Thụy Sỹ hoàn thành đường hầm dài nhất hành tinh
(Dân trí) - Chiều ngày 15/10, các kỹ sư đã khoan thủng phần đất đá cuối cùng để hoàn thành đường hầm dài nhất thế giới, đường hầm xe lửa Gotthard nằm dưới dãy núi Alps của Thụy Sỹ.
Các công nhân bắt tay chúc mừng nhau khi xuyên thủng phần đất đá cuối cùng của đường hầm ngày 15/10.
Chiếc mũi khoan có đường kính tới 10m đã xé toạc lớp đá trong niềm hân hoan và tiếng reo hò của các công nhân xây đường hầm Gotthard. Tuyến đường hầm xe lửa dài 57km này đã trải qua 14 năm xây dựng và dự kiến sẽ chưa mở cửa cho tới trước cuối năm 2016.
Gotthard được kỳ vọng sẽ làm nên cuộc cách mạng về giao thông ở khắp châu Âu, là tuyến đường cao tốc nối miền bắc và miền nam của lục địa.
Cuối cùng các chuyến tàu chạy qua đường hầm dài nhất hành tinh này sẽ đạt tốc độ lên tới 250km/h. Vì vậy mà thời gian đi giữa Zurich và Milan sẽ chỉ còn 1 tiếng rưỡi.
Sự kiện mang tính cột mốc trên đã diễn ra ngay sau 14h15 ngày 15/10 và được truyền trực tiếp trên truyền hình Thụy Sỹ, với sự dõi theo của các bộ trưởng giao thông trên khắp châu Âu.
Nhiều công nhân làm việc tại đường hầm đã háo hức trông đợi giây phút 2 đầu của đường hầm gặp nhau ở dưới độ sâu 2.000m. Người quản đốc đã nâng bức tượng thánh Barbara, thánh bảo vệ thợ mỏ, qua một cái lỗ nhỏ trong chiếc máy khoan.
Khoảng 2.500 người đã làm việc trên tuyến đường hầm này và 8 người đã hi sinh mạng sống trong quá trình xây dựng.
Một phút mặc niệm đã được tổ chức trong lễ kỷ niệm hoàn thành đường hầm và tên của họ được đọc lên.
Dự án xuyên núi Alps, tốn kém 10,3 tỷ USD này sẽ cho người dân trên khắp châu Âu 300 chuyến 1 ngày.
Chiều dài của đường hầm Gotthard vượt qua đường hầm Seikan, dài 53,8km, nối các quần đảo Honshu và Hokkaido của Nhật Bản, cũng như đường hầm qua eo biển Anh, dài 50km, nối Anh với Pháp.
Thụy Sỹ là một trong những giao lộ chở hàng chính của châu Âu vì vậy đường hầm này là một phần trong dự án lớn hơn, nhằm chuyển chở hàng từ đường bộ sang đường xe lửa.
Phan Anh
Theo BBC