tế, thất nghiệp và những hậu quả của mô hình kinh tế "gia đình trị"...

Những hy vọng của người dân Hàn Quốc hoàn toàn có cơ sở khi ngay trong lễ nhậm chức sáng 10-5, tân Tổng thống Moon Jae-in cho biết, ông sẵn sàng đến thăm CHDCND Triều Tiên trong hoàn cảnh "thích hợp", cũng như tiến hành đàm phán với Trung Quốc và Mỹ về việc triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đang gây tranh cãi.

Những khẳng định của tân Tổng thống Hàn Quốc cũng cho thấy rõ nhiệm vụ và con đường mà đất nước Hàn Quốc và nhà lãnh đạo theo quan điểm tự do này lựa chọn.

Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Yonhap)
Tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. (Nguồn: Yonhap)

Ông Moon Jae-in được thừa hưởng lãnh đạo nền kinh tế lớn thứ tư châu Á là một lợi thế, nhưng trong bối cảnh Mỹ tăng cường chủ nghĩa bảo hộ và Trung Quốc âm thầm tiến hành trả đũa kinh tế (đối với việc triển khai THAAD) bằng cách hạn chế nhập khẩu hàng hóa Hàn Quốc trong mấy tháng gần đây, làm thế nào để bù đắp cho nền kinh tế vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, với kim ngạch xuất khẩu chiếm gần một nửa tổng sản phẩm quốc nội (GDP), đang trở thành bài toán quá khó với tân Tổng thống.

Càng khó hơn khi song song đó vẫn giữ được quan hệ hòa hiếu với các nước láng giềng và bảo đảm an ninh cho người dân.

Không chỉ trên lĩnh vực kinh tế, nhiệm vụ quan trọng không kém lúc này còn là hàn gắn dân tộc vốn bị chia rẽ sâu sắc giữa hai phe bảo thủ và tự do sau những tranh cãi liên quan tới Tổng thống bị phế truất Park Geun-hye. Ngoài ra, ông Moon Jae-in và các cộng sự của mình còn phải vượt qua thế yếu trong Quốc hội để thực thi những chiến lược đề ra, khi mà đảng Dân chủ của ông chỉ có 119 ghế trên tổng số 300 ghế.

Kết quả thuận lợi của cuộc bầu cử diễn ra đúng lúc tình hình trên Bán đảo Triều Tiên vốn có nhiều diễn biến phức tạp, liên quan tới nhiều quốc gia, đã tiếp thêm sức mạnh, sự tự tin cho ban lãnh đạo và người dân Hàn Quốc cùng nhau đoàn kết trong lúc “nước sôi lửa bỏng” này.

Bởi, trước khi diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống ngày 9-5, Hàn Quốc ở vào tình thế vô cùng nguy hiểm khi khoảng trống lãnh đạo lộ rõ. Trong khi mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên tiếp tục tăng lên, cuộc khủng hoảng chính trị tại Hàn Quốc khiến nước này gặp nhiều khó khăn để đưa ra một chính sách với các đối tác khu vực.

Sức ép tăng lên từng ngày. Bê bối chính trị đã làm tê liệt các thể chế chính trị và châm ngòi cho các cuộc biểu tình quy mô lớn trên đường phố. Những thúc ép từ Mỹ, mối quan hệ tồn tại những bất đồng với Nhật Bản và sự phản đối quyết liệt của Trung Quốc đối với việc triển khai THAAD diễn ra đồng thời với những lời đe dọa thử vũ khí hạt nhân của Triều Tiên… khiến Hàn Quốc lâm vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Chỉ một sai lầm từ bất cứ bên nào, Hàn Quốc sẽ trở thành nạn nhân đầu tiên.

Nói như vậy để thấy rõ ý nghĩa của cuộc bầu cử hôm 9-5. Vì nó quan trọng với khu vực nên đã được các đồng minh và các nước láng giềng của Hàn Quốc theo dõi sát sao. Tình thế khó khăn của Hàn Quốc cho thấy các chính sách của ông Moon Jae-in chuẩn bị đưa ra có ý nghĩa như thế nào với những cử tri bỏ phiếu và không bỏ phiếu cho ông.

Với CHDCND Triều Tiên, quan điểm của ông Moon Jae-in rất rõ ràng: Cố gắng bắt tay với Bình Nhưỡng thông qua đàm phán và viện trợ, đi ngược với các chính sách của người tiền nhiệm.

Với nước Mỹ, quan hệ của hai nước liên minh này chắc chắc sẽ không có nhiều biến động lớn khi hai nước có mục tiêu chung là tiếp tục hợp tác trong giải quyết vấn đề Triều Tiên. Hàn Quốc cần Mỹ và ngược lại, nhất là trong bối cảnh Bán đảo Triều Tiên luôn căng thẳng bởi nguy cơ rình rập từ các vụ thử hạt nhân.

Khó khăn nhất chính là giải quyết bất đồng của Hàn Quốc với Nhật Bản và Trung Quốc. Với Trung Quốc, đối tác kinh tế quan trọng đang “nổi giận” từ khi hệ thống THAAD được triển khai trên đất Hàn Quốc, căng thẳng gia tăng khiến hai bên thiệt hại nhiều tỷ USD; quan hệ ngoại giao đặt trong sự nghi ngờ và lòng tin đã bắt đầu suy giảm.

Trong khi đó, với Nhật Bản, tình hình cũng không khả quan khi thỏa thuận về vấn đề “phụ nữ mua vui” đang trên bờ vực sụp đổ. Quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản được dự báo sẽ trải qua biến động hơn nữa nếu dự luật bãi bỏ Thỏa thuận an ninh chung cho thông tin quân sự (GSOMIA) với Nhật Bản được Quốc hội Hàn Quốc thông qua trong năm nay.

Đông Bắc Á luôn là tâm điểm của thế giới, bởi tại khu vực này có những nền kinh tế hàng đầu thế giới, ảnh hưởng chi phối nhiều quốc gia. Chỉ cần một trong số các nước này bất ổn sẽ kéo theo hệ lụy của cả khu vực, thậm chí ở tầm toàn cầu. Vì vậy, nếu từng nước ổn định, khu vực sẽ ít biến động và ảnh hưởng tiêu cực tới an ninh, chính trị, kinh tế toàn cầu cũng giảm đi.

Cuộc bầu cử thành công ở Hàn Quốc đang mở ra cơ hội để Hàn Quốc tự hàn gắn “vết thương” sau những tháng ngày bất ổn. Hàn Quốc ổn định sẽ là nhân tố tích cực kết nối mối quan hệ giữa các đối tác tại Đông Bắc Á, từ đó tạo ra tác động tích cực trong giải quyết các vấn đề tồn tại của một khu vực phức tạp nhất thế giới, đặc biệt sẽ hữu ích trong giải quyết tình trạng căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên.

Theo Nguyễn Hòa

Quân đội nhân dân