Thượng nghị sĩ John Kerry: “Sẽ tham gia vào Hội những người yêu Hà Nội”
(Dân trí) - 11h đêm, Thượng nghĩ sĩ John Kerry ngồi vào chiếc xe Lada cũ kỹ. Khi đi trên đường Điện Biên Phủ, ngang qua Cột cờ Hà Nội, ông thốt lên: “Hà Nội là một thành phố tuyệt đẹp. Một ngày nào đó, nhất định tôi sẽ tham gia vào Hội những người yêu Hà Nội”.
Ted Schweitzer
Tháng 3 năm 1992, một người Mỹ tên là Theodore G. Schweitzer đến Bảo tàng Quân đội đề nghị được nghiên cứu một số tư liệu để viết về cuộc chiến tranh Việt Nam nhìn từ hai phía.
Khi ấy, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam vẫn chưa bình thường hóa. Lấy cớ là Việt Nam chưa hợp tác đầy đủ trong việc giải quyết vấn đề POW- MIA (tù binh và người Mỹ mất tích trong chiến tranh), chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục duy trì tình trạng cấm vận với nước ta.
Đại tá Phạm Đức Đại trao cho Thượng nghị sĩ F. John Kerry chiếc mũ bay của Thiếu tá phi công Mỹ John McCain bị bắt sống tại Hồ Trúc Bạch.
Đây là một người mà số phận có nhiều liên quan tới Việt Nam. Những năm 80 của thế kỷ trước, ông là quan chức của Liên Hợp quốc về người tỵ nạn, đã từng tham gia trợ giúp “thuyền nhân”, thậm chí từng bị thương khi cứu những người Việt bị rơi vào tay cướp biển Thái Lan. Trong thời gian làm việc tại Bảo tàng Quân đội, ông đã yêu và sau này kết hôn với một phụ nữ Việt.
Công việc của ông tại Bảo tàng Quân đội gặp khá nhiều thuận lợi. Ông nhận được nhiều sự hỗ trợ của những người có trách nhiệm và luôn tỏ ra lịch thiệp nhưng hòa đồng với mọi người. “Phụ nữ Việt Nam rất xinh, bia 333 rất ngon” - ông ta thường nói bằng tiếng Việt và đề nghị mọi người gọi ông là Ted cho thân thiện.
Tuy nhiên, đó không phải là một con người đơn giản như tự giới thiệu. Công việc của ông không đơn thuần là “lấy tư liệu để viết về cuộc chiến tranh Việt Nam nhìn từ hai phía” mà chủ yếu là nghiên cứu về vấn đề POW-MIA.
Bữa tối cùng Thượng nghị sĩ John Kerry
Một chiều cuối tháng 11 năm 1992, Ted Schweitzer bảo tôi: “Hôm nay sẽ ăn tối với Thượng nghị sĩ John Kerry. Ông ấy không thích ăn ở khách sạn đâu, anh xem chỗ nào món ăn ngon và yên tĩnh một chút”. Tôi nói ngay: “Theo tôi, tốt nhất là ra số 1 Nguyễn Biểu”. Ted đồng ý ngay vì chúng tôi đã có vài lần ngồi ở đó rồi.
Tôi báo cáo với Đại tá Phạm Đức Đại. Vị đại tá già khả kính đã có thời gian làm việc trong ngành quân báo từ những năm đầu khởi nghĩa là một người thông thái và luôn có những quyết định mạch lạc, quyết đoán. Ông nói: “Cháu cứ đi, nhưng luôn phải nắm chắc quan điểm, cái gì có lợi cho công việc chung thì cứ làm”.
Chúng tôi lên chiếc xe Lada cũ và đến khách sạn. Điều làm tôi vô cùng ngạc nhiên là ngài Thượng nghị sĩ bình thản leo lên xe mà chẳng hề có ý kiến gì. Chiếc xe này là do Ted bằng cách nào đó đã mua lại được từ Đại sứ quán Nga. Bề ngoài có vẻ thô kệch nhưng được cái máy khỏe, chạy rất tốt. Trên xe khi ấy có tới cả 5 người nhưng vẫn chạy êm ru.
Nhà hàng số 1 Nguyễn Biểu khi ấy nằm sát mép nước hồ Trúc Bạch. Phía trong có phòng ăn kính, phía ngoài là mấy dãy bàn ngoài trời nằm dưới dàn cây. Những lần trước, Ted luôn chọn ngồi ngoài trời, nhưng hôm ấy hơi lạnh nên đặt bàn trong nhà. Chúng tôi gọi một số món ăn thông thường, nhưng ông Kerry đều khen ngon. Tôi quan sát thấy ông có vẻ thích thú món ốc hấp sả, chắc bởi thấy trên đĩa bày cả những con ốc rất lạ mắt.
Chúng tôi nói nhiều chuyện, từ quan hệ Việt- Mỹ đến chuyện đổi mới ở Việt Nam. Phần lớn thời gian, chúng tôi nói chuyện về cuộc sống Hà Nội. Nghe tôi kể chuyện phi công John McCain bị rơi xuống hồ Trúc Bạch và bị bắt sống thế nào, ông Kerry phá lên cười. “Ồ, nếu là tôi, tôi sẽ đề nghị ông McCain cho lấy tên để đặt cho nhà hàng này. Tôi chắc là sẽ rất đông khách và có thể kiếm khối tiền đấy”.
Rất tiếc nhà hàng số 1 Nguyễn Biểu sau này đã bị phá dỡ đi mất nên kế hoạch kinh doanh của ông Kerry cũng không thành hiện thực. Ấy là nói đến hiện tại, chứ trong tương lai, biết đâu đấy, bên bờ hồ Trúc Bạch sẽ xuất hiện một nhà hàng mang tên John McCain thì thật tuyệt vời.
11h đêm, bữa tiệc kết thúc. Cả 5 người lại leo lên chiếc xe Lada đi về khách sạn. Khi đi trên đường Điện Biên Phủ, ngang cột cờ Hà Nội, ông Kerry bỗng thốt lên: “Hà Nội là một thành phố tuyệt đẹp. Một trong những thành phố đẹp nhất mà tôi biết. Chắc là một ngày nào đó, tôi nhất định tham gia Hội những người yêu Hà Nội, giữ gìn những cái đẹp của thành phố này”.
Có điều đáng nói là, dạo đó, Hà Nội còn nghèo lắm, dân mình còn nghèo lắm. Khi cuộc sống còn quá thiếu thốn, người ta thường thấy nhiều điều dở chung quanh hơn là những điều hay, thường thấy nhiều cái xấu hơn cái đẹp. Chính vì thế, tôi vừa rất ngạc nhiên và vừa thấy ấm áp khi nghe câu nói đó của ngài Thượng nghị sĩ.