1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thượng viện Mỹ "gây sức ép" với Tổng thống Trump về dự luật trừng phạt Nga

(Dân trí) - Với tỷ lệ phiếu gần như tuyệt đối - 98 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã nhất trí áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump phản đối dự luật này.


Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề G20 tại Hamburg, Đức (Ảnh: AFP)

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump gặp nhau bên lề G20 tại Hamburg, Đức (Ảnh: AFP)

Sau khi được Hạ viện thông qua hồi đầu tuần này, dự luật áp đặc các lệnh trừng phạt cũng đã được thông qua tại Thượng viện Mỹ trong phiên bỏ phiếu vào rạng sáng ngày 28/7 (theo giờ Việt Nam).

Sau khi được quốc hội Mỹ thông qua, các dự luật về lệnh trừng phạt mới sẽ được chuyển lên để Tổng thống Trump ký ban hành.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, với quan điểm phản đối dự luật áp đặt trừng phạt Nga mà Tổng thống Trump từng nhắc tới trong thời gian qua, hiện chưa rõ "ông chủ" Nhà Trắng có dùng quyền phủ quyết của mình cho dự luật mới này hay không.

Nếu Tổng thống Trump lựa chọn phương án dùng quyền phủ quyết, dự luật về các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga có thể được các nghị sỹ ở quốc hội "lách" bằng cách vận động đủ phiếu ủng hộ để vượt qua quyền phủ quyết của Tổng thống và thông qua thành luật.

Trước đó, các nghị sỹ đã tìm được tiếng nói chung về việc mở đường cho Thượng viện phê chuẩn các lệnh trừng phạt mới đối với Nga, chủ yếu liên quan đến những cáo buộc cho rằng Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi năm ngoái.

Trong thời gian qua, Tổng thống Trump đã nhiều lần bác bỏ sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử, vốn được cho là để "dồn phiếu" cho ứng cử viên của đảng Cộng hoà. Tuy nhiên, các nhà quan sát chính trị cho rằng quyết định phủ quyết dự luật trên sẽ làm dấy lên những quan ngại về sự ủng hộ của "ông chủ" Nhà Trắng cho Điện Kremlin.

Đầu tuần này, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan cho biết các dự luật mới "là cách để bao vây những đối phương nguy hiểm nhất để bảo vệ sự an toàn của nước Mỹ". Tuy nhiên, các dự luật này đã bị một số nước châu Âu, có tham gia vào các thoả thuận khí đốt với Nga, chỉ trích với lập luận cho rằng sẽ chỉ làm tồi tệ thêm mối quan hệ giữa Moscow và phương Tây.

Hiện chưa có phản ứng chính thức nào từ phía Tổng thống Trump sau khi Thượng viện thông qua dự luật, trong khi Giám đốc Phụ trách truyền thông mới của Nhà Trắng, ông Anthony Scaramucci, cho biết: "Ông ấy có thể sẽ ký ban hành các dự luật như cách mà ông ấy có thể bác những dự luật đó".

Ngọc Anh

Tổng hợp