DMagazine

Tiểu đoàn xe tuần lộc: Những người hùng thầm lặng của Hồng quân Liên Xô

(Dân trí) - Nhờ có phương tiện vận tải đặc biệt này, những khẩu pháo và súng cối của Hồng quân đã bất ngờ xuất hiện ở ngay hậu phương của quân đội Đức Quốc xã.

TIỂU ĐOÀN XE TUẦN LỘC: NHỮNG NGƯỜI HÙNG THẦM LẶNG CỦA HỒNG QUÂN LIÊN XÔ 

Nhờ có phương tiện vận tải đặc biệt này, những khẩu pháo và súng cối của Hồng quân đã bất ngờ xuất hiện ở ngay hậu phương của quân đội Đức Quốc xã.

Tiểu đoàn xe tuần lộc: Những người hùng thầm lặng của Hồng quân Liên Xô - 1

Vận chuyển bom đến máy bay bằng xe tuần lộc, năm 1942 (Ảnh: TASS).

Theo hãng tin TASS (Nga), trong những năm tháng chiến tranh với khí hậu băng giá khắc nghiệt ở miền Bắc nước Nga, những cỗ xe tuần lộc đã được sử dụng để thay thế cho các phương tiện vận tải bằng xe cơ giới. Chúng được giao các nhiệm vụ từ chuyên chở đạn dược, lương thực, củi và chất đốt, đến sơ tán thương binh và tìm kiếm xác máy bay bị bắn rơi.

Xe tuần lộc đã được Hồng quân Liên Xô sử dụng và chứng minh được khả năng của mình từ thời Chiến tranh Phần Lan. Nhưng chỉ tới khi cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại của quân và dân Liên Xô chống lại phát xít Đức xâm lược nổ ra, những cỗ xe này mới phát huy được giá trị đặc biệt của mình.

Cô Polina Kharybina, một đại biểu của Hội đồng dân tộc Sami kể rằng, cụ nội cô tên là Ivan Maksimovich Sobakin, sinh năm 1898. Vào tháng 10/1941, khi quân Đức bắt đầu ném bom, cụ đã phải di tản đàn tuần lộc nhà mình đi về phía Đông Nam. Đến con sông Tuloma, cụ phải dừng lại ở đó nhiều ngày để chờ cho đến khi băng non trên mặt sông đông cứng lại. Mãi tới giữa tháng 11 năm đó, đàn tuần lộc mới vượt được sông để tiến về phía đường sắt vùng Loparsk.

Trong suốt 130 ngày di chuyển cùng đàn tuần lộc, mọi người thân, họ hàng trong làng đều nghĩ rằng, những người đi di tản tuần lộc như cụ đã chết, nhưng thật may mắn, tất cả đều sống sót và quay trở lại làng lành lặn. Để rồi sau đó vài ngày, họ cùng cầm súng lên đường ra mặt trận.

Các đơn vị vận tải tuần lộc được thành lập vào tháng 11/1941. Thẻ quân nhân của họ cũng ghi rõ: "lính đánh xe tuần lộc", nhưng họ không mặc quân phục như các đơn vị khác mà chỉ mặc bộ áo khoác lông truyền thống của người Sami.

Vượt mọi địa hình mà không gây tiếng ồn

Tiểu đoàn xe tuần lộc: Những người hùng thầm lặng của Hồng quân Liên Xô - 2

Những người lính đánh xe tuần lộc tại mặt trận Karel, năm 1944 (Ảnh: TASS).

TASS dẫn lời ông Alexander Chapenko, Tiến sỹ sử học, Phó giáo sư Đại học liên bang Murmansk Bắc Cực, cho biết tuần lộc là một trong những "cư dân" đặc trưng của vùng lãnh nguyên phương Bắc, chúng mạnh mẽ và gan lì, có khả năng chịu đựng điều kiện thời tiết khí hậu cực kỳ khắc nghiệt. Chúng có thể đi tới những nơi mà các phương tiện hiện đại không thể đến. Những cỗ xe tuần lộc có khả năng vượt địa hình cực tốt, nhất là khi những trận bão và tuyết lở khiến cho những con đường trở nên không thể vượt qua đối với cả ô tô lẫn máy kéo cơ giới.

Không những vậy, việc chăm sóc tuần lộc hết sức đơn giản, hầu như không tốn nhiều thời gian và công sức. "Tuần lộc không bị sa lầy trong tuyết, chúng còn biết bơi, biết tự tìm thức ăn và nước uống, không cần chỗ nghỉ ngơi. Chúng có khả năng tự bảo đảm mọi thứ", bà Domna Khomyuk, một cư dân làng Lovozero, vùng Murmansk Tây Bắc nước Nga, cho biết.

Nhưng phẩm chất đặc biệt nhất của tuần lộc, một điều cực kỳ quan trọng trong điều kiện thời chiến, đó khả năng giữ yên lặng. "Chó kéo xe trượt tuyết rất ồn ào, ngựa cũng tạo ra âm thanh lớn, nhưng tuần lộc thì không. Chúng không tạo ra bất kỳ âm thanh nào, hoàn toàn không", bà Domna Khomyuk lý giải.

Chính đặc tính quan trọng này đã giúp ích rất nhiều cho các đội quân đánh xe tuần lộc trong các chiến dịch chiến đấu và trinh sát. Ngoài ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của các đơn vị tuần lộc là sơ tán thương, bệnh binh khỏi chiến trường. Nhà sử học người Murmansk, Sergei Shishov trích dẫn hồi ký của một trong những người lính thuộc tiểu đoàn xe tuần lộc A. Sorvanov: "Trong chiến tranh, tuần lộc đã cứu sống rất nhiều thương binh. Khi một người bị thương, việc mất nhiều máu sẽ khiến thân nhiệt hạ thấp và gây cảm giác ớn lạnh. Nhưng da tuần lộc có khả năng giữ ấm rất tốt. Chỉ cần được ủ ấm bằng da tuần lộc, đặt lên xe và chở đi. Đến quân y trạm, cơ thể người thương binh còn ấm, có nghĩa là anh ta vẫn còn sống".

Tiểu đoàn xe tuần lộc: Những người hùng thầm lặng của Hồng quân Liên Xô - 3

Vận chuyển thương binh, năm 1942 (Ảnh: TASS).

Các tiểu đoàn xe tuần lộc được giao các nhiệm vụ tương tự như đối với vận tải bằng ô tô. Đó là phục vụ việc di chuyển của chỉ huy các đơn vị, vận chuyển các báo cáo tin tình báo, vũ khí và đạn dược, lương thực, củi và nhiên liệu. Thậm chí tuần lộc còn được sử dụng trong các chiến dịch đổ bộ. Nhờ có phương tiện vận tải đặc biệt này, những khẩu pháo và súng cối của Hồng quân đã bất ngờ xuất hiện ở ngay hậu phương của quân đội Đức Quốc xã. Trong vùng lãnh nguyên phủ đầy băng tuyết, cũng chỉ có xe tuần lộc mới có thể tiếp cận được nơi những chiếc máy bay bị bắn rơi. Chúng giúp vận chuyển các phi công bị thương, phụ tùng và động cơ máy bay ra ngoài, mỗi thứ nặng đến cả nửa tấn.

Sergei Shishov trích dẫn những con số đáng kinh ngạc sau: Chỉ trong 3 chiến dịch mùa đông, lực lượng xe tuần lộc đã vận chuyển được tổng số 10.142 thương, bệnh binh; 7.985 quân nhân làm nhiệm vụ chiến đấu; 2.302 tấn vật chất, thiết bị quân sự; 18.597 tấn thực phẩm, thức ăn gia súc; 162 máy bay bị bắn rơi hoặc gặp sự cố.

Bức tường kỷ niệm

Tiểu đoàn xe tuần lộc: Những người hùng thầm lặng của Hồng quân Liên Xô - 4

Xe tuần lộc ở mặt trận Karel, năm 1944 (Ảnh: TASS).

"Cụ ngoại tôi tên là Pelageya Maksimovna Konkova, sinh năm 1905, cũng từng tham gia vận tải bằng xe trượt tuyết tuần lộc. Dù cụ rất sợ người Đức, luôn coi họ là những kẻ độc ác, vô nhân tính, nhưng điều đó không ngăn cản cụ quyết tâm tham gia phục vụ chiến đấu", cô Polina Kharybina nhớ lại.

Cha đẻ của Domna Khomyuk, ông Maxim Zakharov, cũng từng phục vụ trong các tiểu đoàn xe tuần lộc. Hiện nay, trong căn hộ của bà Domna vẫn còn lưu giữ "bức tường kỷ niệm" với những bức ảnh của người thân trong gia đình bà. Domna Khomyuk nói: "Bố mẹ tôi cưới nhau ngay trước chiến tranh, vào tháng 5/1941. Sau lễ cưới, họ chuyển đến sống ở làng Krasnoshchelye. Và chính ở đó họ đã bị cuốn vào cuộc chiến tranh".

Cha mẹ của Domna Khomyuk không thích nói nhiều về những thành tích của họ trong chiến tranh, vì cho rằng mình không làm được điều gì đặc biệt, mặc dù cha bà từng chỉ huy một trung đội vận tải tuần lộc, nhiều lần được tặng huân, huy chương các loại.

Domna nhớ lại: "Tuần lộc đã cứu sống cha tôi. Trước đây ông từng kể rằng, khi ông đang đánh một cỗ xe đi dọc bờ hồ thì địch bắt đầu ném bom. Ông cho những con tuần lộc dừng lại, bắt chúng nằm xuống trên mặt đất, còn ông thì nằm giữa chúng. Trận ném bom kết thúc, ông đứng dậy và trông thấy một con ở ngay phía sau mình đã bị chết bởi một mảnh bom. Chính nó đã cứu mạng ông".

Người Sami ở bán đảo Kola đã hy sinh rất nhiều, họ dành cho quân đội gần như tất cả những gì mình có. "Thậm chí, khi giết thịt một con tuần lộc, họ còn không để lại một miếng thịt nhỏ nào. Mọi thứ đều dành cho tiền tuyến!", Domna Khomyuk nói.

"Đàn ông ra tiền tuyến, còn phụ nữ thì ở lại hậu phương, nuôi tuần lộc, đánh cá, may quần áo ấm từ lông tuần lộc. Tất và găng tay được dệt từ lông cừu. Khi đó còn có mẹ tôi và hai bà. Ông nội đã đóng một cỗ xe trượt tuyết và xe ngựa cho tiền tuyến. Thực phẩm và da được chuyển đến một đoàn xe trượt tuyết chất đầy hàng hóa đến các nhà ga Pulozero và Taibola để chuyển ra tiền tuyến. Trong các ngôi làng của người Sami, mọi người dân đều hăng say lao động, để rồi những gì họ làm ra tất cả đều được chở đến các nhà ga và từ đó đi khắp các mặt trận", Domna Khomyuk kể.        

Những người hùng thầm lặng

Tiểu đoàn xe tuần lộc: Những người hùng thầm lặng của Hồng quân Liên Xô - 5

Tượng đài "Chiến công của các Tiểu đoàn Vận tải Tuần lộc" ở Murmansk (Ảnh: TASS).

Các đội vận tải tuần lộc phục vụ trong Hồng quân Liên Xô đến khi chiến tranh kết thúc, giữ một vai trò không thể thiếu trong đảm bảo chiến đấu ở vùng Bắc Cực. Cuối năm 2020, đài tưởng niệm "Chiến công của các Tiểu đoàn Vận tải Tuần lộc" đã được dựng lên ở thành phố Murmansk. Trên đó, bên cạnh những người lính là hình ảnh của những chú tuần lộc được đúc bằng đồng.

Cô Nina Yakolevna Ezhova, người đầu tiên đề xuất ý tưởng trên cho biết, từ khi bắt đầu đưa ra ý tưởng đến khi hoàn thành tượng đài phải mất tới gần 10 năm. Ngày nay, đi đâu chúng ta cũng có thể nhìn thấy các tượng đài với những chiếc máy bay, những khẩu pháo hay tàu chiến, nhưng chẳng ở nơi đâu khác có tượng đài về những chiến binh đặc biệt là đội quân đánh xe vận tải tuần lộc. Cô Nina hy vọng rằng, trong tương lai sẽ còn có thêm nhiều đài tưởng niệm nữa để phần nào xóa đi sự thiếu công bằng của lịch sử.

"Người Sami có đức tính khiêm tốn. Trong gia đình họ chẳng bao giờ bàn tán xem những gì mà cha ông họ đã hiến dâng, đó là chiến công hay chỉ là công việc vận tải thông thường. Cũng chính vì vậy mà nhiều thông tin quý giá đã bị thất lạc một cách đáng tiếc", cô Polina Kharybina giải thích. Hiện nay, cô đang nghiên cứu thành lập một "Bảo tàng ảo về các tiểu đoàn vận tải tuần lộc". Cô chia sẻ: "Đây sẽ là một trang web đặc biệt sẽ giúp lưu giữ những thông tin còn tồn tại đến ngày nay ở định dạng kỹ thuật số, để các thế hệ mai sau có thể tìm hiểu và nghiên cứu".