TikTok "hứng đòn" của Mỹ trong cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung
(Dân trí) - Giới phân tích cho rằng, việc TikTok bị cấm hoạt động ở Mỹ thực chất là nằm trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc - một trong những nội dung cốt lõi của cuộc thương chiến chưa có hồi kết.
Bộ Thương mại Mỹ ngày 18/9 tuyên bố, việc tải ứng dụng TikTok và WeChat tại Mỹ sẽ bị cấm kể từ ngày 20/9. Trong khi đó, người dùng tại Mỹ đã tải các ứng dụng này có thể tiếp tục sử dụng, nhưng với lệnh hạn chế mới là không thể tải cập nhật ứng dụng.
TikTok là mạng xã hội của Trung Quốc. Đây là kênh mạng video âm nhạc được phát hành bởi app tin tức Jinri Toutiao sáng lập năm 2016. Cách thức hoạt động của mạng xã hội này khá đơn giản, hầu hết video có thời lượng ngắn, thường không quá 15 giây.
Sự khác biệt của TikTok là ở khả năng, tính năng thay đổi hết sức độc đáo cùng với kho tàng hiệu ứng âm nhạc, âm thanh để người dùng có thể tạo ấn tượng mạnh trên những clip.
Với tính cá nhân hóa cao, cùng với kho tàng lên tới hàng trăm hiệu ứng camera, khiến TikTok có sức hút cao chưa từng có trên phạm vi toàn cầu. Tính đến cuối năm 2018, TikTok đã có 45,8 triệu lượt tải thông tin. Đến nay đã có hơn một tỷ người ứng dụng.
Sự tiện lợi về những bộ lọc âm thanh sống động, hiệu ứng nhận diện khuôn mặt khi được tải xuống... là tính năng nâng cao của hiệu ứng video bằng việc sử dụng trí tuệ thông minh nhân tạo (AI) so với thông thường.
Theo National Interest, ngay từ năm 2017, Ủy ban Đầu tư nước ngoài của Mỹ (CFIUS) đã chú ý tới ByteDance - chủ ứng dụng TikTok liên quan tới thương vụ mua bán công ty Musical.ly và từ đó ByteDance đã bị CFIUS để mắt tới.
Một nhóm thượng nghị sĩ của Mỹ khi đó đã lên tiếng cảnh báo sức ảnh hưởng ngày càng lớn của TikTok đối với giới trẻ của Mỹ cũng như sự hiện diện của ứng dụng này trên thị trường.
Các thượng nghị sĩ Chuck Schumer và Tom Cotton cảnh báo rằng, TikTok có thể đã bị chính phủ Trung Quốc yêu cầu hợp tác với tình báo của nước này. Thượng Nghị sĩ Marco Rubio còn cho rằng, TikTok là một “công cụ” chính trị của chính quyền Bắc Kinh.
Giới chuyên gia phân tích Mỹ cáo buộc rằng TikTok đã phải tuân theo sự kiểm duyệt của Bắc Kinh, bằng chứng là gần như không có bất cứ thông tin nào liên quan tới cuộc biểu tình tại Hong Kong hồi tháng 6 năm ngoái trên mạng xã hội này.
Tổng giám đốc TikTok tại Mỹ, bà Vanessa Pappas, đã phản bác lại những nhận xét trên và cho rằng, mặc dù ứng dụng này đang gặp phải những vấn đề cần tháo gỡ, nhưng những người hoạch định chính sách tại Mỹ có thể sẽ điều tiết các nội dung cho thị trường và không chịu tác động nào từ Trung Quốc.
Theo bà Pappas, TikTok chỉ kinh doanh giải trí, không có khả năng chính trị hóa giống như trên YouTube hoặc Facebook. Bà Pappas còn khẳng định: “Các giám đốc điều hành của TikTok tại Bắc Kinh luôn đảm bảo giữ mức độ độc lập cao và toàn diện trong các quyết định như kiểm duyệt nội dung”.
Qua nhiều cuộc phỏng vấn với một số cựu nhân viên TikTok của Mỹ, báo Washington Post cho rằng, các quyết định và chỉ đạo thực tiễn của TikTok tại Mỹ đến từ công ty mẹ có trụ sở ở Bắc Kinh. Bác bỏ thông tin trên, bà Pappas nhấn mạnh thêm, các hoạt động đó đã thay đổi và ByteDance hiện có thể quản lý tốt mà không cần ban điều hành từ Bắc Kinh, ban quản lý tại Mỹ có thể tự ra quyết định.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia Trung Quốc, cho dù hiện tại ra sao, cơ quan kiểm duyệt thông tin của Bắc Kinh vẫn sẽ can thiệp bất cứ lúc nào nếu họ nhận thấy có gây ảnh hưởng tới an ninh của Trung Quốc.
Mỹ lo tụt hậu công nghệ?
Năm 1996, chính phủ Trung Quốc đã thực thi một quyết định lịch sử, được coi là điểm khởi đầu của bức “Tường lửa Vĩ đại” (Great Firewall - công cụ vừa ngăn chặn người Trung Quốc xem thông tin nhạy cảm, vừa bảo vệ các tập đoàn công nghệ trong nước). Theo đó, Trung Quốc đã xây dựng mạng Internet riêng, có cơ chế vận hành khác biệt với Mỹ và thế giới.
Trung Quốc cũng đã đầu tư hàng tỷ USD xây dựng, thực thi quy định kiểm soát và chặn các nội dung không phù hợp trên mạng Internet của nước này, vốn có gần một tỷ người sử dụng, chiếm gần 25% lượng người tiếp cận Internet trên toàn cầu.
Cách đây hơn 2 năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra mục tiêu không chỉ độc lập mà còn viết lại quy tắc sử dụng Internet toàn cầu, nhằm biến Trung Quốc thành “siêu cường mạng”. Theo đó, tiêu chuẩn kỹ thuật, phương án quản lý đều hướng tới tập trung quyền lực vào hệ thống mạng của Trung Quốc.
Ngay từ năm 2017, Trung Quốc đã dượt đuổi Mỹ về mức đầu tư vào nghiên cứu và phát triển với 496 tỷ USD so với 549 tỷ USD tại Mỹ. Bắc Kinh cũng đầu tư mạnh vào những công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng 4.0 như: AI, 5G, Big Data... nhằm cạnh tranh trực tiếp với Mỹ.
Theo số liệu được Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) công bố hồi đầu tháng 4/2020, lần đầu tiên Trung Quốc vượt Mỹ về số hồ sơ xin cấp bằng sáng chế quốc tế với 58.990 so với 57.840 của Mỹ.
Trước đó, năm 2015 Trung Quốc đã công bố chiến lược 10 năm mang tên “Made in China 2025”, trong đó có 10 ngành công nghiệp mà Bắc Kinh có khả năng cạnh tranh toàn cầu trước năm 2025 và sẽ thống trị thế giới trong thế kỷ XXI với mục tiêu cụ thể là biến Trung Quốc thành nhà sản xuất thiết bị bán dẫn hiện đại và cải thiện khả năng tự chủ trong lĩnh vực công nghệ lên mức 70% vào năm 2049.
Tiến sĩ Nicol Turner Lee thuộc Viện Brookings, Mỹ cho rằng các kế hoạch của Trung Quốc cũng nhằm mục tiêu tăng cường ảnh hưởng quốc tế và chiếm ngôi vị số một của Mỹ... Điều đó sẽ tạo ra tình trạng chia rẽ hệ sinh thái kỹ thuật số toàn cầu.
Mỹ đã cấm công nghệ 5G của Huawei, giờ đây là TikTok, WeChat. Năm 2019, chính phủ Mỹ cũng củng cố các điều luật nhằm ngăn những công ty trong danh sách đen sử dụng tài sản sở hữu trí tuệ có nguồn gốc từ Mỹ, tạo ra sự phân chia rõ ràng giữa những nhà sản xuất Mỹ và khách hàng Trung Quốc.
Ảnh hưởng rõ nhất là lĩnh vực điện thoại thông minh. Google không còn hợp tác với Huawei để cung cấp bản quyền hệ điều hành Android, buộc tập đoàn Trung Quốc phải tự phát triển hệ điều hành riêng mang tên HarmonyOS. Mặc dù các công ty công nghệ Mỹ đã mất 150 tỷ USD doanh thu mỗi năm tại thị trường này.
Theo giới quan sát, cuộc cạnh tranh, thậm chí đấu tranh công nghệ gây căng thẳng nhất trong cuộc chiến cộng nghệ Mỹ-Trung là bán dẫn, nền tảng bảo đảm hoạt động cho mọi thiết bị điện tử đang đứng trước nguy cơ bị phân chia thành hai nửa.
Trung Quốc cũng đã đối phó bằng cách đầu tư 100 tỷ USD cho ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Bắc Kinh cũng rút nhà sản xuất chip SMIC, đối thủ của TSMC, khỏi sàn giao dịch chứng khoán New York và đưa trở về sàn giao dịch ở Thượng Hải. Tuy nhiên, tham vọng làm chủ bán dẫn của Trung Quốc cũng vẫn bị đe dọa nghiêm trọng, bởi vì họ sẽ phải mất nhiều năm để sở hữu công nghệ ngang bằng đối thủ.
Giới phân tích cho rằng, việc TikTok bị cấm hoạt động ở Mỹ thực chất là cuộc chiến công nghệ giữa 2 cường quốc Mỹ-Trung - một trong những nội dung cốt lõi của cuộc “thương chiến” mà hai nước đang tiến hành cho đến nay vẫn chưa rõ hồi kết.